[Tác động của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam] (Bài 4) Nông lâm nghiệp, thuỷ sản “giảm tốc”

Lam Song 14/02/2020 05:00

Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tới sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản Việt Nam do kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc giảm.

Ngay từ đầu năm, tác động biến đổi khí hậu xuất hiện đã gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng lớn tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Ở diễn biến khác, dịch tả lợn châu Phi tuy có giảm nhưng chưa được khống chế hoàn toàn cũng gây khó khăn cho công tác tái đàn; dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát tại Việt Nam khi đàn gia cầm hiện nay đang rất lớn.

Từ đầu tháng 01/2020 đến nay, cả nước xảy ra 04 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, đầu năm 2020 Trung Quốc phát hiện một ổ dịch cúm A (H5N1) gia cầm tại tỉnh Hồ Nam, nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới ở Việt Nam rất cao.

Thị trường nhiều mặt hàng nông sản tiếp tục xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.

Thẻ vàng xuất khẩu thủy sản khai thác biển do Ủy ban châu Âu đưa ra chưa được gỡ bỏ, ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản khai thác biển.

Có thể bạn quan tâm

  • [Tác động của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam] (Bài 1) Sản xuất kinh doanh bị đình trệ

    [Tác động của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam] (Bài 1) Sản xuất kinh doanh bị đình trệ

    20:41, 12/02/2020

  • [Tác động của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam] (Bài 2) Hai kịch bản đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu

    [Tác động của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam] (Bài 2) Hai kịch bản đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu

    06:00, 13/02/2020

  • [Tác động của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam] (Bài 3) Du lịch, hàng không “dính đòn”

    [Tác động của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam] (Bài 3) Du lịch, hàng không “dính đòn”

    11:00, 13/02/2020

Thời gian vừa qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã và đang lây lan nhanh tại Trung Quốc gây ảnh hưởng tới sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản Việt Nam do kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc giảm, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào thời gian và diễn biến dịch.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, chăn nuôi lợn chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch tả lợn Châu phi, nếu năm 2020 dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, chăn nuôi lợn hồi phục thì mức tăng trưởng ngành chăn nuôi sẽ tăng cao đặc biệt trong quý III và quý IV.

Bên cạnh đó, với việc EVFTA được thông qua và sớm có hiệu lực, khi đó, hầu hết các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào EU được hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó khuyến khích, thúc đẩy sản xuất trong nước do tăng cầu từ thị trường, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản và sản phẩm gỗ.

Đặc biệt, diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 tại Trung Quốc trong những ngày gần đây đã tác động không chỉ đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản mà còn tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nước.

Xuất khẩu sang Trung Quốc có xu hướng giảm đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng xuất khẩu qua phương thức xuất khẩu biên giới đất liền lớn như: rau, quả; sắn và các sản phẩm sắn; hạt điều; dăm gỗ;... Nguyên nhân nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cho tiêu dùng và làm nguyên liệu chế biến giảm, giao thương biên giới bị hạn chế để tránh lây lan dịch,...

Nguyên liệu phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc giảm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, đặc biệt là các sản phẩm Việt Nam phải nhập khẩu lớn từ Trung Quốc như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,..

Trong đó, phân bón nhập bình quân khoảng 1,5 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 380 – 420 triệu USD/năm (chiếm 38 – 39,7% tỷ trọng phân bón nhập khẩu); thuốc từ sâu và nguyên liệu nhập khoảng 450 – 462 triệu USD/năm (chiếm 51 – 53,6% tỷ trọng nhập khẩu sản phẩm này); gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu khoảng 450 – 650 triệu USD/năm (chiếm 34,3% tỷ trọng),…

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tác động của dịch COVID-19 trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn tùy thuộc vào thời gian kéo dài của dịch bệnh.

Do đó, Bộ này dự kiến kịch bản tăng trưởng ngành như sau.

Kịch bản 1, nếu dịch COVID-19 kết thúc cuối quý I/2020, thì các sản phẩm nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc giảm từ 250-300 triệu USD.

Các các mặt hàng trái cây bị giảm như: Thanh long, dưa hấu (giảm khoảng 50-60 triệu USD); cao su (giảm khoảng 10-20 triệu USD); cà phê, chè (giảm khoảng 10-20 triệu USD mỗi loại); thủy sản như cá tra phile, tôm đông lạnh (giảm khoảng 50-60 triệu USD), tinh bột sắn (giảm khoảng 60-80 triệu USD).

Do thị trường xuất khẩu các mặt hàng kể trên chủ yếu là Trung Quốc nên có tác động làm giảm sản xuất trong nước do giá thu mua xuất khẩu giảm và một phần khi giá thu mua quá thấp người dân bỏ không thu hoạch.

Kịch bản 2, nếu dịch COVID-19 kết thúc cuối quý II/2020, ước tính các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm giảm khoảng 600 - 800 triệu USD.

Các mặt hàng rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn phụ thuộc sâu vào thị trường Trung Quốc, ít thị trường thay thế, có khả năng giảm từ 20-30% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, tương đương với 300 - 450 triệu USD hàng rau quả và 80 - 120 triệu USD mặt hàng sắn và sản phẩm từ sắn.

Ngoài ra, cao su giảm khoảng 40 triệu USD; cà phê, chè giảm khoảng 20 - 30 triệu USD; thủy sản giảm khoảng 100 triệu USD; dăm gỗ giảm 40-50 triệu USD.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm nên sản xuất giảm.

=>>> Mời độc giả đón đọc Bài 5: Kịch bản tăng trưởng cho ngành công nghiệp?

Lam Song