Suốt gần 01 năm nay, 100% cơ sở kinh doanh karaoke ở địa bàn Nghệ An bắt buộc yêu cầu phải tạm dừng để nâng cấp, cải tạo cho phù hợp, bảo đảm an toàn sau khi quy định mới về PCCC ra đời.
Cũng từ sau khi có quy định mới về PCCC, Công an Nghệ An đã liên tục thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát các cơ sở karaoke, bar, vũ trường trên địa bàn.
Trong tổng số 424 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, pub, chỉ có 3 cơ sở (gồm 2 pub, 1 bar) đủ điều kiện hoạt động. Việc phải ngừng hoạt động khiến chủ các cơ sở gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và không thể tìm được hướng tháo gỡ từ suốt gần 01 năm nay.
Nguyên nhân bởi sau khi có các quy định mới về PCC, tiêu chuẩn về thiết kế, vật liệu sử dụng để vận hành các phòng hát karaoke không đảm bảo văn bản chứng minh là vật liệu khó cháy và không cháy nên cơ sở bị cơ quan chức năng đình chỉ.
>>VCCI đề xuất xem xét lại mức thu phí thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke
Trong khi đó, theo các chủ kinh doanh loại hình này, việc đầu tư đối với cơ sở kinh doanh karaoke rất tốn kém, trong đó có vật liệu trang trí, cách âm… với tổng chi phí lên tới hàng tỷ đồng/phòng hát. Chưa kể, khi thi công kết cấu ốp tường thông thường trong phòng hát bao gồm: lớp tường bằng gạch, sau đến lớp cách âm, tiếp theo là một lớp ván ép, cuối cùng là vật liệu trang trí trước đó rất tốn kém. Cá biệt, một số cơ sở vừa mới đầu tư chưa được bao lâu thì quy định về PCCC mới ra đời nên khi kiểm tra đều không đạt tiêu chuẩn.
Khi được hỏi, các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh cho rằng, trước đây, các cơ sở đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chí về an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Vậy nhưng, hiện nay cơ quan chức năng yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke thực hiện theo QCVN 06:2022/BXD đồng nghĩa với việc các cơ sở phải phá bỏ toàn bộ nội thất làm lại từ đầu.
Trước đó, Bộ trưởng Tô Lâm đã ký ban hành Thông tư số 147/2020/TT-BCA quy định biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Thông tư này gồm 03 chương 12 điều; chính thức có hiệu lực từ ngày 20/02/2021.
>>Doanh nghiệp lao đao vì tiêu chuẩn PCCC có "tuổi thọ" quá ngắn
Thông tư số 147/2020/TT-BCA quy định biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, bao gồm: Điều kiện an toàn, thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu, bố trí lực lượng phòng cháy và chữa cháy (PCCC); kiểm tra an toàn về PCCC & CNCH và trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương.
Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với: Công an các đơn vị, địa phương; doanh nghiệp, hộ kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở) kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Với những vướng mắc sau khi áp dụng các quy định mới về PCCC vào ngày 05/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện chỉ đạo các bộ, ngành cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Thủ tướng cũng giao Bộ Công an phối hợp Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay, đồng thời cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.
>>Vướng mắc về PCCC, 7 Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát, từ đó chủ động, kịp thời giải đáp và hướng dẫn đầy đủ để khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy.
Liên quan đến vấn đề này, vào ngày 06/9/2023, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký Công văn số 7453/UBND-NC việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chấp hành quy định pháp luật về PCCC của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Ông Lê Hồng Vinh cũng giao giao Công an tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Chính phủ, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh. Đồng thời, kịp thời tham mưu triển khai Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ cho các công trình hiện hữu không có khả năng áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC tại thời điểm đưa vào hoạt động.
Đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư của các dự án, công trình khẩn trương tổ chức khắc phục các tồn tại về công tác PCCC do Tổ kiểm tra liên ngành đã kiến nghị cụ thể tại Biên bản kiểm tra của từng công trình; quá trình hướng dẫn phải linh hoạt, bám sát các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC trên nguyên tắc giảm nguy cơ cháy, phát hiện cháy sớm, đảm bảo thoát nạn khi có cháy, ngăn cháy lan và khả năng tiếp cận nguồn nước. Tổ chức thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra nghiệm thu về PCCC đối với những cơ sở chưa thẩm duyệt về PCCC, cơ sở thi công mở rộng, cải tạo, chuyển đổi công năng của các hạng mục công trình sau khi chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều cơ sở kinh doanh loại hình này, đến nay việc quy định mới cũng đang khiến họ rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" trong việc khắc phục, xử lý cho phù hợp. Nhiều chủ cơ sở đã phải phá bỏ, chuyển đổi công năng sử dụng vì nếu tiếp tục đầu tư theo yêu cầu quy định mới thì không biết bao giờ mới ổn định trở lại và không biết trước được "tuổi thọ" của các quy định về PCCC có tồn tại được bao nhiêu lâu?...
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An khuyến khích doanh nghiệp “tố” ngân hàng ép mua bảo hiểm
02:30, 14/11/2023
Hàng chục dự án đầu tư ở Nghệ An rơi vào “tầm ngắm” kiểm tra
00:30, 09/11/2023
Nghệ An: Trung tâm Xạ trị và Y học hạt nhân ngang nhiên xả thải ra môi trường?
15:00, 07/11/2023
Bức tranh khởi nghiệp ở Nghệ An: Nhiều gam màu sáng
13:49, 03/11/2023
Nhiều sai phạm về quy trình xả lũ tại các thuỷ điện tại Nghệ An
15:00, 01/11/2023