Cuộc chơi... phân hóa cảng biển (Kỳ I): “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”
Cùng chung lĩnh vực kinh doanh khai thác cảng biển, thế nhưng lại có chuyện “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”.
Cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) là cảng container đầu tiên có quy mô lớn tại Hải Phòng. Khoảng 10 năm về trước, cảng Chùa Vẽ nổi lên là một “gã khổng lồ” khi được đầu tư xây dựng 5 cầu tàu với tổng chiều dài gần 1km cùng hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ hiện đại bậc nhất lúc đó. Và Chùa Vẽ giai đoạn này thực sự “không đối thủ” trong xếp dỡ hàng container .
Nhưng nay, cảng Chùa Vẽ mất dạng và lu mờ, đến mức, cả năm 2017, cảng này chỉ đón được 2 hãng tàu vào làm hàng.
Đối lập với bức tranh ảm đạm của cảng Chùa Vẽ, cách đó không xa, các hậu sinh: Đình Vũ, Tân Cảng, Nam Hải, Green port… lại trong trạng thái “việc ngập đầu”.
Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Đỏ cho biết, năm 2016, 2017 cảng Nam Hải vượt công suất xếp dỡ đến 130%, năm 2018 con số này dự kiến vẫn duy trì mức đó.
Khác Hải Phòng, người láng giềng Quảng Ninh cũng có thế mạnh không kém về phát triển cảng biển. Được quy hoạch là cảng nước sâu, thế nhưng khu vực cảng Cái Lân hiện cũng chỉ có 2 đơn vị khai thác là công ty CTCP cảng Quảng Ninh (hàng rời) và Công ty TNHH cảng container quốc tế Cái Lân – CICT (hàng container).
Dù được đánh giá là một trong những cảng container hiện đại nhất miền Bắc, thế nhưng CICT vẫn chỉ khai thác được trên 100.000 TEU/năm, hoạt động khoảng trên 50% công suất thiết kế. Thậm chí vài năm trước, cảng này còn lỗ cả triệu USD mỗi tháng vì… ít khách.
Có thể bạn quan tâm
Hải quan Quảng Ninh và đòn bẩy cho kinh tế cảng biển
15:13, 17/08/2018
“Giảm như không”, thu phí dịch vụ cảng biển Hải Phòng tăng mạnh
15:40, 18/07/2018
Quá tải container phế liệu tại các cảng biển
05:52, 24/06/2018
Nhà đầu tư Hà Lan "nôn nóng" đầu tư vào hạ tầng cảng biển Việt Nam
12:00, 15/05/2018
Không nằm ngoài cuộc chơi chung, giống như phía Bắc, hệ thống các cảng khu vực Đông Nam Bộ cũng mang đậm màu sắc trong bức tranh “kẻ no, người đói”. Đối lập sự sôi động của Cát Lái, cụm cảng Hiệp Phước dường như “rảnh rỗi” rất nhiều.
Theo Hiệp hội cảng biển Việt Nam, dù được quy hoạch để giảm tải cho cụm cảng Cát Lái nhưng Tân cảng Hiệp Phước và cảng Sài Gòn – Hiệp Phước vẫn hoạt động dưới công suất thiết kế. Ảm đạm hơn như Cảng Sài Gòn hay cảng Bến Nghé hiệu suất sử dụng cảng chỉ khoảng 50% công suất thiết kế.
Hoành tráng như cụm cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng đang trong tình trạng dư thừa công suất trầm trọng do được nâng cấp quá nhanh. Khu vực miền Trung hiện tại chỉ có một số ít cảng khai thác hàng container, phần lớn các cảng còn lại chủ yếu khai thác hàng rời. Trong đó, 63% lượng hàng container và 22% lượng hàng rời tại miền Trung đều thông qua hệ thống cảng khu vực Đà Nẵng. Nguồn hàng khu vực miền Trung ít dẫn đến các cảng ở đây luôn bị thiếu hàng. Các cảng miền Trung chủ yếu hoạt động mang tính chất gom hàng, sau đó vận chuyển đến các cảng ở hai đầu Hải Phòng và TP HCM để xuất đi nước ngoài.
Kỳ 2: Cạnh tranh sòng phẳng - cách nào?