Hải Phòng có nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cảng biển và logistics. Tuy nhiên, sự bất cập trong vận hành khai thác cảng biển nên chưa phát huy được hết lợi thế dịch vụ này.
Trước tầm quan trọng đó, Khu công nghiệp DEEP C với sự hỗ trợ và ủng hộ của Đại sứ quán Vương quốc Bỉ đã tổ chức Hội nghị Cảng biển và Logistics Hải Phòng nhằm khởi động một cuộc thảo luận sâu rộng về cơ hội đầu tư và kinh doanh tại thành phố Hải Phòng, nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng cấp và phát triển mạnh mẽ những năm gần đây.
Đồng thời, tìm ra các giải pháp để tăng sức hấp dẫn của thành phố với nhà đầu tư, cũng như tìm kiếm giải pháp để giải quyết những khó khăn, trở ngại, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kết nối, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm logistics trong khu vực/
Phần thuyết trình của những diễn giả có tiếng nói từ các công ty tư vấn bất động sản toàn cầu, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, các công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics và phát triển khu công nghiệp, mang đến những cái nhìn đa dạng và nhiều chiều về bức tranh logistics của Hải Phòng và miền Bắc Việt Nam, đồng thời tìm hiểu cách thức giúp ngành logistics tại Hải Phòng tận dụng tối đa tiềm lực của Hải Phòng.
MR. Stephen Wyatt - chuyên gia tư vấn công ty tư vấn Jones Lang LaSalle chia sẻ: Hải Phòng có những tiềm năng đặc biệt về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư,… để phát triển dịch vụ logistics. Hải Phòng có số doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong ngành Logistics khá lớn. Có khoảng 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia như MOL, Maersk–line, Mitsui O.S.K line, APL, Wan Hai, Gemadept, DHL, FedEx, UPS,…. Số lao độnglogistics khoảng 175.000 người (chiếm xấp xỉ 20% lao động logistics cả nước).
MR. Stephen Wyatt - chuyên gia tư vấn công ty tư vấn Jones Lang LaSalle chia sẻ về tiềm năng của Logistics Hải Phòng
Chuyên gia MS Phan Thị Hồng Hải - Tập đoàn Hateco nhấn mạnh: Trong thời gian qua, Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành logistics nói riêng và các doanh nghiệp logistics nói chung. Các cấp ngành liên tục báo cáo tình hình cũng như định hướng và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp logistics.
Sau khi phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 18/7/2018 về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistic, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sẽ tạo động lực phát triển cho logistics cả nước nói chung và logistics Hải Phòng nói riêng.
Cùng chung nhận định, nhiều doanh nghiệp tại Hải Phòng cho rằng, phần lớn thị phần logistics ở Việt Nam nói chung và logistics tại Hải phòng nói riêng hiện nay đều do các công ty logistics nước ngoài chiếm thị phần chủ yếu (chiếm 75-80% thị phần).
Quy mô thị trường dịch vụ logistics tại Hải Phòng có tốc độ tăng trưởng cao (20÷25% năm giai đoạn 2016–2020). Khối lượng hàng hóa qua cảng biển tăng trưởng đều và bền vững qua các năm. Dự báo năm 2020 đạt 109÷114 triệu tấn; năm 2025 đạt 161,4–181,5 triệu tấn và năm 2030 là 178,5÷210 triệu tấn.
Cảng Hải Phòng là cụm cảng biển lớn nhất khu vực miền Bắc và đa dạng các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không kết nối với cả nước cùng hệ thống kho bãi đa dạng, các khu công nghiệp phát triển cùng với hàng hóa của các tỉnh, thành phố Miền Bắc tạo nguồn hàng dồi dào cho hoạt động xuất nhập khẩu thông qua Cảng Hải Phòng. Từ đó Hải Phòng có đủ các điều kiện để phát triển ngành dịch vụ logistics, làm động lực thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, với vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng như vậy nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết lợi thế đã có. Hoạt động logistics của Hải Phòng chủ yếu tập trung tại công tác vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng, những khâu tạo ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.
Trong đó, dịch vụ vận tải đường bộ được cung cấp bởi hàng trăm doanh nghiệp, phần lớn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố đã gây ra nhiều bất cập như: Cạnh tranh không lành mạnh, khai thác không hiệu quả; Chi phí vận tải còn cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ, xe đa phần chạy hàng một chiều), tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp; Chưa giảm được thời gian gom hàng, trả hàng, làm thủ tục, khiến tăng thêm về chi phí.
Được biết, lũy kế từ khi hoạt động đến hết quý 3/2019, các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng đã thu hút hơn 20 dự án về logistics với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 180 triệu USD.
Có thể bạn quan tâm