Việc Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong đó có dệt may sẽ góp phần tạo thêm áp lực ra môi trường, liệu đây là thách thức đối với Việt Nam, đặc biệt sau ký kết EVFTA?
Áp lực "xuất xứ từ vải, sợi trở đi"
Ngành dệt may công nghiệp từ lâu đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế cũng như phục vụ đời sống của con người. Khi ngành dệt ngày càng được cải tiến với những kỹ thuật hiện đại thì môi trường lại càng bị tác động nghiêm trọng. Các sản phẩm càng bắt mắt và đa dạng thì những chất thải từ ngành công nghiệp này càng nguy hại và có tác động khôn lường đến hệ sinh thái.
Tăng trưởng nguồn nguyên phụ liệu trong nước đang là một trong những thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam. Đồng thời yêu cầu "xuất xứ từ vải, sợi trở đi" theo quy định của EVFTA vừa ký kết buộc dệt may sẽ phải chuyển hướng đầu tư sản xuất dệt, sợi và công nghiệp phụ trợ cho ngành. Việc xây dựng vận hành thêm các nhà máy dệt, sợi (xây dựng một ngành công nghiệp dệt may) sẽ góp phần tạo thêm áp lực ra môi trường. Trong khi hiện nay, Việt Nam cũng là một trong những nước có chỉ số ô nhiễm môi trường khá cao.Có thể bạn quan tâm
07:00, 04/08/2019
01:50, 03/08/2019
00:09, 31/07/2019
Sau ký kết EVFTA, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) có khẳng định: EU chỉ xây dựng hiệp định thương mại tự do với những đối tác quyết tâm cải cách rất sâu rộng, trong đó có những lĩnh vực trước đây không hoàn toàn gắn với thương mại ví dụ như lĩnh vực môi trường. Trong khi đó, ở Việt Nam có một thực tế là trước đây nhiều địa phương từ chối các doanh nghiệp của ngành dệt nhuộm vì quan ngại về môi trường.
Vậy sau ký kết EVFTA, các doanh nghiệp ngành dệt nhuộm có khả năng "gỡ điểm" cho chính mình, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ngành dệt may hay không?
"Xanh hoá" ngành dệt may Việt Nam
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhận định: trước đây việc một số địa phương từ chối các doanh nghiệp dệt may là do "nhận thức chưa toàn diện của các địa phương". Hiện nay, các hệ thống công nghệ xử lý nước thải trên thế giới tiên tiến vô cùng.
"Chúng tôi đầu tư vào các nhà máy xử lý nước thải mà khi chúng ta đứng sát nhà máy thì không ngửi thấy mùi, không nhìn thấy nước có màu đạm như trước đây nữa, bây giờ công nghệ xử lý toàn bộ, thậm chí đến giai đoạn thứ hai là tái sử dụng nguồn nước", ông Giang khẳng định.
Bàn về vấn đề áp lực môi trường từ ngành sản xuất dệt, sợi công nghiệp phụ trợ cho dệt may hậu EVFTA, ông Vũ Đức Giang cho hay: Luật môi trường của Việt Nam tiêu chuẩn rất cao, không khác gì luật môi trường của EU hay luật môi trường của Nhật Bản, thậm chí có những điều khoản có đòi hỏi còn cao hơn.
Còn ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thì cho rằng, từ EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, những nước phát triển, họ vẫn có ngành nhuộm và họ vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn môi trường ở đó. Đây là khâu cốt yếu, là năng lực quản lý của các cơ quan để hướng dẫn thực thi, đặc biệt là cấp địa phương, "thay vì doanh nghiệp nhuộm đến chúng ta trả lời là không thì chúng ta xây dựng cơ chế quản lý làm sao để doanh nghiệp đến đảm bảo được là làm với những tiêu chuẩn mà như nhà nước đã ban hành căn cứ trên những tiêu chuẩn quốc tế và chúng ta thực thi được những chuyện này".
Song song với đó, phía EU cũng có chương trình hỗ trợ kỹ thuật với Việt Nam, họ đặt trọng tâm rất lớn vào những vấn đề như môi trường, làm sao xây dựng được năng lực cho các cơ quan chúng ta thực thi thay vì đặt gánh nặng vào vai doanh nghiệp như trước đây.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) khuyến cáo, các doanh nghiệp lưu ý đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành có thể có ảnh hưởng nhất định đến môi trường như ngành dệt nhuộm là có cam kết trong hiệp định là sẽ không giảm việc thực thi hay là không hạ bớt các tiêu chuẩn về môi trường vì lí do ưu tiên cho thương mại.
Cho nên "chúng ta cần có một cái nhìn công bằng, chính xác xem nó vướng ở chỗ nào hay bất cập ở chỗ nào thì xử lý ở chỗ đó. Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu môi trường trong dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm" - bà Trang nhấn mạnh "thế giới đã thay đổi, công nghệ cũng thay đổi, nếu chúng ta dùng cái nhìn của công nghệ những năm 80 thế kỷ trước để nhìn bây giờ của ngành dệt may thì không còn phù hợp nữa, vậy nên chúng ta cần có cái nhìn chính xác vấn đề ở đâu, giải quyết ở đó".
Về phía đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang chia sẻ thêm: "Quan điểm của ngành dệt may Việt Nam là xanh hóa ngành dệt may Việt Nam, chúng tôi đã đặt mục tiêu tái tạo nguồn nước từ nhuộm cho các doanh nghiệp". Đối với các cơ quan quản lý địa phương theo ông Giang không cần quá lo lăng, "các khách hàng mua hàng của chúng ta còn đòi hỏi khắt khe hơn các địa phương, bởi nếu không tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng về luật môi trường, về thương mại với các khách hàng thì các đơn vị đó sẽ không bao giờ có các đơn hàng". Luật chơi có tính toàn cầu thì khách hàng sẽ đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thì chúng ta mới có đơn hàng và phát triển được doanh nghiệp.
Vì vậy, việc phát triển đầu tư sản xuất dệt, sợi và công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, theo ông Giang "việc tác động đến môi trường không đáng lo ngại nữa mà tôi cho là cần quan điểm của Chính phủ, của các địa phương tạo ra cái nhìn toàn diện hơn và tích cực hơn để tạo ra lực hút cho các nhà đầu tư FDI, đầu tư trong nước".