"Thắp sáng" kinh tế ban đêm: (Kỳ 1) Vực dậy du lịch hậu COVID-19

Thy Hằng 14/05/2020 05:30

Kinh tế đêm được đánh giá là phần giá trị thặng dư lớn nhất của du lịch. Chính vì thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm sẽ tạo ra giá trị đột biến cho ngành công nghiệp không khói sau COVID-19.

Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, cũng như "kinh tế ngầm", "kinh tế ban đêm" chưa có nghiên cứu chính thức nào xác định quy mô, cũng như tác động đến hoạt động kinh tế nói chung. Tuy nhiên, lợi ích phát triển loại hình kinh tế này là điều không phải bàn cãi.

Phố Tạ Hiện (Hà Nội) là điển hình phát triển kih tế ban đêm tại Thủ đô.

Phố Tạ Hiện (Hà Nội) là điển hình phát triển kinh tế ban đêm tại Thủ đô.

Thực tế, TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh cũng bắt đầu thí điểm xây dựng kinh tế ban đêm, nhưng dấu ấn để lại mới chỉ dừng lại ở một vài tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội) hay Bùi Viện (TP HCM).

"Tất cả sản phẩm du lịch của chúng ta hiện nay chủ yếu chỉ tập trung 7h sáng đến 17h chiều, trong ngành du lịch gọi là sản phẩm cứng, thì đã thu được. Tuy nhiên, sản phẩm có thể thu được nhiều tiền nhất, là từ 18h tối đến 2h sáng ngày hôm sau thì đến nay vẫn không được phát triển", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel nói.

Theo CEO Vietravel, hiện nay nhiều địa phương đã quan tâm làm phố đi bộ ban đêm, nhưng do thiếu quy hoạch nên "không mang lại hiệu quả như mong muốn".

"Sản phẩm ban đêm là sản phẩm gì, sao chúng ta sợ nó, vì chúng ta cứ nghĩ sản phẩm ban đêm là nhạy cảm. Tại sao các sản phẩm văn hóa buổi tối chúng ta lại ít như vậy. Ngay ở Sài Gòn này, ban đêm dẫn khách đi xem các chương trình văn hóa thì kiếm thử có chương trình nào khách nước ngoài xem được. Khách Việt Nam thì cũng có nhưng cho khách nước ngoài thì hiếm lắm. Cuối cùng cũng chỉ có rối nước", ông Kỳ nhận xét.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel, trong du lịch, kinh tế đêm chính là phần giá trị thặng dư lớn nhất, nếu phát triển tốt sẽ mang lại nguồn lợi khổng lồ. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ khai thác được một nửa trong kinh doanh du lịch là phần kinh tế ban ngày. Chính vì thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm sẽ tạo ra giá trị đột biến cho ngành công nghiệp không khói.

Đáng lưu ý, sau đòn giáng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch đang cần đột phá để phục hồi và phát triển. Do đó, CEO VietSense Travel cho rằng, trong trạng thái bình thường mới này, không chỉ là định hướng, dự tính mà Việt Nam phải làm ngay và luôn việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm phục vụ phát triển du lịch. Bởi, ngoài lợi nhuận khổng lồ, kinh tế đêm còn giúp thu hút khách hàng, nâng cao nội lực quảng bá, marketing tự nhiên hữu hiệu do được thỏa mãn tất cả những nhu cầu vui chơi, giải trí cả ban ngày và ban đêm.

“Kinh tế ban ngày chỉ giải quyết việc đi lại, ăn, tham quan, mang lại lợi ích cho một số đối tượng nhất định. Đơn cử, khách đi tour trọn gói thì lợi ích chủ yếu tập trung vào các công ty lữ hành, nhưng kinh tế đem lại đa dạng loại hình, dịch vụ nên rất nhiều đối tượng có thể tham gia và được hưởng lợi”, CEO VietSense Travel nói.

Theo ông Tài, kinh tế ban ngày trong tour có hạn mức, khuôn khổ nhất định là những gói tiêu chuẩn đi bao nhiêu tiền, ăn bao nhiêu một suất, tham quan những điểm nào. Nhưng kinh tế ban đêm là từ khách hàng sử dụng dịch vụ theo nhu cầu, người bán có thể tiếp cận với bao nhiêu khách hàng, với những chi phí không giới hạn.

“Đó là sự thỏa thuận tự nhiên giữa khách hàng và người cung cấp. Khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn giá trị thực của sản phẩm, dịch vụ gấp nhiều lần nếu họ cảm thấy “ưng cái bụng”. Vì thế, kinh tế đêm có thể tạo ra nguồn thu tài chính cực lớn”, ông Giang nhấn mạnh.

Ngoài ra, nguồn hữu hình quan trọng khác mà kinh tế đêm mang lại không thể đong đếm hết chính là sức hút cho điểm đến. Cứ nơi nào phát triển được các dịch vụ kinh tế đêm thì đã tạo được lợi thế cạnh tranh hơn các điểm đến khác.

CEO VietSense lấy ví dụ, tại Việt Nam, chợ đêm Phú Quốc hay khu phố cổ Hà Nội những tối cuối tuần, dù chỉ hoạt động đến 12 giờ đêm hoặc 2 giờ sáng nhưng đã thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Vì thế, vai trò của kinh tế đêm rất quan trọng đối với sự phát triển ngành kinh tế xanh”, khi mang lại lợi ích kép”, vừa tạo ra lợi ích về tài chính, vừa góp phần thu hút du khách, thỏa mãn nhu cầu của các "thượng đế".

“Muốn phát triển kinh tế đêm hiệu quả, phải quay trở lại bài toán đầu tư và tính liên kết vì bản thân du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và triển khai vào ban đêm còn phức tạp hơn rất nhiều do phải đảm bảo được yếu tố an sinh xã hội”, CEO VietSense Travel nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Giang, Nghiên cứu sinh Tiến sỹ Đại học Victoria Wellington, New Zealand cho rằng vấn đề không phải chúng ta cho phép hàng quán mở cửa đến bao nhiêu giờ mà ngành du lịch sẽ có những sản phẩm gì đặc sắc để thu hút du khách hay không.

"Có hai điều mà Việt Nam cần làm để phát triển kinh tế đêm. Đầu tiên là cân nhắc kỹ nhu cầu của khách du lịch, không áp đặt tư duy của nhà quản lý vào hoạt động kinh tế. Thứ hai là cần triển khai thí điểm, có thể tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, trước khi triển khai rộng rãi", ông Giang nói. 

Kỳ II: Thách thức cân bằng

Có thể bạn quan tâm

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Kiến nghị nhanh chóng khai thác "kinh tế ban đêm" trên toàn quốc

    13:00, 09/05/2020

  • Thí điểm kinh tế ban đêm

    13:22, 29/11/2019

  • "Tôi mong các thành phố lớn phát triển kinh tế ban đêm"

    16:50, 08/11/2019

  • Kinh tế ban đêm: Hãy mạnh dạn thay đổi tư duy và tiến bước

    08:08, 21/09/2019

  • Hai mặt của "kinh tế ban đêm"

    00:56, 06/08/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Thắp sáng" kinh tế ban đêm: (Kỳ 1) Vực dậy du lịch hậu COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO