Sản xuất giấy tái chế được xem như một nguồn nguyên liệu quan trọng của ngành giấy, tuy nhiên, việc doanh nghiệp nước ngoài mong muốn liên doanh hợp tác sản xuất tại Việt Nam dấy lên nguy cơ về “rác”.
Cụ thể, hoạt động sản xuất giấy tái chế được xem là nguồn nguyên liệu quan trọng trong ngành giấy, chính vì vậy Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất giấy tái chế. Hiện nay tỷ lệ sản xuất bột giấy từ giấy tái chế ở Việt Nam chiếm 65-70%, trong đó, giấy gom trong nước khoảng 32%.
Được biết, theo đánh giá tác động của việc sản xuất giấy tái chế đến môi trường” của Đại học kỹ thuật Zvoken – Slovakia đã chỉ ra rằng, tái chế giấy giúp tiết kiệm nguyên liệu gỗ tự nhiên, giảm chi phí hoạt động, vốn đầu tư, giảm lượng nước tiêu thụ và quan trọng là thân thiện với môi trường.
Theo đó, sản xuất giấy tái chế sử dụng năng lượng ít hơn 31% so với việc tạo ra giấy từ sợi nguyên chất. Đồng thời, sản xuất 1 tấn giấy tái chế tiết kiệm hơn 35.000 lít nước so với sản xuất 1 tấn giấy sợi nguyên chất. Nếu phải cần đến 2,5 tấn gỗ mới có thể tạo ra 1 tấn giấy thì khi sử dụng giấy tái chế, lượng nguyên liệu giảm còn 1 nửa.
Nhìn chung, sản xuất giấy bằng tái chế giấy hiệu quả hơn sản xuất giấy từ gỗ vì việc tách xơ sợi và tẩy trắng đã được làm trước đó nên sử dụng ít năng lượng, nước và hóa chất hơn, đồng thời thải ra không khí và nước ít chất độc hại hơn. Trung bình, giấy có thể được tái chế từ 4-6 lần, điều này sẽ làm giảm đáng kể lượng giấy chôn lấp hay phải đốt bỏ, đồng nghĩa với giảm ô nhiễm không khí và nước, cũng như khí nhà kính thoát ra khi giấy phân huỷ ở bãi chôn lấp.
Tuy nhiên điều đáng nói, theo Báo cáo của Bộ Công thương, Việt Nam đang ghi nhận nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư Trung Quốc sang Việt Nam để nhập thầu giấy bao bì và tìm cách liên doanh để sản xuất bột giấy tái chế. Hiện tượng này ngày càng có xu hướng gia tăng từ cuối năm 2017 đến nay. Điều này dấy lên lo ngại, sau quá trình sản xuất, bột giấy sạch được đưa về Trung Quốc còn rác ở lại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 06/08/2018
06:30, 03/08/2018
06:30, 04/08/2018
03:37, 02/08/2018
03:14, 01/08/2018
Đánh giá của Hiệp hội Giấy và Bột giấy đã chỉ ra, việc đầu tư sản xuất bột giấy tái chế để xuất khẩu có tác động rất xấu và gây nguy hại rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất giấy Việt Nam.
Theo đó, điều này sẽ làm giảm cơ hội xuất khẩu giấy thành phẩm làm bao bì sang Trung Quốc. Trong khi đó, giấy do các doanh nghiệp FDI sản xuất ra cũng sẽ tập trung tiêu thụ ở thị trường nội địa, làm cho các doanh nghiệp Việt Nam khó giữ được thị phần và mất cơ hội đầu tư quy mô lớn, hiện đại.
Các doanh nghiệp FDI cũng có lợi thế hơn trong việc tranh giành thị trường giấy phế liệu nhập khẩu và thu gom trong nước làm cho các doanh nghiệp giấy Việt Nam càng kém về năng lực cạnh tranh. Báo cáo của Bộ Công thương chỉ rõ: "Tình trạng bột sạch đưa về Trung Quốc còn rác để lại Việt Nam sẽ lan rộng và khó kiểm soát, tạo ra nguy cơ lớn về ô nhiễm môi trường”.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy, hiện tại chưa có cơ sở sản xuất bột giấy tái chế để xuất khẩu vào Trung Quốc và bột giấy tái chế cũng chưa được xuất khẩu vào Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các thông tin có được, hiện một số doanh nghiệp Việt Nam "hám lợi trước mắt" đang có dự định liên doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc để thực hiện việc này, thậm chí một số doanh nghiệp FDI cũng đang thoả thuận ký hợp đồng mua thiết bị đầu tư cho mục đích này.
Vì hiện tượng này, Hiệp hội Giấy và Bột giấy đã đưa ra đề xuất cấm đầu tư sản xuất bột giấy tái chế nhằm xuất khẩu và cấm xuất khẩu bột giấy tái chế dưới mọi hình thức.