Đại biểu Quốc hội nói về Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Hồng Hương 17/11/2018 02:00

Bên lề hành lang Quốc hội, góp ý về Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau từ các Đại biểu.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá đường sắt hiện tại đã lạc hậu về cả thời gian vận chuyển, sức tải và thời gian qua liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

ĐB Lê Công Nhường (Bình Định)

ĐB Lê Công Nhường (Bình Định)

Việc hiện đại hóa này sẽ góp phần làm giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho kinh tế trong nước, giảm đáng kể chi phí logistics. Đồng thời, triển khai đường sắt cao tốc cũng sẽ làm giảm áp lực cho đường bộ, đường hàng không trong vận chuyển hàng hóa và hành khách, khi tổng thời gian đi giữa Sài Gòn – Hà Nội của đường sắt được rút ngắn còn 7 tiếng đồng hồ.

Có thể bạn quan tâm

  • Còn nhiều lo ngại về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

    Còn nhiều lo ngại về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

    15:23, 16/11/2018

  • Tuyến đường sắt cao tốc nào sẽ khai thác trước?

    Tuyến đường sắt cao tốc nào sẽ khai thác trước?

    16:49, 12/11/2018

  • Bài học phát triển đường sắt cao tốc tại châu Á

    Bài học phát triển đường sắt cao tốc tại châu Á

    11:32, 26/10/2018

  • Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ dùng công nghệ nào?

    Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ dùng công nghệ nào?

    16:13, 13/09/2018

Góp ý về dự án này, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) băn khoăn: “Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, trong đó vốn nhà nước 80% để đầu tư hạ tầng, vốn nhà đầu tư 20% để mua sắm đoàn tàu và theo đó Nhà nước sẽ cần huy động hàng năm 0,35 - 0,55% GDP, bằng khoảng 10% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng".

“Suất đầu tư đường sắt của ta không nên cao quá mà nên ngang bằng với một số nước Đông Nam Á. Tôi đã nghiên cứu đầu tư đường sắt của Thái Lan, Malaysia. Nếu đường sắt như vậy từ Hà Nội đi Cà Mau sẽ khoảng 19 tỷ USD đến 20 tỷ USD. Trong thời gian 10 năm, tôi nghĩ là chúng ta vừa đầu tư vừa khai thác thì nhà nước bố trí cân đối vốn được. Ngoài ra chúng ta phải xã hội hóa. Luật đường sắt sửa đổi năm 2016 có cho phép đổi đất lấy cơ sở hạ tầng đường sắt” - ĐB Nhường nói.

Bên cạnh đó, một số đại biểu lo ngại về việc đầu tư tuyến đường sắt cao tốc sẽ đẩy nợ công lên cao. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, dự án cần công khai minh bạch trong đấu thầu và giám sát thực hiện. Đặc biệt là cân đối để đảm bảo nợ công nằm trong ngưỡng cho phép.

Theo ĐB Hòa, có một sự quyết tâm cao trong chỉ đạo của Chính phủ, và Chính phủ chỉ đạo các ngành là tập trung vốn đầu tư cho những công trình trọng điểm quốc gia mang lợi ích thiết thực trong đó có đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

“Tôi thấy nó phù hợp và tốt mặc dù dư luận, người dân cho rằng nợ công cao” - ĐB Hòa nói.

Cũng theo ý kiến ĐB Hòa, nếu đầu tư cho đường sắt cao tốc Bắc Nam thì chúng ta sẽ cắt hoặc hoãn, hoặc ngừng một số dự án hiện nay chưa hiệu quả và chưa thật sự cần thiết. Nguồn vốn đó sẽ chuyển để đầu tư cho đường sắt cao tốc.

“Câu chuyện này cũng tương tự như chuyện đầu tư cho sân bay quốc tế Long Thành, đây là phương tiện vận chuyển, vận tải rất hữu hiệu mang lại lợi ích quốc gia về mặt kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng an ninh” - ĐB Hòa nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM)

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM)

Tuy nhiên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) lại cho rằng cần nâng cấp hệ thống đường sắt cũ trước khi tính đến việc triển khai đường sắt cao tốc.

Theo quan điểm ĐB Nghĩa, khi làm đường sắt cao tốc phải tính đến hiệu quả, không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế tài chính mà cả mặt kinh tế xã hội.

“Hiện nay đường sắt Việt Nam mới chỉ 1 đường, các nước người ta đã 2, 3, 4 đường. Nhiều đường, không phải tránh lẫn nhau nhanh lên là đúng rồi” - ĐB Nghĩa nói.

ĐB Nghĩa cũng cho rằng, khổ  đường sắt của chúng ta hiện còn quá bé nên không chạy nhanh được. Do đó, “cần mở rộng khổ đường sắt, cố gắng phủ mạng lưới rộng hơn, nâng tốc độ bình quân lên, làm cho nó tiện lợi hơn thành phương tiện vận tải công cộng phổ biến hơn với người dân và hàng hóa” - ĐB Nghĩa góp ý.

Theo kết quả nghiên cứu tiền khả thi của Liên danh Tư vấn, Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư 58,71 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn đầu xong vào năm 2032 với đoạn Hà Nội - Vinh (dự kiến 13,97 tỷ USD) và Nha Trang - TPHCM (dự kiến 13,37 tỷ USD. Đoạn còn lại nối Vinh - Nha Trang khởi công năm 2035 và hoàn thành vào năm 2050.

Dự án được đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), trong đó nhà nước đầu tư hạ tầng, với tổng vốn chiếm 80% (huy động hàng năm từ 0,3% - 0,55% GDP, bằng khoảng 10% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng); vốn nhà đầu tư huy động bằng khoảng 20% tổng vốn dự án để mua sắm thiết bị đoàn toàn và khai thác hoàn vốn. Hiệu quả kinh tế đạt khoảng 7,5%, hiệu quả tài chính đạt 1,9% (trong đó riêng phần vốn tư nhân đạt hiệu quả khoảng 14%).

Hồng Hương