"Thắp sáng" kinh tế ban đêm: (Kỳ 2) Thách thức cân bằng lợi ích

Thy Hằng 15/05/2020 05:50

Thách thức là phải cân bằng nhu cầu của những người làm việc vào ban đêm, những người muốn tiệc tùng và những người chỉ muốn một đêm ngon giấc.

Những lợi ích của phát triển kinh tế ban đêm với ngành du lịch là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là phải cân bằng nhu cầu của từng nhóm đối tượng liên quan.

Phát triển kinh tế ban đêm đã được xác định

Phát triển kinh tế ban đêm được đánh giá là động lực mới cho phát triển kinh tế. Ảnh: Quốc Tuấn

Phân khu cho phát triển

Theo ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel, ban đêm là thời gian người dân nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả, nên chúng ta cần cân nhắc yếu tố an sinh đầu tiên. Mặt khác, kinh tế đêm đòi hỏi các sản phẩm, dịch vụ phải thú vị, đa dạng, đúng, trúng nhu cầu, mong muốn vui chơi giải trí của du khách khi màn đêm buông xuống.

“Chúng ta không chỉ cần quy định, sự cho phép kinh doanh ban đêm từ phía các cơ quan quản lý nhà nước mà hơn hết, các cơ quản lý vĩ mô phải định hướng, dẫn dắt, quản lý, và tổ chức cơ bản hoạt động kinh tế đêm”, ông Tài kiến nghị.

Cùng với đó, theo CEO VietSense Travel, các cơ quan quản lý nhà nước cần “gạch đầu dòng” được tất cả những dịch vụ có thể hoạt động vào ban đêm như: biểu diễn văn hóa nghệ thuật, khu ẩm thực, khu mua sắm và kinh doanh hàng hóa, những trung tâm giải trí, du lịch về ban đêm...và sắp xếp theo khung giờ hoạt động.

Cần phân tích tính chất của từng hoạt động này sau đó sắp xếp thành chuỗi liên hoàn khép kín, không chồng chéo lên nhau và phủ kín khoảng thời gian ban đêm. Như vậy mới tạo ra được nền kinh tế đêm phát triển.

Chia sẻ về đặc điểm chung của tất cả các nước phát triển kinh tế đêm, ông Tài cho rằng, các nước đều đảm bảo vị trí ít ảnh hưởng đến đời sống ban đêm của người dân và thuận tiện cho du khách.

“Thông thường, những điểm đến mới thì quy hoạch khu kinh tế đêm ở khu vực trung tâm. Với những điểm đến đã tồn tại rồi thì địa phương có chính sách giãn dân. Khu kinh tế đêm thường nằm giữa hoặc bên cạnh những trung tâm du lịch”, CEO VietSense Travel nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các dịch vụ ban đêm có sự phức tạp, nên bên cạnh những mặt tích cực, cần phòng ngừa các tiêu cực. Vì vậy, cần có khu riêng. Trên thế giới họ quy hoạch kinh tế ban đêm thành khu riêng biệt. Ở đấy chuyên phát triển dịch vụ ban đêm, không để lẫn lộn vào các khu vực gần trường học, nhà dân.

Mỗi nơi có khu riêng, như Singapore có khu ẩm thực của người Hoa, người Ấn Độ; có những khu vũ trường, giải trí… Ai muốn thì đến và có hướng dẫn chứ không giấu diếm. Các phương tiện giao thông vẫn tấp nập và tiện lợi. Do đó hãy mạnh dạn thay đổi tư duy và tiến bước.

Các chuyên gia và doanh nghiệp cũng đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương trong vai trò tổ chức, sắp xếp cơ bản một thị trường đêm.

“Phải sắp xếp, phân khu cho từng đối tượng, tránh cạnh tranh không lành mạnh cũng như phải đảm bảo giảm tối đa hoặc không có những vụ việc tiêu cực, tệ nạn như trộm cắp. Vì chỉ khi chính quyền địa phương đảm bảo được an ninh an toàn, du khách mới tự tin mang nhiều tiền, tài sản có giá trị cao theo để phục vụ chi trả những dịch vụ họ hưởng thụ, thay vì lúc nào cũng sợ mang tiền, điện thoại sẽ bị ăn cắp, móc túi...”, ông Nguyễn Văn Tài đề xuất.

Thu hút nhà đầu tư lớn

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia kinh doanh khu dịch vụ kinh tế đêm và đảm bảo lợi ích cho họ. Chẳng hạn, đảm bảo không xảy ra vấn đề cạnh tranh không lành mạnh.

“Để phát triển kinh tế ban đêm cần có quy hoạch cụ thể, ban đầu nên chỉ cho những nhà đầu tư lớn, dịch vụ chất lượng cao, không nên phát triển đại trà trong khi chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ”, ông Đặng Huy Hải, Phó tổng giám đốc WMC Group đề xuất. 

Đồng quan điểm, chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, cần thu hút những nhà đầu tư lớn vì họ có kinh nghiệm và vận dụng các mô hình quốc tế. Ngoài ra, họ có nhân lực được đào tạo, có nguồn lực tài chính. “Nếu để doanh nghiệp lớn làm, họ có quy trình và có tính chuyên nghiệp cao. Tôi rất hoan nghênh những tập đoàn lớn có thể đầu tư vào đấy. Tôi nghĩ hành động là cần thiết”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia, hiện đang thiếu khuôn khổ pháp lý và còn sự dè dặt của cơ quan nhà nước và địa phương.

“Để kinh tế ban đêm có thể trở thành khu vực kinh tế hiện đại, có tính chuyên nghiệp, tôi rất hy vọng có sự kết hợp giữa một số tập đoàn lớn và các chính quyền địa phương là trung tâm du lịch ở nước ta và có thể thực hiện sớm”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Đồng thời cho rằng, điều này sẽ tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập người lao động tăng. Khi đó, chắn chắn thu hút được khách du lịch. Du khách cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn và ở lại lâu hơn. Qua đó, đóng góp vào thu ngân sách địa phương tăng lên, đóng góp của kinh tế ban đêm vào GDP cũng sẽ tăng lên.

Có thể bạn quan tâm

  • "Thắp sáng" kinh tế ban đêm: (Kỳ 1) Vực dậy du lịch hậu COVID-19

    05:30, 14/05/2020

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Kiến nghị nhanh chóng khai thác

    Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Kiến nghị nhanh chóng khai thác "kinh tế ban đêm" trên toàn quốc

    13:00, 09/05/2020

  • Thí điểm kinh tế ban đêm

    Thí điểm kinh tế ban đêm

    13:22, 29/11/2019

  • "Tôi mong các thành phố lớn phát triển kinh tế ban đêm"

    16:50, 08/11/2019

Thy Hằng