"Tăng tốc"... cao tốc Bắc - Nam
Để 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam khởi công trong tháng 8/2020 thì yêu cầu tiên quyết là phải bàn giao mặt bằng toàn bộ bằng trong tháng 6/2020.
Khi cầu chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và người dân giảm mạnh, Nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính. Do vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh đến nền kinh tế, đầu tư công được đánh giá là có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.
Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã chuyển 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công và yêu cầu khởi công trong tháng 8/2020.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Để đảm bảo tiến độ đặt ra thì yêu cầu cần thiết và cấp thiết là phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đây cũng là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp trực tuyến với 13 địa phương có dự án cao tốc Bắc-Nam đi qua để đốc thúc công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Trên thực tế, sau một năm thực hiện, các địa phương đã chi trả cho người dân và bàn giao được 70% diện tích mặt bằng của 11 dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Chính phủ, phải có mặt bằng sạch trong tháng 6/2020 để triển khai đồng loạt các gói thầu cao tốc Bắc - Nam trên cả nước trong tháng 8/2020. Đây sẽ là một khó khăn thách thức rất lớn khi khối lượng 30% còn lại chủ yếu là đất ở, tái định cư và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.
Ông Thể cho rằng, trách nhiệm của Bộ GTVT và các địa phương trong giai đoạn tới rất nặng nề. Nếu chúng ta không vào cuộc quyết liệt, không có giải pháp hiệu quả sẽ rất khó hoàn thành công tác GPMB trong tháng 6/2020 theo chỉ đạọ của Thủ tướng Chính phủ. Về phía Bộ GTVT, ông Thể yêu cầu giám đốc các Ban quản lý dự án phải sâu sát, quyết liệt cùng chính quyền địa phương vào cuộc để xử lý ngay các vướng mắc trong công tác GPMB. Dự án nào làm chậm, Bộ GTVT sẽ xử lý ngay giám đốc của ban quản lý dự án đó.
Đồng thời Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị đưa công tác GPMB các dự án cao tốc Bắc - Nam vào chương trình làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tập trung chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị địa phương cùng vào cuộc quyết liệt, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các tập thể, cá nhân để hoàn thành toàn bộ công tác GPMB các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT): 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam dài 654 km, đi qua 13 tỉnh với diện tích đất cần thu hồi khoảng 4.835 ha, khoảng 3.690 hộ dân phải tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, tổng kinh phí phục vụ GPMB khoảng 12.401 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được khoảng 457,42 km (đạt 70%). Trong số 114 khu tái định cư phải xây dựng, hiện các địa phương đã phê duyệt xong 36 khu, đang triển khai xây dựng 35 khu. Còn lại 78 khu tái định cư đang được các địa phương tiến hành công tác khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế. Về các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB, 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phải di dời 1.245 vị trí hạ tầng đường điện, hơn 25 km đường ống nước các loại và hơn 46 km cáp viễn thông.
Có thể bạn quan tâm
Chính phủ dồn lực làm sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam
14:00, 21/10/2019
Cao tốc Bắc - Nam: Tuyển chọn nhà đầu tư theo hướng “lời ăn lỗ chịu”
11:00, 15/10/2019
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Rào cản năng lực và tín dụng
11:01, 14/10/2019
Giải quyết nỗi lo "đói" vốn cho các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam
16:03, 01/10/2019
Hủy đấu thầu quốc tế, cao tốc Bắc - Nam sẽ triển khai thế nào?
00:00, 26/09/2019
Hãy tạo “tấm lưới an toàn” cho cao tốc Bắc - Nam (Kỳ II): Hóa giải “chiêu thức” hạ giá để trúng thầu?
11:07, 12/09/2019
Đường bộ cao tốc Bắc - Nam: Tiêu chí sơ tuyển đang “thách đố” doanh nghiệp nội?
00:32, 16/08/2019
Đấu thầu tuyến đường cao tốc Bắc - Nam: Sẽ có doanh nghiệp Việt
00:59, 02/08/2019
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Cục QLXD&CLCTGT cho biết, năm 2019, có 10/11 dự án đã cấp 5.185,58 tỷ đồng, các địa phương đã giải ngân 4.748,08 tỷ (đạt 91,6%) cho công tác GPMB. Năm 2020, 10/11 dự án đã cấp 5.103,537 tỷ đồng, hiện các địa phương mới chỉ giải ngân 255,50 tỷ (đạt 5%). Nguyên nhân khiến, tiến độ giải ngân 3 tháng đầu năm 2020 đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam chậm do phụ thuộc nhiều vào tiến độ GPMB của các địa phương, chỉ giải ngân xây lắp được cho 3 dự án đầu tư công.
Chẳng hạn, đối với công tác GPMB, do khối lượng còn lại liên quan đến đất ở, tái định cư và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật cần có thời gian để thẩm định, phê duyệt phương án đền bù, công khai phương án đền bù, phê duyệt thiết kế, đấu thầu khu tái định cư, di dời hạ tầng, phần còn lại của đất nông nghiệp hiện còn vướng mắc do chưa xác định được nguồn gốc đất, chủ sở hữu,...
Đặc biệt, do có sự điều chỉnh về khung giá đất năm 2019 và năm 2020 nên cần phải phê duyệt điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo khung giá đất mới gây mất thời gian. Ngoài ra, khối lượng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, tuy nhiên tiến độ triển khai công tác lập phương án, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB của các chủ quản lý sử dụng công trình còn chậm nên không đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng.
Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu chậm nhất tới tháng 6 phải giải ngân hết 6.000 tỉ đồng thuộc kế hoạch vốn của năm 2020. Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi các Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị đưa công tác GPMB dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào công việc mang tính đột xuất, quan trọng để các địa phương vào cuộc quyết liệt.
Bộ GTVT quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch khoảng 35.000 tỷ đồng. Hàng tháng, ban nào giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước sẽ bị kiểm điểm.
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT :
Không thể khoán trắng cho địa phươngThực tế cho thấy, tại các địa phương có sự vào cuộc của Bí thư, Chủ tịch tỉnh thì công tác GPMB được tiến hành rất nhanh. Vì vậy, tỉnh nào còn chậm thì phải báo cáo kịp thời với lãnh đạo tỉnh để tháo gỡ. Đối với các Ban Quản lý dự án, việc đền bù GPMB là trách nhiệm của địa phương nhưng Bộ GTVT muốn lấy mặt bằng nhanh thì thì phải tích cực vào cuộc, không thể giao trắng cho địa phương.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa:
Bố trí đủ vốn GPMBHiện nay, tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị chậm, vì vậy đề nghị các Ban Quản lý dự án sớm tham mưu cho Bộ GTVT chấp thuận phương án di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là công trình về điện lưới. Đồng thời, các Ban Quản lý dự án sớm có ý kiến chấp thuận phương án tổng thể và chi phí GPMB các dự án thành phần theo đề nghị của tỉnh tại các văn bản đã gửi Bộ. Đặc biệt, bố trí đủ vốn GPMB cho UBND các huyện để thực hiện GPMB năm 2020 theo đăng ký là gần 1.365 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự án có liên quan đến phần GPMB Dự án thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm, tháo gỡ.