Sự thật về việc Samsung chuyển một phần nhà máy tại Việt Nam sang Ấn Độ

LINH NGA 18/08/2020 15:13

Samsung đánh giá Việt Nam không chỉ là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn và hiệu quả mà đã thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai của tập đoàn.

Theo tờ Economic Times cho biết Samsung đã trình kế hoạch đa dạng hóa dây chuyền sản xuất smartphone với Chính phủ Ấn Độ. Kế hoạch này thuộc chương trình Ưu đãi các dự án liên quan đến sản xuất (PLI) trị giá 40 tỷ USD trong 5 năm tới của Chính phủ Ấn Độ. Theo đó, Samsung có thể sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất smartphone từ các nước khác sang Ấn Độ. Trong số này, điện thoại thông minh giá xuất xưởng trên 200 USD có thể chiếm giá trị đến 25 tỷ USD và hầu hết được dùng để xuất khẩu.

"Việc đa dạng hóa dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh sang Ấn Độ theo chương trình PLI có thể sẽ tác động đến năng lực sản xuất của họ tại nhiều quốc gia", Economic Times (India Times)bình luận. Báo này cũng cho biết, Samsung hiện chưa bình luận gì về việc này.

Công nhân sản xuất tại nhà máy Samsung.

Công nhân sản xuất tại nhà máy Samsung.

Tuy nhiên, trả lời báo giới về việc này, đại diện Samsung cho biết thông tin về việc Samsung có thể chuyển một phần sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ là không đúng sự thật. "Các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đang hoạt động bình thường mà không có liên quan gì đến sự điều chỉnh sản lượng sản xuất của nhà máy tại Ấn Độ" - đại diện Samsung thông tin - "Samsung Việt Nam vẫn luôn giữ vững vai trò quan trọng là cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn".

Sau 12 năm, khởi đầu với mức đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy SEV năm 2008, hiện Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư tăng gấp gần 26 lần, lên tới trên 17,3 tỉ USD.

Tính đến nay, sự hiện diện của Samsung tại Việt Nam bao gồm 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, SEHC (TP.HCM) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á và SVMC là trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á.

Về định hướng trong 10 năm tới, bên cạnh sản xuất, lãnh đạo Samsung cho hay sẽ tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Trong đó, trung tâm R&D ở Tây Hồ Tây hiện đang trong quá trình xây dựng, dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2022 và sẽ tăng quy mô nhân lực từ 2.200 người hiện nay lên 3.000 người.

"Tại đây, chúng tôi sẽ nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cần thiết để phát triển các công nghệ mới như 5G, AI, big data đồng thời đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Chúng tôi mong đợi trung tâm này sẽ đóng góp vào sự phát triển của nền công nghệ thông tin và kinh tế của Việt Nam" - lãnh đạo Samsung nói.

Trước đó, cũng theoEconomic Timescác quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết động thái đa dạng hóa chuỗi sản xuất của Samsung cũng sẽ giúp nước này tránh hàng nhập khẩu giá rẻ từ các nước Đông Nam Á sang Ấn Độ, do có ký FTA với ASEAN.

Hôm 1/8, Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Ấn Độ Ravi Shankar Prasad cho biết đã có 22 công ty nộp đơn đăng ký tham gia chương trình PLI. Trong đó, ngoài Samsung, 3 nhà gia công cho Apple là Foxconn, Wistron và Pegatron cũng nộp đơn để hưởng lợi ưu đãi của PLI khi chuyển hoạt động sản xuất từ các nước khác như Trung Quốc sang Ấn Độ.

Thị trường xuất khẩu điện thoại thông minh toàn cầu vào khoảng 270 tỷ USD. Theo giá trị xuất khẩu, Apple chiếm 38% thị phần và Samsung 22%. Theo số lượng, Samsung chiếm 20% và Apple 14%.

Các chuyên gia phân tích nói thêm rằng đó cũng là dòng điện thoại mà những nhà sản xuất nước ngoài có thể tận dụng sáng kiến PLI và vì vậy hầu hết điện thoại thông minh ở phân khúc giá đó sẽ được xuất khẩu. Hiện tại những điện thoại có mức giá trên 200 USD ở nhà máy chiếm 2% sản lượng xuất khẩu của Samsung từ Ấn Độ.

Có thể bạn quan tâm

  • Huawei

    Huawei "vượt mặt" Samsung

    11:25, 01/08/2020

  • iPhone mất giá nhiều hơn smartphone Samsung

    iPhone mất giá nhiều hơn smartphone Samsung

    16:19, 28/07/2020

  • Cuộc đời sóng gió của

    Cuộc đời sóng gió của "công chúa Samsung" Lee Boo-jin

    04:00, 22/07/2020

  • Samsung “phàn nàn” về thủ tục điều chỉnh vốn đầu tư

    Samsung “phàn nàn” về thủ tục điều chỉnh vốn đầu tư

    05:22, 18/07/2020

  • Từ năm 2021 Samsung có thể cắt giảm bộ sạc đính kèm điện thoại

    Từ năm 2021 Samsung có thể cắt giảm bộ sạc đính kèm điện thoại

    07:19, 10/07/2020

LINH NGA