Nhiều doanh nghiệp dệt may Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến
Với mong muốn đa dạng thị trường và để tận dụng chi phí lao động thấp... nhiều doanh nghiệp dệt may Nhật Bản đã chọn Việt Nam là điểm đến.
Theo NNA Business News, nhà sản xuất dệt may Nhật Bản là Công ty TNHH Suminoe cho biết sẽ thành lập một nhà máy sản xuất thảm điện tại Việt Nam để tận dụng chi phí lao động thấp. Đây sẽ là cơ sở sản xuất thứ hai ở nước ngoài của Suminoe ở nước ngoài hướng tới việc xuất khẩu sang Nhật Bản.
Công ty TNHH Suminoe có trụ sở tại Osaka đã thành lập một công ty con mang tên Công ty TNHH dệt may Suminoe Việt Nam tại Khu công nghiệp Đồng Văn III, cách Hà Nội 40 km về phía Nam, với số vốn đầu tư 1,9 triệu USD.
Được biết, Công ty TNHH dệt may Suminoe Việt Nam sẽ thuê một nhà máy để sản xuất các thiết bị sưởi ấm điện như thảm điện và chăn, với công suất sản xuất lớn hơn 30% so với nhà máy hiện có của công ty tại Trung Quốc.
Thiết bị sưởi ấm bằng điện là một trong những sản phẩm chủ chốt của Suminoe trong kinh doanh hàng hóa chức năng, được sản xuất ở nước ngoài duy nhất tại Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô Trung Quốc từ năm 2003.
Trước đó, vào năm 1994, Suminoe đã đặt viên gạch kinh doanh ở nước ngoài đầu tiên tại thị trường Thái Lan. Theo đó, Suminoe đã có 14 cơ sở tại 7 Quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Indonesia.
Có thể bạn quan tâm
Dệt may Việt loay hoay với “làm tất ăn cả”
10:59, 25/03/2018
Doanh nghiệp dệt may chật vật tìm đơn hàng mới
01:50, 03/08/2019
Doanh nghiệp dệt may Việt có làm chủ cuộc chơi trong EVFTA?
07:00, 04/08/2019
Ngành dệt may trước áp lực môi trường và "mở cửa" vào thị trường Châu Âu
11:15, 04/08/2019
Vào tháng giữa tháng 7 vừa qua, một nhà sản xuất hàng may mặc khác của Nhật Bản là tập đoàn Matsuoka đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam như một phần của chiến lược kinh doanh trung hạn để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Matsuoka thành lập một công ty con có tên là Công ty Annam Matsuoka May tiến tới xây dựng và vận hành nhà máy mới tại Nghệ An.
Đây là nhà máy thứ tư của Matsuoka tại Việt Nam, sau các nhà máy ở Phú Thọ, Bắc Giang và Bình Dương. Giống như ba nhà máy khác, nhà máy mới sẽ sản xuất hàng may mặc trên cơ sở nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM).
Được biết, doanh số bán hàng của Matsuoka ở nước ngoài trong năm tài khóa vừa qua lần lượt, Trung Quốc chiếm khoảng 60%, Bangladesh 25% và Việt Nam 10%.
Thông tin từ người đứng đầu Matsuoka cho biết, trong kế hoạch kinh doanh trung hạn của doanh nghiệp, sẽ giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc xuống khoảng 50% vào tháng 3 năm 2021 bằng cách chuyển trọng tâm sang Việt Nam, đồng thời để tránh chi phí sản xuất tăng.
Không chỉ trong bối cảnh của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, hòa chung xu hướng của xu hướng chuyển dịch đầu tư, mà ngay từ năm 2018, thị trường Việt Nam cũng ghi nhận xu hướng dòng vốn dệt may Nhật Bản đổ vào thị trường Việt Nam.
Khác với 2 doanh nghiệp kể trên, Itochu, tập đoàn có tiếng về thương mại, dệt may đã chi khoảng 46,9 triệu USD để mua thêm 10% cổ phần tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Giao dịch thành công đã giúp nâng tỷ lệ sở hữu của Itochu lên gần 15% và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Vinatex.
Được biết, Itochu xuất khẩu một lượng hàng may mặc từ Việt Nam trị giá trên 60 tỷ yên, tương đương khoảng 12.840 tỷ đồng mỗi năm, trong đó một nửa do Vinatex sản xuất. Itochu đặt mục tiêu tăng sản xuất gia công và tăng xuất khẩu lên 100 tỷ yên vào năm 2021.
Chính vì vậy, đánh giá về cơ hội mở ra cho doanh nghiệp và ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex cho rằng, cơ hội tăng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản ngày càng rõ ràng khi Itochu đầu tư lớn vào ngành dệt may Việt Nam.
Bên cạnh đó, Công ty Sakai Amiori (đến từ tỉnh Fukui, Nhật Bản) cũng đã kịp đầu tư vào Khu công nghiệp Phú Hà (Phú Thọ) để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, tận dụng thị trường rộng lớn của ngành dệt may khi Việt Nam tham gia CPTPP.
Dự án Nhà máy Sakai Amiori đã hoàn thành và chính thức được nhà thầu xây dựng bàn giao vào tháng 4/2017, hiện đã sản xuất và xuất khẩu ổn định.
Bức tranh dòng vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam sẽ còn sáng hơn nữa, khi mới đây, ông Hironoku Kitagawa - Trưởng đại diện tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội chia sẻ, theo khảo sát của Jettro đưa ra, có 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt trong phạm vi ASEAN, Việt Nam được đánh giá là thị trường hàng đầu và hấp dẫn.