Sức ép cân đối và phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

Ngọc Hà 23/10/2018 05:55

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vẫn còn nhiều, tạo sức ép lớn đối với công tác cân đối và phân bổ vốn trong kế hoạch hàng năm.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (bao gồm phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020).

Vốn đầu tư

Sức ép cân đối và phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet).

Theo đó, bên cạnh những kết quả tích cực như tỷ trọng đầu tư công trên GDP dịch chuyển tích cực, cơ cấu vốn đầu tư công theo hướng phù hợp hơn; hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế bước đầu tăng lên; giải ngân vốn đầu tư công từng bước được cải thiện, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công có sự cải thiện rõ rệt qua các tháng, quý; khắc phục cơ bản tình trạng quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ khả năng cân đối vốn; khắc phục tình trạng các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản, quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán kế hoạch đầu tư công...

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một loạt những tồn tại, hạn chế. Trong đó phải kể đến khả năng cân đối ngân sách nhà nước để bố trí vốn thực hiện hàng năm còn gặp nhiều khó khăn, tỷ trọng chi đầu tư còn thấp (khoảng 25%), số vốn cân đối cho các chương trình mục tiêu chỉ đạt khoảng 53% nhu cầu; phân bổ vốn chi tiết cho từng dự án còn nhiều hạn chế; chưa giải quyết được tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng nguồn vốn và nhu cầu về vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương.

Nhiều dự án cấp bách, trọng điểm, dự án ODA, dự án đến hạn phải trả cho các nhà đầu tư của các bộ, ngành, địa phương chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn do không có nguồn bố trí. Tình trạng mất cân đối giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương ngày càng tăng, không đảm bảo mục tiêu ngân sách trung ương đóng vai trò chủ đạo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”, báo cáo chỉ ra.

Đánh giá 2 năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng hạn mức vốn phải thực hiện còn lại trong 2 năm 2019, 2020 còn lại khá nhiều, tạo sức ép lớn đối với công tác cân đối và phân bổ vốn trong kế hoạch hàng năm.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải ngân đầu tư công bao giờ hết “tắc”?

    Giải ngân đầu tư công bao giờ hết “tắc”?

    11:36, 23/09/2018

  • Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công

    Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công

    11:33, 21/09/2018

  • Sửa đổi mức ứng trước vốn kế hoạch đầu tư công

    Sửa đổi mức ứng trước vốn kế hoạch đầu tư công

    20:32, 14/09/2018

  • Đầu tư công nghệ: Hướng phát triển bền vững cho ngành ngân hàng

    Đầu tư công nghệ: Hướng phát triển bền vững cho ngành ngân hàng

    03:33, 11/09/2018

Nghị quyết 26/2016/QH14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 quy định, trong giai đoạn 2016 - 2020 sử dụng 300.000 tỷ đồng nguồn vốn nước ngoài. Theo ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, ngay sau khi Quốc hội thông qua, đã phát hiện sự thiếu cân đối nguồn vốn nước ngoài so với  hạn mức do chưa bao quát được hết các hiệp định đã ký kết, chưa tổng hợp đầy đủ số dự án sử dụng vốn ODA, chưa tính hết các dự án đã hoàn thành giai đoạn trước cần bố trí vốn để quyết toán trong giai đoạn này. Việc thiếu cân đối như vậy là một bài học cần phải rút kinh nghiệm khi xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau.

Theo tính toán, tổng vốn nước ngoài dành cho đầu tư công giai đoạn này là khoảng 360.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 60.000 tỷ đồng so với hạn mức. Với số tiền còn thiếu, trước đó, ông Lê Thanh Vân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trình Quốc hội xử lý theo hướng, trong quá trình điều hành kế hoạch hằng năm cho phép Chính phủ kết hợp hài hòa, điều chuyển lẫn nhau giữa nguồn vốn ODA và nguồn vốn trái phiếu chính phủ nhằm vừa bảo đảm nguồn vốn thực hiện các dự án vừa không vượt hạn mức 2 triệu tỷ đồng tổng mức đầu tư công cả giai đoạn, đảm bảo chỉ tiêu nợ công và bội chi đã được Quốc hội thông qua.

Ngọc Hà