"Đặc trị" doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ để "đục nước béo cò"

PGS,TS. Phan Duy Minh 24/07/2018 05:28

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chống chuyển giá là một trong 8 đề xuất để “chặn” việc doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ, cạnh tranh thiếu minh bạch và “đục nước béo cò”.

Do “được phép lỗ” nên không ít doanh nghiệp FDI đã cố  tình hạ thấp giá bán sản phẩm, áp dụng nhiều chiêu “khuyến mại” vô lý, bóp méo thị trường, gây ra những hỗn loạn không đáng có, làm cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuộc các thành phần khác rơi vào cảnh lao đao, khón khó, thậm chí là phá sản... Để rồi từ đó mà họ kiếm lợi do “đục nước béo cò”.

Nhiều doanh nghiệp FDI đứng trước nghi vấn chuyển giá vì liên tục thua lỗ ở Việt Nam nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp FDI đứng trước nghi vấn chuyển giá vì liên tục thua lỗ ở Việt Nam nhưng vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet).

Chính vì vậy, chuyển giá đã gây ra hậu quả khôn lường cho quốc gia tiếp nhận FDI như đã chỉ ra trên đây. Do vậy, chống chuyển giá là công việc làm “đau đầu” nhiều Chính phủ và các chuyên gia trên thế giới. Vì vậy, cần phải triển khai áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp và phải được tiến hành một cách quyết liệt, kiên trì, thường xuyên.

Tại Việt Nam, để hạn chế tình trạng này cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả 8 giải pháp sau đây.

Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý chống chuyển giá. Trước mắt, Việt Nam cần tập trung khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá và tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá; thu hẹp các ưu đãi về thuế, cụ thể là hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế; chuyển giao quyền điều tra cho cơ quan thuế từ cấp Tổng cục và lâu dài đến cơ quan thuế cấp tỉnh, thành phố; hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người, doanh nghiệp nộp thuế để từ đó theo dõi sát sao những thay đổi về doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Hơn nữa, để tránh tình trạng các doanh nghiệp FDI cố tình khai báo lỗ hàng năm, phải chăng, Chính phủ cần nghiên cứu ban hành một loại thuế đánh vào vốn đầu tư thay cho thuế TNDN, gọi là Thuế vốn đầu tư FDI, với thuế suất tối thiểu có thể là 2% trên tổng vốn FDI giải ngân của doanh nghiệp FDI và được thu đều đặn hàng năm.

Thứ hai, cần phải có một bộ máy chống chuyển giá hoàn chỉnh và đủ mạnh. Mới đây, Tổng cục Thuế chính thức thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng. Đồng thời, lực lượng thanh tra giá chuyển nhượng được thành lập tại 4 Cục Thuế địa phương có nhiều rủi ro liên quan đến giá chuyển nhượng như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Đây là lực lượng chuyên trách làm việc chống chuyển giá tại cơ quan Thuế Trung ương đến địa phương, cũng như tiến hành thu thập xử lý thông tin từ các doanh nghiệp có quan hệ liên kết từ cơ quan Thuế và bên thứ ba. Vấn đề đặt ra hiện nay là các cơ quan Thuế cần khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đáp ứng được yêu cầu khai thác, phân tích rủi ro và làm căn cứ để xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết. Bởi theo các Cục Thuế địa phương, việc nhận dạng chuyển giá không khó, nhưng quá trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có dữ liệu, nên cán bộ thuế vẫn phải làm thủ công, nhặt từng khoản mục để so sánh, đối chiếu.

Hơn nữa, không nên coi chống chuyển giá hầu như chỉ là trách nhiệm tập trung vào Tổng cục Thuế, mà nên coi đây là công việc bức bách, quan trọng của nhiều ngành, lĩnh vực khác nữa, như Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an)… Do vậy, nên có một tổ chức chống chuyển giá quốc gia trực thuộc cơ quan nào đó của Chính phủ cao hơn Tổng cục Thuế, chí ít trước mắt cũng là nên trực thuộc Bộ Tài chính, thì mới đủ hiệu lực, hiệu quả để giải quyết các vấn đề.

