Những cuộc xung đột tại các chung cư vẫn diễn ra dai dẳng, điều này gâp áp lực lớn đối với chính quyền địa phương trong công tác quản lý đô thị. Ở chung cư đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người…
>>Có “nhóm lợi ích” trong những “cuộc chiến” chung cư?
Nhức nhối xung đột ở chung cư
Theo một thống kê cho thấy, TP. Hà Nội và TP. TP.HCM có khoảng 1.000 nhà chung cư và số nhà chung cư xảy ra tranh chấp, xung đột chiếm tỉ lệ 10%, đây là các tranh chấp mà cơ quan chức năng ghi nhận được thông qua các kênh chính thức. Theo các chuyên gia pháp lý, tranh chấp chung cư đã và đang là vấn đề nhức nhối ở các đô thị lớn của nước ta. Hầu hết các tranh chấp, xung đột đều diễn ra căng thẳng.
Mới đây, tại TP. HCM, Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố bị can với một người nguyên là Trưởng Ban quản trị chung cư Miếu Nổi về tội danh tham ô tài sản. Vụ việc được cho là một hồi chuông báo động trước những bất cập trong công tác quản lý chung cư hiện nay, bởi đây là vụ việc chưa có tiền lệ khi một mâu thuẫn chung cư được đẩy đến đỉnh điểm.
Tại Hà Nội, “cuộc chiến” tại các nhà chung cư cũng diễn ra dai dẳng, nhức nhối không kém. Hồi tháng 8/2023, cơ quan chức năng TP Hà Nội tiến hành khảo sát công tác quản lý nhà chung cư tại một số quận trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy, các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra tại nhiều chung cư và trên nhiều địa bàn quận khác nhau.
Điển hình như tại quận Bắc Từ Liêm có 12 tòa chung cư xảy ra “xung đột”. Đáng chú ý trên địa bàn quận Hoàng Mai với tổng số 164 nhà chung cư đưa vào sử dụng từ năm 2005 (từ khi có Luật Nhà ở năm 2005). Trong số này, có tới 31 toà nhà chung cư đang xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.
Đáng chú ý, tình trạng này còn xảy ra ngay giữa trung tâm quận Ba Đình suốt nhiều năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, khiến hàng trăm người dân lo lắng, bất an nhưng đến nay vẫn dai dẳng. Mới đây, một doanh nghiệp sở hữu bất động sản kinh doanh thương mại tại chung cư B6 Giảng Võ (Hà Nội) phải cầu cứu cơ quan chức năng vì liên tục bị Ban quản trị chung cư này “o ép” đến mức bị thiệt hại nặng nề tiếp tục dậy sóng dư luận.
Theo chia sẻ từ doanh nghiệp này, từ khi triển khai hoạt động kinh doanh tại đây đã gặp phải hàng loạt sự cản trở bất hợp pháp từ phía Ban quản trị tòa nhà, để lại thiệt hại về kinh tế vô cùng nghiêm trọng.
Và không chỉ doanh nghiệp này phải “kêu cứu” trước những hành vi “lạ” của Ban quản trị toà nhà này, đại diện Chủ đầu tư chung cư này cũng cho biết, dù là chủ đầu tư nhưng đơn vị cũng đang “khổ” vì Ban quản trị này quá “lộng quyền” khi không phối hợp để bàn giao các hạng mục, thiết bị tại toà nhà. Luôn tìm cách cản trở, gây khó khăn…
Đáng nói, mặc dù Ban quản trị nhà chung cư B6 Giảng Võ cũng bị chính quyền khẳng định là yếu kém, mất đoàn kết, không minh bạch. Đồng thời, các cư dân cũng mong muốn sớm có Ban quản trị mới. Tuy nhiên, điều khó hiểu là cho đến thời điểm hiện tại, việc này vẫn chưa thể thực hiện (?!)
Trên địa bàn phường Giảng Võ, chung cư C7 cũng ở trong tình trạng tương tự, các cư dân tại đây liên tục phản ánh về những hoạt động được cho là sai phạm của Ban quản trị tại nơi này suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, những xung đột đến nay vẫn diễn ra và chưa có dấu hiệu đến hồi kết (?)
>>Ban quản trị chung cư B6 Giảng Võ (Hà Nội) ra “luật riêng”: Doanh nghiệp “kêu cứu”
Thiếu hành lang pháp lý
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, hiện nay tranh chấp ở các chung cư đang rất “nóng”, đáng quan ngại nhất là “nội chiến” ở các khu chung cư khi cư dân phát sinh mâu thuẫn với Ban quản trị. Đối với những khu chung cư đã thành lập Ban quản trị cần phải xem xét thành viên Ban quản trị có đủ năng lực điều hành, xử lý các tình huống hay không.
Theo luật sư Biên, Ban quản trị chung cư phải là những người có hiểu biết, theo quy định Luật xây dựng yêu cầu Trưởng Ban quản trị và thành viên phải ưu tiên những người là luật sư, kỹ sư xây dựng và những người có kỹ năng về quản trị. Nếu không, Ban quản trị mới không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ thì sẽ tiếp tục châm ngòi cho cuộc “nội chiến chung cư” tiếp diễn.
“Giải pháp cho tranh chấp giữa cư dân và Ban quản trị ngoài việc cư dân cần tìm ra những người có trình độ chuyên môn và trách nhiệm để đại diện cho cư dân quản lý điều hành nhà chung cư thì về phía các cơ quan nhà nước cần định kỳ tổ chức các lớp học nghiệp vụ bồi dưỡng cho Ban quản trị để nâng cao năng lực quản lý, kiến thức pháp luật và các kỹ năng để giải quyết công việc tốt. Từ đó mới không phát sinh tình trạng xung đột, mâu thuẫn giữa cư dân và chính Ban quản trị”, luật sư Biên nói.
Từ góc nhìn quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định, hội nghị nhà chung cư phải có ít nhất 30% số hộ tham gia nhưng thực tế nhiều hội nghị, số người tham gia không đủ, dẫn đến thực tế nhiều việc không đúng theo mong muốn của số đông cư dân vẫn có thể được thông qua. Một số người có thể lợi dụng việc này để thao túng kết quả biểu quyết, một nhóm nhỏ người lại quyết định quyết sách cho cả tập thể.
Theo ông Sinh, mâu thuẫn phổ biến nhất giữa cư dân và Ban quản trị chung cư xuất phát từ việc sử dụng không rõ ràng, thiếu minh bạch quỹ bảo trì. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc Ban quản trị, ban quản lý kê khai vượt mức các hạng mục so với giá hoặc kéo dài việc bảo trì các hạng mục nhằm mục đích trục lợi.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, nguyên nhân việc này một phần xuất phát từ việc thiếu sát sao của cư dân trong biểu quyết thông qua việc chi các hạng mục bảo trì ngay từ đầu. Đến khi cư dân phản ứng những bất thường trong chi quỹ bảo trì, Ban quản trị cho rằng họ thực hiện theo nghị quyết hội nghị nhà chung cư và phủi bỏ trách nhiệm.
“Quy định pháp luật về hoạt động của Ban quản trị chung cư hiện cũng chưa hoàn thiện, thiếu hành lang pháp lý để hoạt động cho minh bạch và hiệu quả. Nếu những thành viên Ban quản trị không có tâm huyết, không đủ kiến thức pháp luật sẽ dễ hiểu sai và làm sai hoặc lợi dụng lỗ hổng để tiêu cực”, ông Sinh nói.
Có thể bạn quan tâm
Ban quản trị chung cư B6 Giảng Võ (Hà Nội) ra “luật riêng”: Doanh nghiệp “kêu cứu”
21:00, 27/01/2024
Vụ doanh nghiệp kêu cứu vì “luật riêng” tại B6 Giảng Võ (Hà Nội): “Lạ lùng” một Hội nghị chung cư
03:50, 29/01/2024
Vụ doanh nghiệp kêu cứu vì “luật riêng” tại B6 Giảng Võ (Hà Nội): Đề nghị chính quyền vào cuộc
00:30, 15/03/2024