Hiện thực hóa quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Vũ Đức Tâm 11/11/2019 11:00

Đây được xem là tuyến vận tải hàng hóa bằng đường sắt triển vọng hiệu quả nhất của ngành đường sắt Việt Nam.

Dự án được kỳ vọng

Theo Báo cáo giữa kỳ, quy hoạch nghiên cứu, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có chiều dài 392km, đi qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và thành phố Hải Phòng. Đoạn tuyến đi qua thành phố Hải Phòng có chiều dài khoảng 50,3km, điểm đầu tại xã Quang Trung (huyện An Lão) và điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (huyện Cát Hải), đi qua 5 quận, huyện gồm: An Lão, Kiến Thụy, Dương Kinh, Hải An và Cát Hải.

Hướng phóng tuyến đường sắt được quy hoạch theo nét kẻ đỏ trên bản đồ

Hướng phóng tuyến đường sắt được quy hoạch theo nét kẻ đỏ trên bản đồ.

Trên đoạn tuyến này có 3 ga trung gian và 1 ga nhường - tránh. Quy mô kỹ thuật đạt tiêu chuẩn là đường sắt cấp 1; loại đường đôi (giai đoạn xây dựng đường đơn); tốc độ thiết kế 160km/h (từ Lào Cai – Hải Phòng mất 4h). Đường sắt được thiết kế có rào chắn, giao cắt với đường bộ đều được áp dụng nút giao khác mức, dự kiến tổng mức đầu tư (chưa bao gồm chi phí mặt bằng) ước khoảng 100 nghìn tỷ đồng.

Phó chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình đánh giá, đây là dự án lớn có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh liên kết vùng theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời góp phần khai thác hiệu quả Cảng nước sâu Lạch Huyện với vai trò là cảng cửa ngõ lớn nhất Việt Nam.

Cơ bản thống nhất với hướng tuyến đề xuất của Bộ giao thông vận tải đưa ra, ông Nguyễn Xuân Bình cho rằng, tuyến đường sắt này do không chỉ đơn thuần vận chuyển hàng hóa mà còn phục vụ vận chuyển cả hành khách, nên việc lựa chọn hướng tuyến phải đáp ứng các yêu cầu trên, bảo đảm kết nối một cách thuận tiện, hợp lý, đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông hiện có.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường sắt

Đường sắt được coi là một loại hình vận tải có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải về giá cả do chi phí vận hành thấp. Ở các nước phát triển thì đường sắt cáng đáng tỉ trọng tương đối lớn vận tải hàng hóa nội địa. Tuy nhiên điều đáng buồn là ở ta thì tỷ trọng này vô cùng thấp. Ví dụ điển hình là, theo con số của Cảng Hải Phòng thì tỷ lệ hàng rút khỏi các bến cảng của doanh nghiệp này chỉ chiếm hơn 1% tổng lượng hàng hóa thông qua cảng.

Nguyên nhân hiện trạng kể trên trước hết được cho là hệ thống đường sắt trong nước quá cũ kỹ, lạc hậu. Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng đã tồn tại như vậy hơn 100 năm qua không thay đổi. Không phủ nhận vai trò lịch sử của nó, thế nhưng khi đường bộ phát triển, vận tải hàng hóa đường sắt không còn cơ hội cạnh tranh. Cứ nhìn tuyến đường sắt Yên Viên – Cái Lân là thấy rõ. Ở đây “hiệu quả kinh tế” chỉ là... đủ chi phí vận hành.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng sẵn sàng bứt phá trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    Hải Phòng sẵn sàng bứt phá trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    10:59, 03/11/2019

  • Hải Phòng: Thách thức trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    Hải Phòng: Thách thức trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    05:22, 09/11/2019

  • Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng và các doanh nghiệp Nhật Bản làm việc với TP Hải Phòng

    Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng và các doanh nghiệp Nhật Bản làm việc với TP Hải Phòng

    12:32, 01/11/2019

  • Hải Phòng sẽ có Thành phố giáo dục quốc tế 13.000 tỷ đồng

    Hải Phòng sẽ có Thành phố giáo dục quốc tế 13.000 tỷ đồng

    09:00, 29/10/2019

  • Hải Phòng: Ngành Logistics nhiều tiềm năng nhưng chưa phát huy hết lợi thế

    Hải Phòng: Ngành Logistics nhiều tiềm năng nhưng chưa phát huy hết lợi thế

    17:15, 25/10/2019

  • Thống nhất chủ trương để Tập đoàn FLC đầu tư dự án gần 3.500 tỷ đồng tại Hải Phòng

    Thống nhất chủ trương để Tập đoàn FLC đầu tư dự án gần 3.500 tỷ đồng tại Hải Phòng

    15:18, 25/10/2019

Trở lại tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai từng được xem là tuyến vận tải hàng hóa bằng đường sắt hiệu quả nhất của ngành đường sắt. Tuyến đường sắt này gần như độc quyền về lợi thế khi kết nối cảng Hải Phòng và nguồn hàng dồi dào các tỉnh phía Bắc.

Trong khuân khổ mục tiêu xây dựng Vành đai kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Hà Nội – Hải Phòng, được biết trước đây, Bộ GTVT đã làm việc với một doanh nghiệp tư vấn Trung Quốc là Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện khảo sát thiết kế số năm Đường sắt Trung Quốc để lập quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Phương án xây dựng được lựa chọn là xây mới tuyến đường sắt này với khổ ray tiêu chuẩn 1.435mm, vận tốc thiết kế lên đến 160km/h. Tuyến đường này có chiều dài 392km đi qua địa phận 8 tỉnh, thành. Trên tuyến có 73 cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, trong đó phải xây mới 96 cầu; 25 hầm dài 25km; 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là 1 trong 2 tuyến đường sắt được ưu tiên nhất trong hệ thống đường sắt Việt Nam. Do đó, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp tục rà soát lại toàn tuyến, bảo đảm theo đúng quy hoạch và phù hợp với thực tế của các địa phương. Theo lộ trình, sau khi thông qua điều chỉnh báo cáo giữa kỳ, Bộ GTVT và cơ quan tư vấn tiếp tục bổ sung nghiên cứu, xây dựng báo cáo cuối kỳ để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 12-2019.

Vũ Đức Tâm