[Tác động của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam] (Bài 3) Du lịch, hàng không “dính đòn”

Diendandoanhnghiep.vn Vận tải hàng không chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch COVID-19 gây ra. Cùng với đó, số lượng khách du lịch từ các quốc gia cũng sẽ giảm mạnh.

Lĩnh vực du lịch "ngấm đòn"

Thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất, trung bình khoảng 30% trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam và luôn có khoảng cách lớn so với các thị trường khách lớn khác như Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan...

Cục Hàng không đã có lệnh tạm thời hủy tất cả các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc và ngược lại từ chiều ngày 01/2/2020, tỉnh Quảng Ninh đã đóng cửa tất cả các đường mở, lối mòn biên giới với Trung Quốc và Chính phủ đã tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc từ 30/1/2020 nên số lượng khách Trung Quốc đến nước ta giai đoạn có dịch là bằng 0.

Trong báo cáo gửi thường trực Chính phủ về tác động của dịch COVID-19 đến kinh tế - xã hội Việt Nam mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo một số tác động đến ngành du lịch như sau:

Đối với khách Trung Quốc

Khách Trung Quốc đến nước ta bình quân mỗi quý năm 2019 khoảng 1,45 triệu khách. Trong tháng 1/2020, lượng khách Trung Quốc đến nước ta là 644,7 nghìn lượt khách.

Kịch bản 1: Dịch COVID-19 kết thúc cuối quý I/2020, lượng khách Trung Quốc trong quý I là 644,7 nghìn lượt khách, giảm so với trường hợp không có dịch khoảng 800 nghìn lượt khách.

Kịch bản 2: Dịch COVID-19 kết thúc cuối quý II/2020, lượng khách Trung quốc đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sẽ giảm khoảng 2,3 triệu lượt khách so với trường hợp không có dịch.

Đối với khách quốc tế đến từ các quốc gia khác

Cũng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm COVID-19. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.

Dựa vào kết quả điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, khách Trung quốc đến nước ta chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD/1 khách, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141,5 USD/1 khách.

Theo tính toán, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc công ty lữ hành Vietravel cho biết, hiện khoảng 70% khách hàng tại Việt Nam và 6 quốc gia Vietravel đặt văn phòng đã hủy tour hoặc dời ngày khởi hành vì e ngại dịch bệnh. Không riêng các tour đi Trung Quốc, các tour du lịch nội địa cũng chịu chung số phận.

"Du lịch vốn dĩ là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều nhóm ngành khác như vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống..., vì vậy bất kỳ tác động nào tới những nhóm ngành khác, du lịch sẽ bị ảnh hưởng", ông Kỳ nhận định.

Không chỉ Vietravel, các ngành du lịch, hàng không, logistics và xuất nhập khẩu là những nhóm ngành đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh do COVID-19 gây ra.

Vận tải hàng không ảnh hưởng nặng nề

Cùng với lĩnh vực du lịch, vận tải hàng không chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch COVID-19 gây ra.

Hiện tại có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần.

Nhiều hãng hàng không VN đang chịu thiệt hại nặng vì nCOV - Ảnh: TRUNG HÀ

Nhiều hãng hàng không Việt Nam đang chịu thiệt hại nặng vì nCOV - Ảnh: Trung Hà/TT

Về phía Việt Nam cũng từ 5 thành phố trên, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần.

Như vậy, trước lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ chiều ngày 01/02, tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hủy chuyến.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp sau khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như: tạm dừng khai thác các chuyến bay giữa Việt Nam - Trung Quốc, dừng nhập cảnh hành khách đã qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày và do ảnh hưởng dây chuyền của các thị trường quốc tế (đặc biệt là Hong Kong, Đài Loan và Macau) và nguồn khách quốc tế trên thị trường nội địa.

Với các hãng hàng không Việt Nam, đường bay Việt Nam - Trung Quốc chiếm 18,1% thị trường quốc tế và chiếm 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế. 

Việc dừng khai thác thị trường này khiến các hãng hàng không Việt Nam mất doanh thu của trung bình 400.000 khách/tháng và một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này trên các đường bay nội địa. 

Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt Nam còn phải mất thêm nhiều chi phí liên quan đến việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, chi phí liên quan đến công tác vệ sinh phòng dịch...

Thống kê của Cục Hàng không từ ngày 1-7/2 (1 tuần sau khi dừng khai thác đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc), tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so với cùng kỳ 2019 (thị trường quốc tế giảm 14,1%).

Cục Hàng không dự kiến các kịch bản: Nếu đến tháng 42020 hết dịch viêm phổi cấp do COVID-19, lượng khách thông qua các sân bay của Việt Nam đạt khoảng 119 triệu (giảm 2,1% so với cùng kỳ); nếu tháng 6/2020 hết dịch, lượng khách thông qua khoảng 111,6 triệu (giảm 4,2%); nếu tháng 8/2020 hết dịch, lượng khách thông qua khoảng 98,5 triệu (giảm 15,5%).

Vận tải đường bộ và đường sắt cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.

Theo đánh giá kịch bản tăng trưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong trường hợp dịch COVID-19 kết thúc trong quý I thì theo giá so sánh giá trị tăng thêm ngành vận tải chỉ tăng 5,1% trong quý I và tăng 6,12% trong quý 2. Trong trường hợp dịch được kết thúc trong quý II thì giá trị tăng thêm ngành vận tải, kho bãi chỉ tăng 5,1% trong quý I và 6% trong quý II.

=>>> Mời độc giả đón đọc Bài 4: Nông lâm nghiệp, thuỷ sản “giảm tốc”

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [Tác động của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam] (Bài 3) Du lịch, hàng không “dính đòn” tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714254720 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714254720 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10