“Đói” dự án mới, nhiều tập đoàn “xin” được ưu ái nhận thầu dự án cao tốc Bắc-Nam
Việc được tham gia các gói thầu trị giá hàng nghìn tỉ đồng của cao tốc Bắc - Nam đang rất hấp dẫn với các “ông lớn” ngành xây dựng...
Chính phủ đã có kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện 3 dự án thành phần đầu tư công gồm các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 theo Nghị quyết số 52/2017/HH14 và 5 dự án thành phần theo hình thức PPP là Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Chính phủ đồng thời kiến nghị Quốc hội cho chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư 100% vốn đầu tư công đối với 3 dự án thành phần gồm 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (Vĩnh Hảo – Phan Thiết) và 2 dự án quan trọng, cấp bách, kết nối với cửa ngõ các trung tâm chính trị, kinh tế lớn của đất nước gồm các đoạn: Mai Sơn – Quốc lộ 45 dài 63 km và Phan Thiết – Dầu Giây dài 99 km.
Nợ như “chúa chổm” cũng muốn ứng cử
Ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ giới thiệu Tổng Công ty Sông Đà tham gia xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thức chỉ định thầu. Được biết, Tổng Công ty Sông Đà đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng với mong muốn được chỉ định thầu làm một số dự án trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại tổng công ty.
Tổng công ty Sông Đà từng là "ông lớn" nhà nước trong ngành xây dựng. Ngoài các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Yaly, Sông Hinh, Sơn La, Lai Châu... những năm qua đơn vị đã thi công hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 10, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện, Sông Đà gặp nhiều khó khăn trong duy trì việc làm, bảo đảm đời sống người lao động.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp này đang đứng trước những khoản nợ lớn. Nợ phải trả của Tổng công ty tính đến cuối năm 2019 là hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó hàng loạt công ty con rơi vào tình trạng thua lỗ, có nguy cơ mất vốn nhà nước. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty là khoảng 2,8 lần, xấp xỉ mức báo động rủi ro tài chính (3 lần).
Trước đó, Bộ Quốc phòng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ưu tiên chỉ định thầu cho Tổng công ty xây dựng Trường Sơn được tham gia thi công các gói thầu thuộc 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc- Nam phía Đông dự kiến chuyển đổi theo hình thức đầu tư công là đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cam kết sẽ chỉ đạo Tổng công ty xây dựng Trường Sơn chuẩn bị tốt các nguồn lực để triển khai thi công các gói thầu được giao đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình.
Đây là đơn vị chuyên xây dựng cầu đường của Quân đội, có kinh nghiệm trong thi công các công trình đường cao tốc lớn, như: Quốc lộ 3 mới, Hà Nội – Thái Nguyên; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Cam Lộ - Túy Loan...
Cũng trong tháng 4/2020, CTCP tập đoàn Cienco 4 có văn bản gửi Bộ GTVT xem xét tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tham gia thi công dự án thành phần đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt…
Đấu thầu hay chỉ định thầu?
Trong bối cảnh đang “đói” dự án mới, thì sức hút từ các gói thầu trị giá hàng nghìn tỉ đồng của cao tốc Bắc - Nam đang rất lớn với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng. Đấu thầu hay chỉ định thầu sẽ do các cơ quan có thẩm quyền quyết định nhưng hình thức nào thì minh bạch, công khai vẫn là yếu tố hàng đầu. Đề xuất chỉ định thầu làm các dự án cao tốc Bắc - Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ nhưng nhiều chuyên gia lại bày tỏ lo ngại sẽ để lại hậu quả như đã xảy ra tại nhiều dự án có chỉ định thầu như BOT quốc lộ vẫn còn ngổn ngang chưa được khắc phục.
Theo TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế thì cả hai phương án chỉ định hoặc tổ chức đấu thầu công khai để chọn nhà thầu thi công các dự án đều có ưu điểm và nhược điểm. Trong trường hợp cấp bách, đòi hỏi phải triển khai nhanh, có thể phải chỉ định thầu doanh nghiệp làm dự án nhưng phải chọn những doanh nghiệp đủ năng lực về kỹ thuật, tài chính làm dự án. Theo quy định về đấu thầu, ngay trường hợp chỉ định thầu, cơ quan chức năng vẫn lập danh sách rút gọn để chọn nhà thầu tốt nhất làm dự án.
Các nhà thầu xây lắp muốn tham gia thi công phải chứng minh được năng lực từng làm bao nhiêu công trình tương tự, có bao nhiêu máy móc thiết bị, nhân lực, tiềm lực vốn bao nhiêu... Doanh nghiệp nào được điểm cao sẽ được chỉ định các gói thầu lớn. Đặc biệt, giá cả, chi phí thấp chỉ là một yếu tố để xem xét lựa chọn nhà thầu.
Theo TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, các dự án khác nên chọn hình thức đấu thầu sẽ tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh hơn giữa các doanh nghiệp, song song với đó nhà nước cần kiểm soát được tình trạng ép giá, ép tiến độ.
Có thể bạn quan tâm
Đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông: “Liệu cơm gắp mắm”
07:05, 11/11/2017
Nợ chồng chất, Sông Đà vẫn được đề xuất chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam
13:54, 06/06/2020
Vì sao không chuyển toàn bộ 8 dự án PPP tuyến cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công?
15:41, 01/06/2020
Dự thảo Luật về PPP còn nhiều điểm mờ: “Hoá giải” cao tốc Bắc - Nam bằng Luật PPP?
21:06, 27/05/2020
Vì sao không nên chuyển cả 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công?
12:30, 25/05/2020
"Tăng tốc"... cao tốc Bắc - Nam
05:07, 18/04/2020