5% vốn ngân sách Trung ương sẽ ưu tiên đầu tư vào nông nghiệp
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, và cải cách hành chính để thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là một trong 3 giải pháp ưu tiên thực hiện trong thời gian tới.
Cụ thể, trong thời gian tới, doanh nghiệp nông nghiệp được coi là lực lượng dẫn dắt các chuỗi giá trị nông nghiệp và tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thách thức nâng cao chuỗi giá trị
Nhìn lại 10 năm, giai đoạn 2005-2015, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp của doanh nghiệp tăng gấp 4 lần, cụ thể từ mức 44.273,1 tỷ đồng lên mức 231.334 tỷ đồng. Quy mô vốn bình quân trong các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước năm 2016 là 35,8 tỷ đồng/doanh nghiệp, trong khi đó vốn bình quân doanh nghiệp cả nước là 72,82 tỷ đồng/doanh nghiệp. Nếu tính riêng doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản là hơn 73,1 tỷ đồng/doanh nghiệp, cao hơn bình quân cả nước và gấp gần 3 lần so với năm 2005.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, thị trường đầu tư nông nghiệp cũng ghi nhận số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng nhiều, với quy mô lớn. Trong đó có những doanh nghiệp, nhà đầu tư là các tập đoàn lớn, tập trung đầu tư vào các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2005 - 2016 số lượng các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông lâm thủy sản tăng từ 2.217 doanh nghiệp lên 4.400 doanh nghiệp, bình quân tăng 6,4%/năm. Năm 2017, có 1.955 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt trên 5.661 doanh nghiệp.Tính đến Quý II/2018 có khoảng 7.600 doanh nghiệp nông nghiệp; nếu tính cả doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và doanh nghiệp thương mại hàng lương thực thực phẩm, số lượng đã tăng từ 12.113 doanh nghiệp năm 2005 lên 42.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những con số kể trên mặc dù là ấn tượng, song kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn “nghèo nàn” so với kỳ vọng.
Cụ thể, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chiếm khoảng trên 1% trong tổng số các doanh nghiệp của cả nước. Nếu tính thêm cả doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và doanh nghiệp thương mại các mặt hàng lương thực thực phẩm, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 8% trong tổng số doanh nghiệp cả nước. Ngoài ra, có tới trên 95% số doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, vì vậy đây được xem là những thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Đằng sau con số 22.000 gói thầu áp dụng đấu thầu điện tử
06:58, 08/08/2018
Nguy cơ từ hợp tác với doanh nghiệp FDI trong đầu tư sản xuất giấy tái chế
05:50, 07/08/2018
Ngành công nghiệp sản xuất giấy: Thách thức “nhãn tiền”
06:00, 06/08/2018
Hàng trăm triệu USD đầu tư vào dự án liên kết giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc
06:30, 04/08/2018
Hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nông nghiệp
Để khắc phục được hạn chế nếu trên, được biết Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong nông nghiệp, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanhnghiệp theo các Nghị Định của Chính phủ: số 52/2018/NĐ-CP, số 57/2018/NĐ-CP, số 58/2018/NĐ-CP, số 98/2018/NĐ-CP.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận có thời hạn lâu dài với đất đai, phù hợp với các quyền sử dụng hợp pháp của nhà đầu tư. Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án. Điều đặc biệt đáng nói đó là xây dựng cơ chế khuyến khích mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư tham gia xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Được biết, việc thực hiện Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp cũng sẽ khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông lâm thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất. Các cá nhân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nông nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các chính sách nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật nông nghiệp, giúp giảm chi phí đào tạo ban đầu cho các nhà đầu tư, đặc biệt cho các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.
Ngoài những chính sách, cơ chế ưu đãi như vừa nêu, được biết, Dự thảo lần 4 Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng đã được đưa ra mới đây. Điểm nổi bật của Thông tư này là ngân sách Trung ương sẽ dành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hàng năm cho ngành nông nghiệp để thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây được xem là những động lực để tạo ra “cú hích” đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới.