Phân tích - Bình luận

Những bài học trên hành trình bền vững của thương hiệu

Trường Đặng 01/12/2024 11:01

Có gần 80% người Việt nhận thức rõ ý nghĩa của sản phẩm bền vững, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi đối mặt chi phí cao và thuyết phục người tiêu dùng còn hoài nghi.

1520150367663.jpg
Thúc đẩy tiêu dùng bền vững là con đường dài nhưng xứng đáng để theo đuổi (Ảnh: Anna Nguyen)

Tuy vậy, nhiều tập đoàn đã chứng minh rằng hành trình này, dù khó, vẫn xứng đáng nhờ lợi ích lâu dài cho cả môi trường, khách hàng và thương hiệu.

Những thách thức trên con đường bền vững

Hành trình đưa tiêu dùng bền vững vào chiến lược kinh doanh chưa bao giờ dễ dàng, nhất là khi lòng tin của người tiêu dùng đang bị lung lay bởi vấn nạn "tẩy xanh" . Không ít thương hiệu lớn đã mất điểm trầm trọng khi quảng bá sản phẩm "xanh" nhưng thực chất không đạt chuẩn, gây thiệt hại nặng nề về uy tín và tài chính.

Ở Việt Nam, nhận thức và hành động tiêu dùng bền vững vẫn còn khoảng cách. Nghiên cứu của MetrixLab 2024 chỉ ra rằng dù có 75% người tiêu dùng Việt Nam nhận thức về tiêu dùng bền vững, nhưng nó chưa chắc dẫn tới hành động tương ứng. Năm 2024, Nielsen IQ chỉ ra chỉ có 29% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm bền vững – con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 49%.

Chi phí cũng là một trở ngại lớn. Để sản xuất bền vững, doanh nghiệp phải đầu tư vào nguyên liệu tái chế và năng lượng sạch, trong khi người tiêu dùng, vì áp lực tài chính, vẫn ưu tiên những sản phẩm giá rẻ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại về rủi ro tài chính khi theo đuổi mục tiêu bền vững.

Tuy nhiên, không phải không có cơ hội. Yếu tố xã hội (S trong ESG) có thể xem là “mảnh đất màu mỡ” cho doanh nghiệp khai thác. Người tiêu dùng Việt Nam dễ đồng cảm với những thương hiệu có đóng góp thiết thực cho cộng đồng, như hỗ trợ giáo dục hoặc giảm nghèo. Một số thương hiệu bằng hành động cụ thể và thông điệp dù giản đơn mà “đi sâu lòng người” vẫn có thể lay động trái tim người tiêu dùng. Đó là bài học quý giá mà các thương hiệu Việt có thể học hỏi để vừa nâng cao uy tín, vừa ghi dấu trong lòng người tiêu dùng.

Không thiếu bài học thực tiễn

Dù con đường là chông gai, nhưng tại nhiều nước hay chính Việt Nam cũng không thiếu những bài học thành công trong việc xây dựng thương hiệu kết hợp tăng trưởng và bảo vệ môi trường.

Thiên Long, một thương hiệu văn phòng phẩm lâu đời, đã tích hợp tiêu chí bền vững vào chiến lược kinh doanh cốt lõi.

tlg_5-1-.jpg
Thiên Long và nhiều tập đoàn Việt Nam là những minh chứng sống động cho theo đuổi tiêu dùng bền vững (Ảnh: Thiên Long)

Tại Thượng đỉnh Thương hiệu Toàn cầu Việt Nam 2024, bà Trần Phương Nga, CEO Thiên Long, chia sẻ rằng công ty đã đầu tư phát triển sản phẩm tái chế và hệ thống năng lượng mặt trời tại hai nhà máy, giúp giảm 1.326 tấn CO₂ mỗi năm. Song song đó, Thiên Long đẩy mạnh yếu tố xã hội (S trong ESG) với các chính sách thúc đẩy phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo và trao học bổng cho học sinh nghèo.

Cũng tại diễn đàn do Vietnam Brand Purpose tổ chức, bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành EuroCham Việt Nam, chia sẻ câu chuyện Nestle tiên phong sử dụng bao bì tái chế và tới nay đã đạt tỷ lệ 54% sản phẩm đạt chuẩn tái chế hoặc tái sử dụng. Cũng thông qua chương trình Nestlé Cocoa Plan, nhiều nông dân tại các nước đang phát triển đã được hỗ trợ các kỹ thuật trồng trọt thân thiện môi trường và cải thiện sinh kế cho cộng đồng.

L'Oréal cũng là một điển hình thành công về ESG với chương trình "L'Oréal for the Future". Trong môi trường (E), họ giảm 54% lượng nước tiêu thụ từ 2005 và đặt mục tiêu trung hòa carbon vào 2025. Về xã hội (S), tập đoàn hỗ trợ 90.000 người yếu thế có việc làm và đầu tư 50 triệu euro giúp phụ nữ dễ bị tổn thương.

Những nỗ lực nói trên của các doanh nghiệp cho thấy rằng, với cam kết từ lãnh đạo và chiến lược đúng đắn, bền vững không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo lòng tin và củng cố vị thế của thương hiệu trên thị trường.

Theo bà Trần Phương Nga, cam kết từ lãnh đạo là yếu tố then chốt để thực hiện chiến lược bền vững. Sự minh bạch cũng không thể thiếu, khi 72% người tiêu dùng trẻ Việt Nam sẵn sàng thay đổi thói quen mua sắm nếu được cung cấp thông tin rõ ràng về lợi ích bền vững, theo một nghiên cứu của EuroCham năm 2024. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư vào các sáng kiến thiết thực và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Ngoài ra, sáng tạo và đổi mới giúp giảm chi phí và tối ưu hóa lợi ích từ các chiến lược bền vững. Như bà Trần Tuệ Tri, đồng sáng lập và cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose chia sẻ, những sáng kiến mang tính đột phá - giống như tủ lạnh ra đời đầu thế kỷ 20 - có thể thay đổi cách chúng ta tiêu dùng và thúc đẩy lối sống bền vững.

Trong một thế giới mà người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi minh bạch và trách nhiệm xã hội từ các thương hiệu, việc xây dựng chiến lược bền vững chính là công cụ để doanh nghiệp không chỉ tồn tại, mà còn phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong tương lai. Việt Nam, với tiềm năng và sự chuyển mình trong nhận thức, có thể trở thành một trung tâm tiêu dùng bền vững tại Đông Nam Á nếu các bên liên quan cùng chung tay hành động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những bài học trên hành trình bền vững của thương hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO