Mô hình khu công nghiệp sinh thái không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là giải pháp hiện thực để cân bằng giữa tăng trưởng công nghiệp và bảo vệ môi trường.
Với khoảng hơn 360 khu công nghiệp cùng diện tích gần 91.000 ha và triển vọng sẽ đạt con số hơn 600 vào năm 2030, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ chiến lược khi quy mô các khu công nghiệp truyền thống tăng nhanh nhưng cũng kéo theo áp lực lớn về môi trường và tài nguyên. Do đó, việc định hướng chiến lược để phát triển mạng lưới khu công nghiệp sinh thái mang tính cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thực tế tại Việt Nam cũng cho thấy, những dự án thí điểm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cũ) phối hợp cùng UNIDO và SECO đã đem lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, số lượng khu công nghiệp thí điểm chỉ chiếm con số khiêm tốn so với tổng cộng 430 trên cả nước, phản ánh sự phát triển manh mún và thiếu liên kết vùng, miền.
Bên cạnh đó, khi nhìn vào khung pháp lý, Nghị định 35/2022/NĐ‑CP và Thông tư 05/2025/TT‑BKHĐT đã đặt nền móng cho việc quy hoạch và thúc đẩy mô hình khu công nghiệp sinh thái. Các văn bản này quy định rõ tiêu chí đánh giá “sinh thái” bao gồm hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn (RECP) và cộng sinh công nghiệp – các yếu tố lõi trong chiến lược phát triển bền vững. Đồng thời, Luật Quy hoạch 2017 và Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia cũng tạo hành lang pháp lý để tích hợp mạng lưới khu công nghiệp sinh thái vào quy hoạch tổng thể, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Một trong những thành tựu đáng kể là dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” khởi động năm 2020 với ngân sách ODA hơn 1,6 triệu USD do SECO tài trợ. Chương trình tập trung vào các giải pháp RECP, đã hướng dẫn 88 doanh nghiệp áp dụng 217 giải pháp, tiết kiệm 2,9 triệu USD và giảm gần 9.000 tấn CO₂ mỗi năm. Điều này chứng tỏ hiệu suất kinh tế – môi trường rõ rệt khi doanh nghiệp chủ động tham gia mô hình.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang gặp nhiều thách thức lớn. Chi phí đầu tư hạ tầng khu công nghiệp sinh thái thường cao hơn 20–30% so với khu công nghiệp truyền thống. Các quỹ “tài chính xanh” tại Việt Nam vẫn hạn chế, còn cách tiếp cận công nghệ cộng sinh và xử lý tuần hoàn mới chỉ dừng ở giai đoạn ứng dụng thử nghiệm. Bên cạnh đó, khung pháp lý chưa đồng bộ giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường khiến nhiều nhà đầu tư và quản lý phải xử lý thủ tục rườm rà.
Cộng sinh công nghiệp, hay còn gọi là chia sẻ năng lượng và vật chất giữa các doanh nghiệp trong cùng khu công nghiệp, đòi hỏi mức độ tin cậy và hợp tác cao. Thực tế, ban quản lý các khu công nghiệp thường thiếu kinh nghiệm điều phối hoạt động sinh thái, trong khi doanh nghiệp ngại chia sẻ dữ liệu về tiêu thụ nguyên liệu và phát thải. Việc này làm chậm tiến trình thiết lập chuỗi cung ứng tuần hoàn nội khu và liên khu công nghiệp.
Trước thực trạng đó, quy hoạch mạng lưới khu công nghiệp sinh thái quốc gia được xác định là giải pháp tổng thể. Thông qua việc phân vùng theo sáu vùng kinh tế, Việt Nam có thể khai thác thế mạnh địa phương: vùng Đồng bằng sông Hồng ưu tiên khu công nghiệp sinh thái công nghệ cao; vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ tập trung chế biến khoáng sản, nông-lâm sản; vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chế biến nông-thủy sản gắn kinh tế tuần hoàn sinh khối. Cách tiếp cận này tối ưu hóa nguồn lực, tạo liên kết vùng và đẩy mạnh lợi ích kinh tế – xã hội – môi trường.
Tôi cho rằng, chúng ta nên tích hợp khu công nghiệp sinh thái với hành lang kinh tế xanh, trung tâm đổi mới sáng tạo và đô thị vệ tinh để hình thành “cụm công nghiệp sinh thái”. Mỗi cụm sẽ kết nối chặt chẽ các doanh nghiệp qua hệ thống xử lý nước thải chung, trao đổi phụ phẩm hữu cơ và năng lượng tái tạo, bước biến ý tưởng “mạng lưới tuần hoàn” thành hiện thực.
Về tổ chức, cần xây dựng bộ tiêu chí ưu tiên đầu tư cho khu công nghiệp sinh thái dựa trên quy mô, cam kết của chủ đầu tư, tiềm năng cộng sinh và mức độ hấp dẫn đầu tư. Ví dụ, nhóm khu công nghiệp sinh thái chuyển đổi từ khu công nghiệp hiện hữu như DEEP C Hải Phòng, VSIP Bắc Ninh đã chứng minh hiệu quả, trong khi nhóm khu công nghiệp sinh thái xây dựng mới tại Thái Nguyên, Khánh Hòa hướng tới công nghiệp sạch và năng lượng tái tạo.
Cuối cùng, tôi cho rằng, để mục tiêu quy hoạch mạng lưới khu công nghiệp sinh thái thành công, Việt Nam cần ưu tiên đào tạo nhân lực cho ban quản lý khu công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết qua cơ chế hỗ trợ tài chính xanh và minh bạch thông tin. Các trường đại học, viện nghiên cứu cũng phải sát cánh, đóng vai trò trung tâm đổi mới công nghệ và chuyển giao mô hình. Đây không chỉ là nhiệm vụ quản lý mà còn là cam kết phát triển bền vững cho thế hệ mai sau.