EVN cam kết tuân thủ bảo vệ môi trường tại Nhiệt điện Quảng Trạch

Hoàng Oanh 24/12/2018 08:33

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa, tỷ trọng nhiệt điện than trên thế giới chiếm hơn 41%, đây vẫn là xu hướng năng lượng toàn cầu. Tại Việt Nam, các dự án thủy điện lớn hầu như đã khai thác hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng chỉ có thể thực hiện được sau năm 2025 với giá cao.

Trung tâm Điện lực Quảng Trạch là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng

Trung tâm Điện lực Quảng Trạch là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng

Bên cạnh đó, các nguồn năng lượng tái tạo với những nhược điểm như: công suất không liên tục, không ổn định, hệ số khả dụng không cao do phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, do đó không thể làm tải nền cho hệ thống điện và cũng không thể đóng tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện hiện nay.

Trong bối cảnh đó, nhiệt điện than với tính ổn định và giá thành hợp lý đã, đang và sẽ là nguồn điện đóng vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng đáng kể trong hệ thống điện. Tuy nhiên, thời gian qua, một số thông tin sai lệch, thiếu cơ sở khoa học về tác động của nhiệt điện than tới môi trường, gây cách hiểu sai lệch về các nhà máy nhiệt điện trong cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Chưa thể loại bỏ nhiệt điện than

    Chưa thể loại bỏ nhiệt điện than

    23:34, 20/12/2018

  • Nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện

    Nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện

    06:06, 14/12/2018

  • Gỡ “ nút thắt” trong xử lý tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than

    Gỡ “ nút thắt” trong xử lý tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than

    06:00, 22/11/2018

  • Thúc đẩy sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than

    Thúc đẩy sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than

    11:51, 21/06/2018

  • Trong tương lai gần, Việt Nam vẫn cần nhiệt điện than

    Trong tương lai gần, Việt Nam vẫn cần nhiệt điện than

    08:43, 25/04/2018

Phân tích về công nghệ của nhà máy nhiệt điện, PGS.TS Trương Duy Nghĩa khẳng định, nhà máy nhiệt điện than là nhà máy có công nghệ bảo vệ môi trường tốt nhất trong các nhà máy công nghiệp chạy than.

Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 được đầu tư công nghệ siêu tới hạn. Đây là công nghệ tiên tiến, được đón nhận tại nhiều nước. Nhà máy được trang bị hệ thống lọc bụi tĩnh điện hiệu quả tới 99,75%, đảm bảo không gây tác động tới môi trường sống.

Về phát thải khí, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 xử lý SOx bằng nước biển. Theo PST.TS Trương Duy Nghĩa, phương pháp này tạo ra các muối sunfat – thành phần sẵn có trong nước biển, do đó, không gây tác động đến thủy sinh. Lượng SOx phát thải ra môi trường đảm bảo hàm lượng dưới 229,8 mg/Nm3, tốt hơn yêu cầu tại tiêu chuẩn QCVN 22:2009/BTNMT. Với khí NOx, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 dùng amoniac để hấp thụ khí này, tạo sản phẩm là nitrat amôn, được sử dụng làm phân bón hóa học.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa cũng khẳng định, lượng tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 thải ra khoảng 0,195 triệu tấn/năm, gần như không có hàm lượng carbon chưa cháy sót lại. Do đó, đây chính là nguồn nguyên liệu quý để làm vật liệu xây dựng.

Ông Nguyễn Tài Anh  - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, trong quá trình phát triển, EVN luôn chú trọng vận hành hiệu quả các nhà máy nhiệt điện than và hết sức quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. EVN hiện đang quản lý 13 nhà máy nhiệt điện than, sử dụng công nghệ siêu tới hạn và dưới tới hạn, với tổng công suất 11.417 MW chiếm khoảng 72% trong công suất nguồn điện than tại Việt Nam.

Các nhà máy nhiệt điện do EVN quản lý luôn thực hiện tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được duyệt, đồng thời vận hành hiệu quả và giảm thiếu tối đa phát thải ra môi trường xung quanh. Tất cả các nhà máy đều sử dụng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hầu hết các nhà máy nhiệt điện than được đầu tư lắp đặt hệ thống khử SO2, Nox. Do đó, nồng độ phát thải tại nhiều nhà máy nhiệt điện của EVN luôn thấp hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn cho phép.

Đặc biệt, các nhà máy được lắp đặt hệ thống quan trắc phát thải liên tục (CEMS), giám sát phát thải liên tục và truyền dữ liệu online về các sở Tài Nguyên - Môi trường để cơ quan chức năng và người dân có thể theo dõi 24/24, từ đó, an tâm với các hoạt động của nhà máy.

Ông Nguyễn Tài Anh cũng khẳng định, các nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch là những nhà máy điện hiện đại hàng đầu Việt Nam, được đầu tư các công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường. EVN cam kết trong quá trình xây dựng và vận hành sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu tác động tới môi trường xung quanh. EVN sẽ phối hợp cùng địa phương thực hiện và đảm bảo quyền lợi của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư. Với nhu cầu việc làm của người dân, EVN và các nhà thầu sẽ ưu tiên sử dụng lao động địa phương đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu công việc. 

 Theo Quyết định số 4359/QĐ-BCT ngày 21/11/2018 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch địa điểm xây dựng TTĐL Quảng Trạch, dự án này triển khai xây dựng tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, với quy mô công suất 2.400 MW. Trung tâm gồm các Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và 2, có công suất 2 x 600 MW. Trung tâm Điện lực Quảng Trạch  rộng 540,5ha, trong đó có 330,5ha diện tích đất liền và 210ha diện tích mặt nước biển.

Trung tâm Điện lực Quảng Trạch là dự án trọng điểm của đất nước, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung và đảm bảo điện cho tỉnh Quảng Bình nói riêng. Dự án cũng sẽ tạo động lực phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và tăng nguồn thu ngân sách khoảng 2.400 tỷ đồng mỗi năm cho tỉnh.

Hoàng Oanh