Tỉnh Hưng Yên đang ngày càng hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Giao thông “đi trước mở đường”
Trong các cuộc họp thúc đẩy loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rất nhiều lần nói về quan điểm, tầm quan trọng đặc biệt của hạ tầng giao thông đối với sự phát triển của đất nước. Đó là, “giao thông đi trước mở đường", "đường mở đến đâu, dân giàu đến đó".
Đối với tỉnh Hưng Yên, từ định hướng và tầm nhìn, hạ tầng giao thông Hưng Yên những năm gần đây được đầu tư có trọng điểm, tăng khả năng kết nối vùng; được tỉnh xác định ưu tiên “đi trước” nhằm thu hút đầu tư, tạo sức bật mạnh mẽ, đưa Hưng Yên trở thành một trong những tỉnh phát triển khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Theo Sở Giao thông vận tải Hưng Yên, tỉnh đã và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các tỉnh, thành phố giáp ranh triển khai một số dự án giao thông trọng điểm như: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đường kết nối đường tỉnh 38 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các nút giao với đường Vành đai 4; đồng thời nghiên cứu đầu tư xây dựng đường gom dọc hai bên Quốc lộ 5; hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài.
Cùng với đó, tỉnh cũng đầu tư xây dựng và hoàn thành các công trình giao thông quan trọng như: Tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng; đường bên của tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; đường hai bên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan và cải tạo nâng cấp các tuyến đường tỉnh…
Đặc biệt, tháng 7/2024, tỉnh Hưng Yên đã khánh thành Dự án xây dựng tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 23,83 km, tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn là hơn 1.779 tỷ đồng. Đây là tuyến đường quan trọng trong vùng lõi kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Việc hoàn thành dự án này sẽ nâng cao khả năng khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, giảm tải cho Quốc lộ 5, Quốc lộ 1, góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông của tỉnh Hưng Yên, mở rộng không gian kinh tế, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư.
Cũng theo Sở Giao thông vận tải, trong tháng 7/2024, tỉnh Hưng Yên đã khởi công tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan với tổng chiều dài 29,2km, mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Tuyến đường đi qua 14 xã thuộc 3 huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, được xem là “trục xương sống” thứ 3 của tỉnh này sau tuyến Quốc lộ 39 và đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hưng Yên cho biết, nhằm hiện thực hóa về phát triển hạ tầng giao thông, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển giao thông, vận tải trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 28/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên về Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là căn cứ để các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phát triển giao thông, vận tải; phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là sự tham gia trực tiếp của người dân để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành 17 dự án giao thông.
Sức hút từ hạ tầng giao thông
Theo đánh giá, tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình đi qua Hưng Yên không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển mà còn tạo sự kết nối nhanh chóng với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Cũng từ đây, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được đầu tư, xây dựng, tạo nên diện mạo công nghiệp hoàn toàn khác cho tỉnh Hưng Yên vài năm trở lại đây.
Khu công nghiệp sạch – VTK Hưng Yên là một trong những khu công nghiệp khởi công sớm nhất trên tuyến đường nối 2 cao tốc này. Khu công nghiệp VTK được đầu tư với số vốn tương đối lớn 76.912 triệu đô la Mỹ, trên địa phận hai huyện Khoái Châu và Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
Ông Han JongDeok, Tổng Giám đốc công ty TNHH Đầu tư và phát triển khu công nghiệp VTK Hưng Yên cho biết, khu công nghiệp nằm trên vị trí vô cùng đắc địa vì nằm án ngữ ngay trên trục đường cao tốc kết nối Đông - Tây (Hà Nội - Hải Phòng), đồng thời nằm cạnh trục đường cao tốc hướng Bắc - Nam (Hưng Yên - Thái Bình). Điều này tạo nên một thế liên kết giao thông chặt chẽ, giúp mở ra cửa ngõ giao lưu hội nhập cho các thị trường lớn tại các vùng kinh tế với nhau, làm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, kết nối Thủ đô với Hải Phòng - thành phố cảng lớn bậc nhất Việt Nam.
Cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão – Nghĩa Dân cũng là cụm công nghiệp đầu tiên được khởi công dọc tuyến đường bộ nối 2 cao tốc. Cụm được đầu tư và vận hành bởi công ty cổ phần Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh với diện tích 75 ha. Cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão – Nghĩa Dân nằm trên địa bàn hai huyện Kim Động và Ân Thi, thuộc Tổ hợp công nghiệp và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt, khu vực trung tâm của tỉnh Hưng Yên và Đồng bằng sông Hồng.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão – Nghĩa Dân cho biết, với hai “mặt tiền” là tuyến đường nối 2 cao tốc và quốc lộ 38, các doanh nghiệp vận hành tại Cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão – Nghĩa Dân sẽ được “hưởng lợi” vì có giao thông thuận tiện, kết nối vùng.
Cụm công nghiệp được xây dựng theo tiêu chuẩn Singapore với cơ sở hạ tầng tiện nghi hàng đầu thị trường. Đây là cụm công nghiệp duy nhất ở Hưng Yên (đến thời điểm hiện tại) được đầu tư không gian xanh, nhà văn phòng, nhà ăn và khu tổ hợp thể thao cho cán bộ công nhân viên.
Ông Nguyễn Ngọc Thành đánh giá: Tỉnh Hưng Yên hiện nay sở hữu một lượng lớn quỹ đất sạch, sẵn sàng tiếp nhận ngay các dự án đầu tư trong ngành công nghiệp. Nhìn chung, các dự án phát triển khu công nghiệp và cụm công nghiệp ở Hưng Yên đều mới được quy hoạch và đang xây dựng nên có nhiều ưu thế về hạ tầng giao thông, có sự cập nhật tiên tiến về các hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Do đó, trong những năm gần đây, tỉnh luôn lọt vào Top 10 các địa phương thu hút vốn FDI, là địa điểm tập kết mới cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến “an cư lạc nghiệp”.