Tỉnh Hưng Yên đang chú trọng xây dựng chính quyền số từ nền tảng chính quyền điện tử, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch.
Chính quyền số là chính quyền có toàn bộ những hoạt động, vận hành an toàn phải trên môi trường số, có một mô hình hoạt động đã được thiết kế và vận hành dựa trên những dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp những dịch vụ tốt hơn, chất lượng hơn, đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời hơn, ban hành ra những chính sách tốt hơn.
Những hiệu quả bước đầu
Theo UBND tỉnh Hưng Yên, để xây dựng, phát triển chính quyền số, tỉnh đang tập trung vào 4 nhóm nội dung chính. Đó là xây dựng, phát triển hạ tầng số; triển khai nền tảng số; các ứng dụng - cơ sở thông tin dữ liệu và dịch vụ số; đảm bảo vấn đề an ninh mạng. Trong các nhóm nội dung này đều có những nhiệm vụ, mục tiêu, lộ trình từng bước thực hiện rõ ràng, cụ thể.
Việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số ở tỉnh Hưng Yên được thực hiện trên tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa 19 về chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.
Đến nay, 100% số cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã sử dụng hiệu quả hệ thống mạng nội bộ, kết nối internet băng thông rộng, kết nối mạng truyền dữ liệu chuyên dùng cấp II và sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Nền tảng điều hành thông minh IOC tỉnh Hưng Yên hoạt động hiệu quả, được khai thác dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành ở nhiều lĩnh vực như: Thu chi ngân sách, xử lý thủ tục hành chính, thông tin báo chí, mạng xã hội và truyền thông, y tế, giáo dục, tình hình dân cư trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Hệ thống Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa của tỉnh Hưng Yên cung cấp toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4 theo lộ trình phù hợp; thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Các cơ quan đã thực hiện chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, biểu mẫu, chế độ báo cáo trên môi trường mạng; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử, báo cáo điện tử được ký bằng chữ ký số theo quy định giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp và người dân; đồng bộ thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước…
Hiện nay, dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hưng Yên cung cấp gần 1800 thủ tục hành chính và 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp toàn trình để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tỉnh Hưng Yên xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố; góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đề án 06, chuyển đổi số của tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng phòng PC06, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022–2025, tầm nhìn đến năm 2030) là bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thông qua các dịch vụ công minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả.
Theo ông Hòa, thực hiện Đề án 06, các thủ tục hành chính sẽ đơn giản hơn nhờ tích hợp dữ liệu dân cư, hạn chế việc phải xuất trình nhiều loại giấy tờ. Các dịch vụ trực tuyến cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả qua mạng, tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành. Bên cạnh đó, tăng cường tính minh bạch nhờ hệ thống dữ liệu liên thông giúp hạn chế tình trạng tiêu cực trong thực hiện các thủ tục hành chính. Doanh nghiệp có thể truy cập nhanh chóng thông tin xác thực từ cơ sở dữ liệu quốc gia để đối chiếu, giảm rủi ro pháp lý.
“Cùng với đó, người dân sẽ không cần mang theo nhiều giấy tờ khi thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước hoặc tổ chức tư nhân, chỉ cần sử dụng CCCD gắn chip hoặc ứng dụng định danh điện tử (VNeID). Dịch vụ công trực tuyến cho phép đăng ký, tra cứu và xử lý thủ tục ngay tại nhà, giảm thời gian đi lại và chờ đợi. Việc xác minh danh tính qua CCCD gắn chip và VNeID đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, tránh bị giả mạo hoặc lạm dụng”, ông Nguyễn Xuân Hòa cho hay.
Xác định “điểm nghẽn” để tháo gỡ
Công tác xây dựng chính quyền số là một phần quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình này còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của chính người dân, doanh nghiệp và bộ máy chính quyền.
Tại huyện Tiên Lữ, việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được Lãnh đạo UBND huyện luôn quan tâm, sát sao trong chỉ đạo, điều hành. Theo ghi nhận, hiện nay tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức ở huyện đã đạt 100%; cấp xã đạt khoảng 95%, tỷ lệ máy tính kết nối Internet băng thông rộng đạt 100%. Các văn bản đến được tiếp nhận trên phần mềm quản lý văn bản điều hành 100%; 100% văn bản đi trên phần mềm đều được số hóa văn bản; quy trình soạn thảo văn bản trên phần mềm được thực hiện như văn bản giấy.
Tuy nhiên, theo Phòng Nội vụ huyện Tiên Lữ, hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia chưa đồng bộ, quá trình cập nhật dữ liệu của hai hai hệ thống còn chậm. Tỷ lệ hồ sơ được thanh toán trực tuyến thấp, do thói quen sử dụng tiền mặt làm phương tiện thanh toán của người dân; tỷ lệ người dân có tài khoản mobile banking còn thấp, Hệ thống thanh toán trên Cổng dịch vụ công Quốc gia còn nhiều bất cập (thao tác để thanh toán 01 hồ sơ còn phức tạp, mất nhiều thời gian, để thanh toán bằng tài khoản ngân hàng người dân phải điền nhiều thông tin như số thẻ, số tài khoản, ngày phát hành thẻ, tìm mã hồ sơ đã nộp thủ tục hành chính, chờ mã xác thực OTP…
Hệ thống thanh toán chậm cập nhật, người dân đã thanh toán (tài khoản đã bị trừ tiền) nhưng phải mất vài ngày sau tiền từ Cổng dịch vụ công quốc gia mới chuyển về tài khoản thu phí, lệ phí của đơn vị thụ hưởng. Do tâm lý lo ngại mất an toàn, rủi ro khi thanh toán qua mạng; một số đơn vị, công chức chưa tích cực triển khai, hỗ trợ người dân để tăng tỷ lệ hồ sơ được thanh toán trực tuyến.
Cũng theo phòng Nội vụ Tiên Lữ, một số công dân chưa cài đặt ứng dụng VNeID hoặc đã được cài đặt nhưng chưa được định danh mức độ 2 hoặc đã được cài đặt định danh mức độ 2 nhưng quên mật khẩu, gặp khó khăn trong việc lấy lại mật khẩu; công dân chưa biết sử dụng tài khoản VNeID nên công chức tại bộ phận một cửa phải làm thay công dân hoặc công dân không muốn ai biết mật khẩu VNeID, lo ngại việc lộ lọt thông tin.
Còn theo một số chủ đầu tư dự án hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, mặc dù các thủ tục hành chính đã được cải thiện đáng kể so với trước đây, tuy nhiên một số thủ tục về PCCC, tiếp cận đất đai còn chậm do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân bởi sự chồng chéo giữa các quy định của nhiều Luật, Nghị định khác nhau, dẫn tới việc áp dụng gặp khó khăn.
Theo các chuyên gia, xây dựng chính quyền số là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực từ các cơ quan nhà nước mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Chính quyền số hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa hoạt động hành chính và cung cấp các dịch vụ công nhanh chóng, tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.
Đặc biệt, người dân với vai trò là người thụ hưởng và đồng thời là "người đồng hành," cần thay đổi tư duy, tích cực tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Chỉ khi toàn xã hội cùng đồng lòng, chính quyền số mới có thể phát huy tối đa hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Hiện nay, Hưng Yên đang rà soát, hoàn thiện, tích hợp và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu hành chính nhằm đạt mục tiêu: Đến hết năm 2025, bảo đảm tỷ lệ hơn 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, hơn 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và hơn 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. |