Sức bật và sức ép để doanh nghiệp nội chuyển mình mạnh mẽ
Hiện nay, các công ty là nhà cung cấp của doanh nghiệp FDI đang đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thay vì chỉ là nhà cung cấp đơn thuần như trước đây.
Hiện nay, mối liên kết và tính lan toả giữa doanh nghiệp FDI đang bị “chê” nhiều. Tuy nhiên, có một điểm sáng cần phải ghi nhận đó là các công ty là nhà cung cấp của doanh nghiệp FDI đang đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thay vì chỉ là nhà cung cấp đơn thuần như trước đây.
Sức bật và sức ép cho doanh nghiệp nội
Hoạt động này vừa tạo ra sức ép nhưng đồng thời cũng tạo ra “sức bật” cho doanh nghiệp nội làm chủ các công nghệ, dây chuyền sản xuất trong những lĩnh vực nguồn như chế biến chế tạo, sản xuất ô tô, điện thoại thông minh.
Trước tiên phải nói rằng, chính kinh nghiệm làm việc, đào tạo tại các doanh nghiệp FDI đã là “khởi nguồn” cho các dự định, ấp ủ phát triển các dây chuyền công nghệ hiện đại hơn để ứng dụng vào sản xuất của các doanh nghiệp nội. Bởi có một lượng lao động nhất định đã và đang chuyển từ doanh nghiệp FDI sang làm việc cho các doanh nghiệp nội hoặc bắt đầu hoạt động kinh doanh làm chủ doanh nghiệp.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc từng cho biết, doanh nghiệp Hàn Quốc hoan nghênh người lao động, kỹ sư đã từng làm việc cho doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ thành lập các doanh nghiệp riêng và dễ dàng trở thành các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng. Bởi họ là những người đã nắm được tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ và yêu cầu của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Nguồn lao động này cũng thường được đánh giá cao hơn và góp phần giúp doanh nghiệp nội đa dạng, nâng cao được chất lượng nguồn lao động.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, câu chuyện về doanh nghiệp nội “ấp ủ” kế hoạch cho ra đời các sản phẩm điện thoại thông minh giá rẻ cũng đã được nhắc tới nhiều. Điều đáng nói, các câu chuyện này không chỉ nằm trên giấy mà đã được hiện thực hoá. Trong đó, có thể kể đến quyết định thành lập công ty sản xuất điện thoại thông minh Vinsmart với tổng vốn dự kiến là 130 triệu USD tại Hải Phòng của Tập đoàn bất động sản Vingroup để sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ.
Ngoài ra, được biết, Công ty Cổ phần Điện Tử ASANZO Việt Nam cũng có kế hoạch đầu tư 200 tỷ đồng để mở rộng dây chuyền sản xuất điện thoại, nâng sản lượng lên 600.000 cái và đồng thời cân nhắc sản xuất điện thoại thông minh với giá chỉ 1 triệu đồng.
Đây là những dẫn chứng “sống động” cho thấy sự sôi nổi của những doanh nghiệp nội trong việc làm đổi mới công nghệ sản xuất, không chỉ tiếp tục đứng yên để nhìn doanh nghiệp FDI “lấn lướt”.
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp nội có được “động lực” mạnh mẽ này dường như khó có thể bỏ qua những câu chuyện, dẫn chứng cho thấy sức ép từ doanh nghiệp FDI.
Có thể bạn quan tâm
"Đặc trị" doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ để "đục nước béo cò"
05:28, 24/07/2018
Khi doanh nghiệp FDI “ăn không” những khoản chi phí khổng lồ
06:00, 23/07/2018
Thu hút FDI thế hệ mới: Đâu là những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên thu hút trong thời gian tới?
11:02, 22/07/2018
Thu hút FDI thế hệ mới: Chuyển dịch trọng tâm ưu đãi đầu tư như thế nào?
15:00, 21/07/2018
Thu hút FDI thế hệ mới: IFC đề xuất 6 khuyến nghị về cơ quan quản lý đầu tư
05:43, 20/07/2018
Nhiều dự án FDI chất lượng "chảy" vào Đồng Nai
04:00, 20/07/2018
Doanh nghiệp ngoại cũng vươn mình mạnh mẽ
Trước tiên có lẽ nên nhắc tới câu chuyện “tiến hoá” của các doanh nghiệp là nhà cung cấp của “ông lớn” Samsung. Nếu năm 2014, Samsung mới chỉ có 4 công ty cung ứng trong dây chuyền sản xuất, thì đến nay đã có tổng cộng 29 công ty. Điều đáng nói, nhờ tận dụng được công nghệ trong quá trình hợp tác với Samsung, các công ty là nhà cung ứng của Samsung đã vươn ra các ngành công nghiệp khác như sản xuất ô tô để hình hành chuỗi cung ứng tại thị trường nội địa.
Nói đến đây phải kể đến Công ty Điện tử Nhật Bản Meiko Electronics Việt Nam là một trong những nhà cung cấp chính của Samsung vừa quyết định đầu tư 100 triệu USD để mở rộng hoạt động sản xuất. Trong đó việc mở rộng sản xuất lần này được kỳ vọng hướng đến sản xuất các bảng mạch nhỏ hơn của bảng mạch in, một bộ phận dùng làm nền để gắn các linh kiện điện thoại thông minh. Ngoài ra, còn sản xuất bảng mạch cho các thiết bị thông tin liên lạc trên ô tô có khả năng kết nối 5G. Công nghệ kết nối chuẩn trong tương lai. Được biết các mặt hàng này sẽ được xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Như vậy có thể thấy, bên cạnh doanh nghiệp nội cũng đang nỗ lực chuyển mình, thì bản thân các nhà cung cấp nước ngoài là đối tác của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng đang vươn mình mạnh mẽ... Suy cho cùng đây cũng là xu hướng tất yếu để hội nhập cùng xu hướng toàn cầu và bối cảnh kinh tế quốc tế mới đang có nhiều biến đổi.
Mặc dù, những ví dụ về doanh nghiệp nội kể trên đây chưa phải là tất cả những doanh nghiệp nội đang nắm bắt cơ hội để chuyển mình, tuy nhiên, nếu có thể kể đủ thì tin chắc vẫn là những con số còn khiêm tốn.
Tuy nhiên, thời cơ và cơ hội không thể mãi “đứng im” để chờ doanh nghiệp nội chuyển mình, khi mà mới đây, Bloomberg đưa ra nhận định rất lạc quan về khả năng Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư và niềm tin này càng mạnh mẽ khi hiện nay các công ty đang có chiến lược “Trung Quốc cộng một” nhằm đưa sản xuất đến các nước châu Á khác ngoài Trung Quốc.
Cũng theo Bloomberg, để thành công trong chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, buộc Việt Nam phải có “bước nhảy vọt” về công nghệ để xây dựng một chuỗi cung ứng cho nền công nghiệp chế tạo điện thoại thông minh. Mà nòng cốt của bước nhảy vọt này chính là doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chớp thời cơ nhanh hơn nữa, chuyển mình mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa.