Theo HoREA, vấn đề cấp bách như quy định pháp lý, chính sách tài chính và khuyến khích đầu tư vào nhà ở thương mại vừa túi tiền cần sớm có cơ chế mở để giải quyết.
Tại Chỉ thị 03 vừa ban hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh trước ngày 15/2.
Trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ trước thềm hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) tiếp tục đề nghị những giải pháp để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, HoREA đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị định về thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận quyền sử dụng đất
Bộ Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng trình Chính phủ xem xét thông qua “Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.” Dự thảo này dự kiến có hiệu lực vào ngày 01/04/2025, cùng thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết 171/2024/QH15 của Quốc hội.
Đặc biệt, Hiệp hội đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét bổ sung khoản 9 (mới) Điều 5 để điều chỉnh việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh cho các dự án nhà ở thương mại. Theo đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sẽ có quyền chỉ định doanh nghiệp quân đội, công an hoặc doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để làm chủ đầu tư, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhấn mạnh nội dung về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, theo HoREA, để phát triển nhà ở thương mại giá hợp lý, các cơ quan chức năng cần xem xét xây dựng cơ chế tín dụng ưu đãi cho người trẻ (từ 18-45 tuổi) mua căn nhà đầu tiên.
Cụ thể, đề xuất có mức lãi suất hợp lý (6-7%/năm), bảo đảm khoản vay bằng chính căn nhà đó trong thời gian 10-15 năm. Điều này sẽ giúp “cú huých” các doanh nghiệp tái cấu trúc các dự án bất động sản hiện hữu và đầu tư vào phân khúc nhà ở thương mại giá vừa túi tiền. Chương trình này kết hợp với “Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030” sẽ tạo ra một thị trường bất động sản an toàn và bền vững.
Ngoài ra, HoREA cũng đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản. Hiệp hội đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 40 của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 để thuận lợi hơn trong hoạt động chuyển nhượng các dự án bất động sản chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai. Đặc biệt, Hiệp hội mong muốn việc chuyển nhượng dự án sẽ không làm tăng giá bất động sản một cách bất hợp lý, giúp thị trường minh bạch hơn, đồng thời đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.
Hiệp hội hoan nghênh việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao), đồng thời đề nghị các địa phương cần thực hiện đúng các quy định của Luật PPP để tiếp tục triển khai các dự án BT đã được chấp thuận trước khi Luật PPP có hiệu lực. Việc khôi phục các dự án BT đã bị “đứng hình” sẽ giúp giảm thiểu lãng phí tài sản và tạo ra nguồn lực lớn cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Cuối cùng, HoREA cho rằng bên cạnh các dự án nhà ở, cần "lối mở" cho phân khúc có nguồn cung rất dồi dào là condotel.
Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hoàn thiện các quy chuẩn xây dựng đối với căn hộ condotel phục vụ mục đích du lịch. Đồng thời, Hiệp hội cũng kêu gọi Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ các địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho căn hộ condotel, đặc biệt đối với các dự án có nguồn gốc từ “đất ở” chuyển sang “đất thương mại, dịch vụ (du lịch)”.
Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị cho phép cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua căn hộ condotel ngoài các khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh để thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường và tăng thêm nguồn vốn đầu tư cho các dự án căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, từ đó góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển theo đúng định hướng của Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.