Kinh tế địa phương

Ngành Công thương Hưng Yên đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Duy Phường - Kim Dung 25/12/2024 08:59

Ngành Công thương cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hưng Yên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của cả nước.

Theo Sở Công thương Hưng Yên, thời gian qua, Sở đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, từ đó góp phần cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI cho tỉnh Hưng Yên.

z6122436670270_cb60adaac253a08f9788c91a3ca9663a.jpg
Cụm công nghiệp Đông Khoái Châu trên địa bàn huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên

Chú trọng không gian phát triển cụm công nghiệp

Theo thống kê, sản xuất công nghiệp và xây dựng tỉnh Hưng Yên năm 2024 có nhiều thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,25%, là mức tăng cao trong vòng 5 năm trở lại đây, cho thấy sản xuất công nghiệp của tỉnh đang có sự phục hồi và phát triển.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,21%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý nước thải, rác thải tăng 9,87%. Đặc biệt hai ngành có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp là sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn và sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính.

Theo ông Vũ Quang Thắng - Giám đốc Sở Công thương, tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt quy hoạch mở rộng và xây dựng mới nhiều cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp. Các CCN được quy hoạch với diện tích đủ lớn để thu hút đầu tư, đảm bảo kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi và tích hợp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh chú trọng đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, giúp các doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất để sản xuất và kinh doanh.

GĐ sở
Ông Vũ Quang Thắng - Giám đốc Sở Công thương Hưng Yên trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp

Định hướng phát triển của Hưng Yên theo quy hoạch, đến năm 2030 trên địa bàn toàn tỉnh có 50 CCN với tổng diện tích 2.899 ha. Trong đó, 24 CCN được UBND tỉnh quyết định thành lập với tổng diện tích 1.148,97 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 13.227,11 tỷ đồng. Đã có 18/24 CCN đã được cấp thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; 16/18 CCN đang thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, với tổng diện tích đã GPMB là 750,2ha (đạt 83,5%), còn lại 148,28ha đang thực hiện giải phóng mặt bằng. 11/16 CCN đã san lấp và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong đó đã tiếp nhận được 36 dự án đầu tư thứ cấp vào các CCN, với tổng diện tích 957.099m², tổng vốn đầu tư 18.928.192.189.000 đồng.

Để hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn, Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong thời gian qua, Sở Công thương tỉnh Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp… nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp trong tỉnh yên tâm sản xuất kinh doanh.

CCN Đông Khoái Châu nằm trên địa phận xã Việt Hòa, huyện Khoái Châu do Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Hưng Việt làm chủ đầu tư. CCN với quy mô 30ha và hạ tầng hiện đại, CCN Đông Khoái Châu được thành lập với mục tiêu thu hút đầu tư các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm phát huy hiệu quả diện tích đất đã được quy hoạch, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, phù hợp với mục tiêu và quy hoạch phát triển của huyện Khoái Châu và tỉnh Hưng Yên.

Ông Nguyễn Hữu Hiệu, Phó Giám đốc công ty Hưng Việt cho biết, doanh nghiệp đánh giá rất cao môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Hưng Yên và nhận định rằng tỉnh có nhiều yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông phát triển, các khu công nghiệp và CCN được quy hoạch và xây dựng bài bản. Hơn nữa, chính quyền tỉnh Hưng Yên luôn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, giúp các dự án triển khai nhanh chóng và hiệu quả.

z6147676455076_d3f4214a7e0d64ec45ad7ea8d501422e.jpg
Ông Nguyễn Hữu Hiệu, Phó Giám đốc

Theo ông Hiệu, thời gian qua, tỉnh đã có những cải cách đáng kể trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và hoàn thiện các thủ tục cần thiết. Các cơ quan chức năng tại Hưng Yên luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để dự án được thực hiện đúng tiến độ.

Nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Công thương Hưng Yên, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế trong nước. Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Công thương thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh để tham mưu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường và đạt những kết quả tích cực.

Nhờ đó, năm 2024 giá trị sản xuất dịch vụ tăng 3,65%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 131.984 tỷ đồng, vượt 38,93% so với kế hoạch năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7.200 triệu USD, tăng 16,03% so với năm 2023 đạt 102,86% kế hoạch.

Nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Công thương đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ cung cấp thông tin, kết nối các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh tham gia các hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế; tham gia triển lãm, hội chợ trực tuyến... mở rộng khả năng thâm nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Một số chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại tiêu biểu như: Phiên chợ Vải Hưng Yên; Tuần lễ Nhãn lồng - Nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng Yên; Phiên chợ Cam Hưng Yên; Gian hàng của tỉnh tham gia các chương trình, hội nghị tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sở đã hỗ trợ xây dựng 12 điểm giới thiệu và bán giới thiểu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, Sở tiếp tục hỗ trợ xây dựng 02 điểm, từ đó đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, tạo điều kiện giới thiệu và kết nối các sản phẩm OCOP của tỉnh đến các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, nhà phân phối.

Ngoài ra, Sở thường xuyên tổ chức Hội nghị tập huấn ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các sản phẩm nông sản, nông sản chế chế biến của tỉnh với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; hợp tác xã, nhà vườn, hộ sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, Sở đã hỗ trợ trên 10 triệu tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm (chủ yếu là các đơn vị sản xuất các nông sản là chủ lực của tỉnh như: Cam, nhãn, vải lai, quả có múi và sản phẩm nông sản chế biến).

79145_cac_dai_bieu_tham_quan_gian_hang_tai_cua_hang_cua_hop_tac_xa_dau_tu_va_phat_trien_nong_nghiep_xanh_hong_nam_thanh_pho_hung_yen_12454713.jpg
Ngày 13/12/2024, Sở Công thương khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên tại cửa hàng của Hợp tác xã đầu tư và phát triển nông nghiệp xanh Hồng Nam, thành phố Hưng Yên

Tỉnh Hưng Yên có nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, nếu được khai tốt sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh. Đa số doanh nghiệp, hợp tác xã nhận định rằng: vai trò định hướng và dẫn dắt, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng trong việc nâng cao uy tín, hình ảnh, thương hiệu của sản phẩm OCOP địa phương; tạo “sân chơi” cho các doanh nghiệp trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Công ty TNHH Vinagri Việt Nam là một minh chứng. Được thành lập từ năm 2021, Vinagri chú trọng tới đặc sản của quê hương Phố Hiến là long nhãn và hạt sen. Anh Trần Minh Đức, Phó Giám đốc công ty cho biết, long nhãn và hạt sen trước nay rất nhiều, nhưng để kết hợp 2 nông sản này vào 1 sản phẩm thì chưa có nhiều nơi làm được. Vinagri tiên phong trong việc sản xuất ra sản phẩm “long nhãn ôm sen” mang nét đặc trưng của vùng quê Tiên Lữ (Hưng Yên) và nhanh chóng được thị trường đón nhận.

Tuy nhiên, theo anh Đức, công ty mới thành lập nên còn “non trẻ”, trong khi sản phẩm mới đưa ra thị trường cần có thời gian để khẳng định thương hiệu. Nắm bắt việc này, Sở Công thương và các sở Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều thông qua ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

“Ngành Công thương đã hướng dẫn doanh nghiệp đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp mẫu mã, thị hiếu người tiêu dùng, ưu tiên đẩy mạnh kết nối sản phẩm có bao gói thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Sở liên tục tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị giao thương, hội chợ, triển lãm, tuần hàng... để doanh nghiệp giới thiệu đến người tiêu dùng, kết nối vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm”, anh Đức cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành Công thương Hưng Yên đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO