Thu hút FDI: Cần tiêu chuẩn giúp sàng lọc các nhà đầu tư
Việc ứng xử với nhà đầu tư không chỉ là cắt giảm thủ tục không cần thiết mà để thu hút FDI có hiệu quả vào các lĩnh vực quan tâm, Việt Nam cần để ý đến ban hành các tiêu chuẩn.
Việt Nam hiện đang bước vào một giai đoạn Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới, do đó, cần tiếp tục nghiên cứu thảo luận về nhiều lĩnh vực cải cách như phát triển doanh nghiệp, thương mại... Quá trình đó phải tính đến những thay đổi, những ẩn số có thể tác động đến kinh tế - xã hội Việt Nam 10 năm tới.
Với những hệ lụy của dịch COVID-19 vừa qua hiện các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam. Không ít đánh giá cho rằng, tác động đối với kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn so với cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu và những hệ lụy này có thể kéo dài. Đã có chuyên gia cảnh báo khủng hoảng nợ toàn cầu do hệ lụy của các biện pháp kích thích tài khóa - tiền tệ trong thời kỳ trong và sau đại dịch COVID-19.
Nền kinh tế phát triển hậu COVID-19 tồn tại một số điểm nghẽn đó là, về chất lượng thể chế, thể hiện ở việc triển khai Chính phủ điện tử (tiến tới Chính phủ số); hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công; phát triển bao trùm và bền vững; Ứng xử với nhà đầu tư.
Đáng lưu ý là điểm nghẽn ứng xử với nhà đầu tư. Tới đây, việc ứng xử với nhà đầu tư không chỉ là cắt giảm thủ tục không cần thiết mà để thu hút FDI có hiệu quả vào các lĩnh vực quan tâm thì Việt Nam cần để ý đến ban hành các tiêu chuẩn.
Nhằm hạn chế những tồn tại, thách thức trong thu hút nguồn lực FDI, Chính phủ Việt Nam cũng đang xây dựng Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Theo định hướng đề án, phát triển kinh tế - xã hội yêu cầu thực hiện đột phá về thể chế, nhân lực và hạ tầng, đi đôi với cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Dịch bệnh COVID-19 mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gắn kết với các doanh nghiệp FDI. Khi các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy cũng là thời điểm doanh nghiệp trong nước có cơ hội thế chân các doanh nghiệp nước ngoài để cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Xu hướng dịch chuyển của FDI khỏi Trung Quốc đã hiện hữu từ lâu (Trung Quốc +1). Tuy nhiên, xu hướng này rõ hơn trong thời gian gần đây do suy giảm kinh tế ở Trung Quốc, chi phí lao động ở Trung Quốc tăng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cạnh tranh từ một số nước ASEAN và Ấn Độ.
Đại dịch COVID-19 chỉ khiến nhà đầu tư dịch chuyển nhanh hơn. Tuy nhiên, dù có chuyển sang ASEAN hay không, nhà đầu tư nước ngoài cũng không bỏ "hết trứng vào một giỏ". Vì vậy, Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa trong việc mời gọi nhà đầu tư vào Việt Nam.
Mặt khác, cần phải cải thiện các chỉ số trên bảng xếp hạng. Về hạ tầng số, xếp hạng sẵn sàng công nghiệp của EIU cho thấy Việt Nam đứng thứ 65 (2018 - 2022) so với thứ 67 (trong 2013 - 2017), trong đó cải thiện bao trùm về internet vẫn là yêu cầu cần thiết.
Cùng với đó, khuyến nghị cải thiện kỹ năng và năng suất lao động. Năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện so với yêu cầu, khả năng thích ứng với điều kiện làm việc trong chuỗi giá trị, khả năng thích ứng với điều kiện biến động (làm việc trực tuyến...).
Đối với vấn đề vai trò của Nhà nước, COVID-19 làm thay đổi đáng kể cách người dân nhìn nhận về Chính phủ. Theo đó, vai trò của Nhà nước sẽ tăng lên. Vai trò của Nhà nước thể hiện ở chỗ quy mô hỗ trợ lớn hơn, các biện pháp hỗ trợ chưa từng có tiền lệ và phát triển bao trùm và bền vững càng trở nên nổi bật. Đồng thời vai trò của nhà nước cũng biểu hiện ở một số lĩnh vực như công nghệ, biến đổi khí hậu, y tế…
Việt Nam cần tiếp tục theo dõi diễn biến dịch COVID-19 kết hợp với tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hợp tác quốc tế liên quan trong vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế hậu COVID-19. Cụ thể là cần xây dựng và thực thi kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu kinh tế, hoàn thiện chính sách công nghiệp và thu hút FDI.
Cùng với đó cần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua phát triển hạ tầng cả hạ tầng cứng và hạ tầng số; phát triển kỹ năng thích ứng cho doanh nghiệp và người lao động; thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại (FTA) như CPTPP, EVFTA... để thúc đẩy kết nối dịch vụ, sản xuất kinh doanh, phục hồi đà tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ số công khai minh bạch ngân sách Việt Nam tăng: Cơ hội hút FDI từ niềm tin
04:30, 01/06/2020
HÀNH ĐỘNG ĐỂ HÚT FDI CHẤT LƯỢNG CAO: Lợi thế mong manh
15:00, 31/05/2020
HÀNH ĐỘNG ĐỂ HÚT FDI CHẤT LƯỢNG CAO: Không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội...
05:30, 31/05/2020
Thu hút FDI 5 tháng đầu năm 2020 đạt 13,89 tỷ USD
01:30, 31/05/2020
HÀNH ĐỘNG ĐỂ HÚT FDI CHẤT LƯỢNG CAO: Dòng vốn tốt cần “đặc quyền” đủ tốt
05:30, 30/05/2020
Việt Nam “mong manh” đón sóng FDI
14:30, 26/05/2020
Khả năng hút làn sóng FDI mới vào ngành khu công nghiệp của Việt Nam
05:30, 24/05/2020
VNDIRECT: Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công, sẵn sàng đón làn sóng FDI
04:55, 19/05/2020