Hành trình đô thị hóa của Hưng Yên là câu chuyện về sự đổi mới và phát triển bền vững, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ từ tỉnh thuần nông sang một trung tâm kinh tế năng động.
Với lợi thế vị trí chiến lược, gần Thủ đô Hà Nội và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hưng Yên đã tận dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ. Các khu đô thị mới như Ecopark, Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Ocean Park 2, Lạc Hồng Phúc,… đã trở thành điểm nhấn, mang lại diện mạo hiện đại cho địa phương, tạo sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy Hưng Yên trở thành một điểm đến hấp dẫn trong vùng kinh tế phía Bắc.
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên: Tạo không gian phát triển đô thị
Trong quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên xác định đô thị hóa là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch này không chỉ tập trung vào phát triển hạ tầng, mà còn chú trọng đến việc xây dựng các đô thị thông minh, hiện đại và bền vững.
Theo ông Bùi Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên, mục tiêu chính của quy hoạch đô thị Hưng Yên là tạo ra một hệ thống đô thị phát triển mạnh mẽ, đồng bộ và hài hòa với môi trường, nâng cao chất lượng sống cho cư dân.
Trong Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước. Đây là yếu tố then chốt để Hưng Yên đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị; phát triển mạnh chuỗi các đô thị có sự kết nối giữa các đô thị trung tâm, đô thị chức năng; đồng thời phát triển các khu đô thị lớn, sinh thái, thông minh và hiện đại...
Theo quy hoạch, đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh Hưng Yên gồm 18 đô thị gồm đô thị loại 1 là thành phố Hưng Yên; đô thị loại 2 gồm thành phố Mỹ Hào và thành phố Văn Giang (đô thị toàn huyện Văn Giang). Thành phố Văn Lâm (đô thị toàn huyện Văn Lâm) và thành phố Yên Mỹ (đô thị toàn huyện Yên Mỹ) là đô thị loại 3. Thị xã Khoái Châu (đô thị toàn huyện Khoái Châu); thị xã Kim Động (đô thị toàn huyện Kim Động) và đô thị Ân Thi (đô thị toàn huyện Ân Thi) là đô thị loại 4 và 10 đô thị loại 5.
“Tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2030, tỉnh cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I. Đến năm 2037 (dấu mốc kỷ niệm 40 năm tái lập tỉnh), tỉnh Hưng Yên cơ bản đáp ứng tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên Bùi Anh Tuấn cho hay.
Phát triển hạ tầng đồng bộ, cơ hội lớn cho nhà đầu tư
Để đạt được mục tiêu phát triển đô thị bền vững, Hưng Yên sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông và các dịch vụ công cộng. Tỉnh sẽ ưu tiên nâng cấp các tuyến đường bộ, kết nối với các tỉnh trong khu vực và Hà Nội, tạo ra mạng lưới giao thông thuận lợi cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Các dự án giao thông lớn, như các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Hưng Yên, cao tốc Hưng Yên – Thái Bình, đường Tân Phúc – Võng Phan,… sẽ góp phần quan trọng vào việc rút ngắn thời gian di chuyển, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tập trung phát triển hạ tầng đô thị, bao gồm hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, cấp điện, hệ thống thông tin liên lạc và các dịch vụ công cộng khác. Việc đầu tư đồng bộ vào các lĩnh vực này sẽ giúp nâng cao chất lượng sống cho cư dân và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
Theo Sở Xây dựng Hưng Yên, định hướng đô thị hóa của Hưng Yên không chỉ dừng lại ở phát triển hạ tầng, mà còn gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Các đô thị sẽ được xây dựng với các tiêu chí về phát triển xanh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh sẽ khuyến khích phát triển các khu đô thị thông minh, sử dụng công nghệ hiện đại để quản lý hiệu quả các nguồn lực, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Trên cơ sở đó, Hưng Yên cũng sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn vốn đầu tư lớn từ trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo ra cơ hội việc làm, thu nhập để thúc đẩy phát triển đô thị, thị trường bất động sản.
Công ty CP Tập đoàn đô thị Phúc Thành (Tập đoàn Phúc Thành) là doanh nghiệp đầu tư nhiều năm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Phạm Thị Nhật, Chủ tịch HĐQT tập đoàn cho biết: Hưng Yên - với vị trí chiến lược của mình đang tăng tốc quá trình đô thị hóa để trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động. Quá trình này đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Theo bà Phạm Thị Nhật, khi Hưng Yên đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc và đường vành đai, doanh nghiệp sẽ dễ dàng kết nối với các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Khi hạ tầng giao thông kết nối tốt hơn, việc di chuyển trở nên thuận tiện, người dân sẽ có xu hướng chọn sinh sống ở các khu vực ngoại thành và vùng ven đô thay vì tập trung vào các khu trung tâm chật chội. Sự phát triển đô thị cũng kéo theo nhu cầu về trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, góp phần hình thành các khu đô thị hiện đại và đồng bộ hơn. Điều này tạo ra cơ hội đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản.
Với năng lực, kinh nghiệm và uy tín, Phúc Thành đã làm chủ đầu tư và liên kết, hợp tác thực hiện nhiều dự án có vốn đầu tư và quy mô lớn trên địa bàn thị xã Mỹ Hào và tỉnh Hưng Yên như: khu nhà ở Phúc Thành 1, 2; khu nhà ở liền kề Phúc Thành 3, khu đô thị Lạc Hồng Phúc, chung cư Lạc Hồng Phúc, khu nhà liền kề Mỹ Văn,…
Bà Nhật cho rằng, với việc cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy cải cách hành chính, Hưng Yên trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Khi chính quyền tỉnh cam kết hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính đơn giản hóa và môi trường kinh doanh minh bạch, các doanh nghiệp sẽ có môi trường đầu tư tốt và phát triển bền vững, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.