Có thể bạn quan tâm

  • Khi doanh nghiệp FDI “ăn không” những khoản chi phí khổng lồ

    Khi doanh nghiệp FDI “ăn không” những khoản chi phí khổng lồ

    06:00, 23/07/2018

  • "Chặn" doanh nghiệp “lách” luật để chuyển giá?

    00:03, 28/06/2018

  • Chuyển giá - “hai mặt của đồng xu”

    Chuyển giá - “hai mặt của đồng xu”

    05:37, 14/07/2018

  • “Đau đầu” nạn chuyển giá: Do luật thiếu và yếu?

    “Đau đầu” nạn chuyển giá: Do luật thiếu và yếu?

    07:57, 23/07/2018

  • Nhận diện doanh nghiệp chuyển giá

    Nhận diện doanh nghiệp chuyển giá

    05:10, 22/07/2018

Thứ ba, Áp dụng bắt buộc phương pháp định giá thỏa thuận trước đối với MNC khi thực hiện đầu tư vào Việt Nam (Advance pricing agreement - APA). Biện pháp này đang được áp dụng rộng rãi tại châu Âu và nhiều nước trong khu vực như: Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia...

Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế, từ 1/7/2013 cơ quan thuế được phép áp APA. Theo cơ chế này, các MNC phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên trong tập đoàn, trước khi kê khai và nộp thuế. Cơ quan Thuế sẽ phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam tổ chức giám sát, kiểm soát để chống gian lận thuế. Về lý thuyết, APA có thể giúp giảm bớt tình trạng khai gian giá và điệp khúc “lỗ giả lãi thật” mà dư luận đã nhắc tới ở nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chưa chắc doanh nghiệp có vốn nước ngoài đã tự nguyện làm APA. Bởi APA áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, cơ quan thuế không thể ép doanh nghiệp phải thực hiện. Cơ quan Thuế cần có cơ chế khuyến khích các DN có giao dịch liên kết áp dụng APA để tránh thanh tra về chuyển giá. Hiện nay, Việt Nam cũng đã ban hành hướng dẫn về APA và đã có một số doanh nghiệp xin áp dụng. Tuy nhiên, APA cũng là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian nên chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô lớn và có mô hình kinh doanh ổn định. Mặt khác, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý trong quản lý chuyển giá. 

Thứ tư, minh bạch, rõ ràng về ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp FDI. Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, điều chỉnh theo hướng vừa thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền, địa phương, vừa minh bạch, rõ ràng.

Như đã nêu ở trên, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi chuyển giá là có sự chênh lệch thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các quốc gia, chênh lệch thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệ trong một quốc gia do áp dụng thuế suất ưu đãi và các ưu đãi khác như miễn, giảm thuế. Đã đến lúc Việt Nam không còn thu hút FDI bằng mọi giá, do vậy nên cân nhắc, chỉ cho phép ưu đãi thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền và trong những trường hợp có lợi nhất so với các hình thức ưu đãi khác.

Thứ năm, Chú trọng, tăng cường công tác thanh kiểm tra thuế của cơ quan Thuế nhà nước đối với các doanh nghiệp FDI. Cơ quan Thuế các cấp cần coi tăng cường thanh kiểm tra thuế có liên quan đến giá chuyển giao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế. Đặc biệt chú trọng việc thanh tra, kiểm tra giá chuyển giao đối với các doanh nghiệp có nhiều thành viên, các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá của doanh nghiệp liên kết, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế. Đối với các trường hợp chuyển giá, phải có chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt so với quy định hiện tại để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Thứ sáu, có chế tài xử phạt nặng đối với hành vi chuyển giá. Nhiều quốc gia có chế tài xử phạt nặng đối với hành vi chuyển giá. Australia, số tiền phạt bằng 50% số thuế tránh được nếu công ty trả thuế sử dụng giá chuyển nhượng với mục đích nhằm giảm thiểu số thuế phải nộp. Phạt 25% số thuế tránh được nếu công ty trả thuế sử dụng giá chuyển nhượng nhằm các mục đích khác; Trung Quốc, công ty trả thuế không khai báo về giá thị trường đúng hạn thì cơ quan Thuế sẽ ấn định khoản tiền phạt lên đến 2.000 nhân dân tệ (tương đương trên 6 triệu đồng) và có thể lên đến 10.000 nhân dân tệ (trên 30 triệu đồng) trong trường hợp nghiêm trọng; Ấn Độ, cơ quan Thuế địa phương có thể ấn định mức phạt lên đến 300% so với mức chênh lệch về số thuế phải nộp (giữa số thuế do công ty trả thuế khai báo và số thuế do cơ quan thuế tính lại).

Các công ty trả thuế được yêu cầu tính trước thu nhập chịu thuế trong một năm và có nghĩa vụ phải nộp thuế trước. Trường hợp không hoàn thành nghĩa vụ này thì khoản chậm nộp phải chịu lãi suất 18%/năm; Hàn Quốc, số tiền phạt sẽ được ấn định từ 10% đến 30% đối với số chênh lệch thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoài ra, công ty còn phải chịu lãi suất đối với khoản nộp bổ sung (được coi như chậm nộp) là 18,25%/năm.

Nếu công ty trả thuế không trình ra được các tài liệu chứng minh theo yêu cầu thì có thể bị phạt đến 30 triệu won (tương đương gần 600 triệu đồng theo thời giá); New Zealand, nếu công ty trả thuế không đưa ra các tài liệu chứng minh thì cơ quan Thuế sẽ ấn định một khoản phạt lên đến ít nhất là 20% so với số thuế phải nộp; Philippines, công ty trả thuế sẽ bị phạt với số tiền tương đương 25% - 50% so với số thuế chênh lệch. Ngoài ra, số thuế chênh lệch này bị coi như là một khoản chậm nộp và phải chịu lãi suất 20%/năm.

Việt Nam cần học tập kinh nghiệm các nước, ban hành ngay các mức xử phạt nặng đối với các hành vi chuyển giá trốn thuế của doanh nghiệp FDI và cần quy định thành những điều khoản cụ thể trong Luật Chống chuyển giá đang được xây dựng và sẽ ban hành trong thời gian tới.

Thứ bảy, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp FDI. Được biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện vấn đề này. Đây là một đòi hỏi rất cấp thiết để các cơ quan chức năng của Việt Nam để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá của các cơ quan chức năng. Thời gian tới, ngành Thuế, cơ quan cấp phép đầu tư, Hải quan, Công an, Ngân hàng... cần tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối thông tin để có được một hệ thống thông tin đảm bảo cho quá trình quản lý thuế nói chung và hoạt động phân tích rủi ro, thanh tra, xử lý vi phạm về giá chuyển giao giữa các thành viên liên kết nói riêng.

Thứ tám, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành Thuế, hải quan và một số các ngành khác có liên quan đối với công tác chống chuyển giá. Cần phải có đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, dày dạn kinh nghiệm, giỏi ngoại ngữ, am hiểu luật và thông lệ quốc tế thì mới có thể theo dõi, kiểm soát sát đúng, kịp thời việc chuyển giá. Muốn như vậy, không thể nào khác được là phải tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ một cách toàn diện, trong đó chú trọng đào tạo về kỹ năng xác định giá thị trường, kiến thức về luật và kinh doanh quốc tế, tin học, ngoại ngữ...

Tóm lại, công tác chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI là rất cam go, trong ngắn hạn có thể tác động ít nhiều đến khả năng thu hút đầu tư nước vào Việt Nam, song về dài hạn, đây là công việc không thể khác được. Có như vậy thì việc thu hút FDI vào Việt Nam mới có thể phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh và bền vững, để FDI thực sự là nguồn lực quý giá như vốn có của nó giúp cho Việt Nam trở thành đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Đặc trị" doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ để "đục nước béo cò"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO