Thấy gì từ con số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng trong quý 1/2020?
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao. Điều này có đáng lo ngại. Thực tế là có nhưng đáng lo ở mức độ nào thì cần phải xem xét thấu đáo ở nhiều góc độ…
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2020, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 243,7 nghìn lao động, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và giảm 23,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả 552,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 9,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I/2020 là 903,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn vào tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng lớn bởi tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp đang e ngại trong việc đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, còn có 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với quý I/2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2020 lên 44,5 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tổng quan cả quý I/2020, với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19 gây ra cùng với tác động cộng hưởng từ những yếu tố khác, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong Quý I/2020 có xu hướng chững lại, tỷ lệ gia tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Đây là một trong những mức gia tăng số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất của quý I giai đoạn từ 2015-2019 (so với mức tăng trung bình là 10,9%). Điều này cho thấy tinh thần khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp thời điểm này đã và đang bị ảnh hưởng đáng kể.
Số liệu tiếp theo đưa ra là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 3 tháng đầu năm là 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 20,6%, trong đó có 2.629 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm từ năm 2018. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong quý I/2020 là 4,1 nghìn doanh nghiệp, tương đương với cùng kỳ năm trước.
Nhìn vào con số này thấy rõ tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.
"Đáng lo ngại" là cụm từ Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dùng khi đề cập đến số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2020 giảm so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ này của quý I/2019 so với quý I/2018 tăng đến 78,1%. Nhưng đáng lo ngại tới mức nào thì phải xem xét thấu đáo ở nhiều phương diện.
Có thể bạn quan tâm
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TUẦN TỪ 23-28/3] Còn người-còn doanh nghiệp; Thực hiện đợt cao điểm phòng, chống COVID-19
05:30, 28/03/2020
[GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Hỗ trợ doanh nghiệp, nhà băng nỗ lực "vượt qua chính mình"
05:15, 28/03/2020
[COVID-19] Doanh nghiệp có cần “ngủ đông”?
02:16, 28/03/2020
[Điểm tin ngày 27/3] Đề xuất nâng gói hỗ trợ lên hơn 80.000 tỷ "cứu" doanh nghiệp
13:20, 27/03/2020
Hài hòa quan hệ lao động: Còn người - còn doanh nghiệp!
11:30, 27/03/2020
Doanh nghiệp Nghệ An lao đao vì dịch COVID -19: Kỳ II: Doanh nghiệp “nghẹt thở” vì dịch COVID-19
09:35, 27/03/2020
Tiến sĩ Lê Đức Hoàng và nhóm giảng viên thuộc Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp – Viện Ngân hàng tài chính – Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở diện rộng đã khiến cho đầu vào và đầu ra của thị trường bị thu hẹp, đa số doanh nghiệp bị giảm doanh số, mất doanh thu.
Theo kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân với hơn 1.200 doanh nghiệp cho thấy, nếu dịch COVID-19 kéo dài đến hết tháng 6/2020, có 30% doanh nghiệp bị giảm từ 20% đến 50% doanh thu và có tới 60% doanh nghiệp giảm hơn một nửa doanh thu, tập trung vào các ngành dệt may, hàng không, du lịch lữ hành, lưu trú, bán lẻ, kinh doanh ăn uống, nông nghiệp, giáo dục...
TS Lê Đức Hoàng cũng cho biết, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa, hoặc siêu nhỏ. Khi khủng hoảng diễn ra, tác động đầu tiên tới các doanh nghiệp này là gián đoạn hoạt động ngắn hạn, thậm chí một số doanh nghiệp phải đóng cửa giải thể. Vì vậy, việc hỗ trợ dòng tiền và tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt cho một số ngành, lĩnh vực kinh doanh đặc thù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19 như du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu là cần thiết.
Ở một góc độ khác, chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp giải thể không hẳn là tín hiệu xấu. Doanh nghiệp phá sản, giải thể, xét ở một góc độ tích cực, là để thanh lọc doanh nghiệp.
“Vấn đề của kinh tế Việt Nam, như tôi nói lâu nay là mặc dù tăng trưởng tốt, nhưng nền tảng còn yếu. Cho nên, đây cũng là dịp thanh lọc” – TS Trần Đình Thiên nhận định. Trước mắt nên kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn bởi tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Nhưng nếu con số doanh nghiệp “ra đi” lớn thì sẽ là điều đáng lo ngại.
Ông Nguyễn Tất Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động là quá trình đào thải tất yếu của thị trường. Song, khi một nền kinh tế có quá nhiều doanh nghiệp phá sản cũng sẽ mang đến nhiều hệ lụy về cả kinh tế và xã hội như việc làm cho lao động, môi trường sinh thái cũng là vấn đề đáng lưu ý khi nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động.
Nói như TS Trần Đình Thiên, người ta vẫn nói "trong nguy có cơ", rằng cần tận dụng "cơ trong nguy". Song phải hiểu nhiệm vụ cơ bản bây giờ là "trụ vững" chứ không phải là ra sức tìm kiếm "cơ trong nguy" theo nghĩa "kiếm chác". Cái "cơ" tầm chiến lược sẽ chỉ biến thành lợi ích thật sự khi nền kinh tế và đa số doanh nghiệp trụ vững trước cơn cuồng phong này.
Cơ hội sẽ không mất đi. Dịch COVID-19 thực sự là cơ hội hiếm có để ta nhìn lại ta, nhìn rõ ra thực trạng nền kinh tế, để quyết tâm thay đổi căn bản cả cơ cấu và cơ chế vận hành của chính doanh nghiệp.
Đây cũng phù hợp với số liệu đã nói ở trên. Một số lượng lớn doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi cùng chung tay với cộng đồng chống dịch COVID-19 nhưng đồng thời chúng ta tin tưởng rằng họ - những doanh nghiệp đang chuẩn bị sức mạnh nội lực để khi dịch bệnh qua đi, sẽ lại “vươn lên” mạnh mẽ và tăng tốc phát triển nền kinh tế như Thánh Dóng thuở nào…