Những thứ tưởng như “của nợ” nhưng lại là “kho báu” tỷ USD

Diendandoanhnghiep.vn Trong ngành nông nghiệp, có những thứ tưởng như đồ bỏ đi vì ít có giá trị sử dụng, thì nay đều là những “kho báu” tỷ USD nhờ xuất khẩu.

>> Đưa phế phẩm vỏ dừa vào mô hình khởi nghiệp kinh tế tuần hoàn

Các cơ sở, nhà máy xay xát trên cả nước mỗi năm cung cấp hàng triệu tấn trấu. Ảnh minh họa

Các cơ sở, nhà máy xay xát trên cả nước mỗi năm cung cấp hàng triệu tấn trấu. Ảnh minh họa

Vỏ trấu

Cách đây khoảng gần 10 năm, mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa, các nhà máy xay xát của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long lại “đau đầu” với trấu. Khi đó, trấu có ít giá trị sử dụng, bị coi như “của nợ” và được các chủ nhà máy bán cho các lò gạch với giá rất rẻ. Phần còn lại không biết để đi đâu, dẫn tới tình trạng trấu cất đụn lớn phía sau các nhà máy, chảy tràn xuống bờ kênh, bờ sông. Đến khi trên thị trường xuất hiện những máy ép củi trấu, ép trấu thành những thanh củi đun, trấu của các nhà máy này tự dưng …trở nên đắt đỏ. Thời điểm đó, ban đầu giá trấu chỉ có 50 - 100 đồng/kg, sau tăng lên 700 đồng/kg mà vẫn đắt hàng.

Những thanh củi trấu được các doanh nghiệp xuất khẩu sang nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước châu Âu để làm nhiên liệu đốt và sưởi ấm vào mùa đông, mỗi tấn có giá 20 triệu đồng (thời điểm 10 năm trước).

Nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã tận dụng trấu để ép thành những thanh củi trấu có giá trị cao. Ảnh: internet

Nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã tận dụng trấu để ép thành những thanh củi trấu có giá trị cao. Ảnh: internet

Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ, ép trấu thành những viên nén nhỏ. Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Cỏ May Group (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, viên nén vỏ trấu thay thế cho than củi, than đá, dầu DO hay FO dùng để đốt lò hơi công nghiệp, lò sấy, lò nhuộm vải, dệt sợi trong các ngành giấy, may mặc, chế biến thủy sản, nông sản, thực phẩm… Trấu viên cũng giúp tiết kiệm hơn 60% so với dùng dầu và 40% so với than đá. Sản phẩm này còn có mùi thơm dễ chịu, lượng tro thải sau khi đốt rất mịn nên rất được khách hàng ưa chuộng.

"So với viên nén gỗ, viên nén trấu có ưu điểm nổi trội là nguồn nguyên liệu rất dồi dào từ trấu, rơm rạ, bã mía, vỏ đậu phộng… Viên nén vỏ trấu là lời giải mới về nguồn nhiên liệu cho các nhà máy điện, nhà máy công nghiệp tại Việt Nam", ông Thiện cho biết thêm.

Dăm gỗ

Theo Tổng cục Hải quan, đến nay ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ đã trở thành một hợp phần quan trọng trong hệ sinh thái ngành gỗ. Dăm gỗ được các doanh nghiệp chế biến thành các viên nén (tương tự viên nén trấu), sử dụng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Những viên nén từ dăm gỗ

Những viên nén từ dăm gỗ

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu viên nén từ Việt Nam tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua, chủ yếu nhằm đáp ứng cho nhu cầu nguyên liệu của ngành năng lượng sinh học từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhu cầu viên nén tại các thị trường này ngành càng tăng và đang phát triển rất “nóng”. Bên cạnh đó, một số nhà máy điện và một số lò sấy của Việt Nam đã bắt đầu sử dụng viên nén làm nguyên liệu đầu vào.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long (tỉnh Bình Dương) cho biết, trước đây, công ty phải tốn khá nhiều chi phí và công sức cho việc xử lý, tiêu hủy các loại phụ phẩm như mùn cưa, dăm bào. Nhưng kể từ khi ngành sản xuất viên nén phát triển, công ty không những không tốn chi phí xử lý mà các phụ phẩm này còn mang về nguồn thu cho công ty. Các khoản này được đưa vào kinh phí cho hoạt động công đoàn, giúp công ty chăm sóc tốt hơn cho đời sống người lao động.

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, hiện nay, cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ. Giá trị xuất khẩu liên tục tăng từ 145 triệu USD vào năm 2017 lên hơn 500 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2022. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới và thứ tư về giá trị xuất khẩu trong tám mặt hàng xuất khẩu của gỗ và lâm sản.

>> Khởi nghiệp từ phế phẩm bồn bồn

>> Doanh nghiệp thuỷ sản biến phế phẩm thành “mỏ vàng”

Bẹ chuối, vỏ cà phê thành sản phẩm giá trị cao

Bên cạnh sự tăng trưởng thần tốc của xuất khẩu viên nén, nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp khác cũng đang được các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với kết quả khả quan.

Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ bẹ chuối của HTX Thanh Bình. Ảnh: TL

Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ bẹ chuối của HTX Thanh Bình. Ảnh: TL

Tại Hợp tác xã liên kết và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), việc mở rộng chuỗi giá trị của cây chuối từ việc tận dụng hiệu quả các phụ phẩm đã mang lại những thành công nhất định. Từ những thân cây chuối bỏ đi sau khi thu hoạch, Hợp tác xã Thanh Bình đã làm ra sản phẩm bẹ chuối sấy khô để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Từ năm 2021, bẹ chuối sấy khô của Hợp tác xã bắt đầu được xuất khẩu đi thị trường châu Âu.

Hiện tại, ngoài bẹ chuối sấy khô, Hợp tác xã Thanh Bình cũng đã đầu tư máy móc để sản xuất xơ, sợi chuối. Đây là nguyên liệu được dùng để làm ra những mặt hàng thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường như dép, túi xách, dây trang trí… Mặt hàng này đã được xuất khẩu đi châu Âu và sắp tới sẽ mở rộng sang thị trường Trung Đông, Đông Nam Á…

Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp cũng đang xuất khẩu lá chuối cấp đông sang nhiều thị trường như Mỹ, Hàn Quốc. Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Giám đốc công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Tân Gia Thành (Bình Dương) cho biết, công ty đang hướng tới xuất khẩu lá chuối để phục vụ cộng đồng người Việt tại Mỹ, Hàn Quốc, theo đó, nhu cầu lá chuối thường tăng mạnh.

Ông Lê Xuân Cừ, Giám đốc Công ty Trúc Lâm Phát (Bình Dương) cho biết, trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 20-30 tấn lá chuối cấp đông với giá trị dao động từ 650 triệu đến khoảng 900 triệu đồng. Càng gần tết, nhu cầu lá chuối tại các thị trường này càng tăng để phục vụ cộng đồng người Việt tại các nước này chuẩn bị cho ngày tết Nguyên đán.

Trong khi đó, tại Công ty CP Phúc Sinh (TP. Hồ Chí Minh), vỏ cà phê đã được tận dụng để sản xuất ra trà cascara có giá trị rất cao. Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho biết, trà cascara của công ty được làm từ vỏ cà phê arabica chín đỏ, thuộc dòng cà phê đặc sản trồng tại Sơn La. Hiện sản phẩm này đang được xuất khẩu sang Ý và Trung Đông với giá 99 USD/kg.

Sản phẩm trà cascara được làm từ vỏ quả cà phê

Sản phẩm trà cascara được làm từ vỏ quả cà phê

Mỹ phẩm cao cấp từ đầu tôm, da cá

Trong ngành thủy sản, nhiều doanh nghiệp sớm đã tận dụng khai thác chế biến phụ phẩm thành các sản phẩm có giá trị gia tăng. Ví dụ như cá tra, ngoài phần thịt phi lê xuất khẩu thì còn nhiều phụ phẩm như đầu, ruột, xương, mỡ, da cá đã được doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao.

Xương, đầu cá được sử dụng làm bột cá, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm dầu cá được chế biến từ mỡ cá tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cao cấp hơn, một số doanh nghiệp còn đầu tư công nghệ tách chiết xuất collagen và gelatin từ da cá dùng trong nhiều lĩnh vực liên quan tới thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), đơn vị xuất khẩu hàng đầu về cá tra là, ngoài nguồn thu từ sản phẩm chính là cá tra phi lê chiếm 66% thì xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng cũng chiếm tới 19%. Đặc biệt nhóm hàng collagen và gelatin chiết xuất từ da cá tra đem về doanh thu đứng thứ ba cho công ty. Riêng nhóm hàng collagen và gelatin năm vừa qua của Vĩnh Hoàn đạt doanh thu đến 642 tỉ đồng. Nếu tính luôn những sản phẩm phụ thì doanh thu lên tới hơn 2.200 tỉ đồng.

Sản phẩm dầu cá tinh luyện của công ty Vĩnh Hoàn

Sản phẩm dầu cá tinh luyện của công ty Vĩnh Hoàn

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang) cho biết, 100% con cá tra đều chế biến được thành nhiều sản phẩm giá trị gia tăng khác nhau. Dầu ăn từ mỡ cá tra; xương, đầu, đuôi, ruột cá làm bột cá thức ăn chăn nuôi; bong bóng, bao tử tẩm ướp, snack da cá làm các sản phẩm giá trị gia tăng khác cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Riêng xương thì được dùng chế biến thức ăn cho gia súc và gia cầm.

"Tương tự, tôm xuất khẩu được đưa vào chế biến dưới dạng bóc vỏ bỏ đầu, tỉ lệ đầu chiếm 35% - 45%, phần vỏ còn lại chiếm 10% - 15% trọng lượng của tôm nguyên liệu. Lượng phụ phẩm tôm này ở Việt Nam sẽ lên đến khoảng 300.000 - 400.000 tấn vào năm 2025, tương ứng mỗi ngày có hơn 1.000 tấn đầu, vỏ tôm bị thải loại khỏi dây chuyền sản xuất. Lượng phụ phẩm đó sẽ thải ra môi trường nếu không được chế biến", ông Đạo cho hay.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Những thứ tưởng như “của nợ” nhưng lại là “kho báu” tỷ USD tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713935095 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713935095 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10