Kinh tế Việt Nam nhìn từ các gói hỗ trợ giai đoạn 1 (Kỳ 1)
Dưới tác động của đại dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chưa có tiền lệ.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế năm 2020 dự báo ở mức khoảng 1,5-2% và năm 2021 phục hồi mạnh, khoảng 6,8-7%. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giúp phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, TS Lực cho rằng do nhiều nguyên nhân nên quá trình triển khai rất chậm và chưa đạt kết quả như mong muốn.
Theo vị chuyên gia, đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có 4 gói hỗ trợ (tổng giá trị thực - tức là tổng chi phí mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng cam kết bỏ ra ước tính khoảng 181.400 tỉ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019).
Ông phân tích cụ thể: Gói hỗ trợ thứ nhất phải kể đến là gói hỗ trợ tài khóa với giá trị khoảng 73.100 tỷ đồng (1,2% GDP) theo Nghị quyết 41 (tháng 4/2020). Gói hỗ trợ này bao gồm các biện pháp cho phép miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (khoảng 69.300 tỷ đồng) và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (khoảng 180.000 tỷ đồng trong 5 tháng song thực chất là giãn, hoãn nộp và người dân, doanh nghiệp vẫn phải trả khi đến hạn, giá trị hỗ trợ ở đây chính là phần không tính lãi khi gia hạn, ước tính 3.825 tỷ đồng).
Theo các báo cáo, tổng số tiền gia hạn tính đến 30/7 mới chỉ là 53.645 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% quy mô gói hỗ trợ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không có doanh thu, hoạt động cầm chừng. Một số doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 ngay trong quý I/2020. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã trả tiền thuê đất từ đầu năm nên số tiền còn phải nộp không nhiều hoặc không có nhu cầu giãn, hoãn, chưa kể tâm lý e ngại thủ tục rườm rà.
Thứ hai là gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng có giá trị ước tính 36.600 tỉ đồng (0,6% GDP) bao gồm: phần giảm lãi suất khi các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay mới với lãi suất ưu đãi (giảm 1-2,5%/năm so với thông thường) với quy mô cam kết khoảng 600.000 tỉ đồng, các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ (không tính lãi phạt); miễn, giảm lãi (giảm 0,5-1,5% cho các khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng); miễn, giảm phí, nhất là phí thanh toán và một số phí dịch vụ khác...
Các khoản hỗ trợ này dẫn đến giảm lợi nhuận trước thuế (giảm 20-25%) cả năm 2020 của các TCTD và giảm thu ngân sách tương ứng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã 2 lần giảm các lãi suất điều hành, giúp các TCTD có điều kiện giảm lãi suất.
Thứ ba là gói an sinh - xã hội có giá trị khoảng 45.800 tỉ đồng (0,8% GDP), TS Lực cho biết rằng không phải 62.000 tỉ đồng bởi vì chi phí của gói hỗ trợ cho vay trả lương về bản chất chỉ là phần tiền lãi không tính do lãi suất là 0% - khoảng 390 tỉ đồng; đến hạn doanh nghiệp vẫn phải trả lại phần tiền gốc đã vay.
Tính đến ngày 13/7 vừa qua, đã thực hiện giải ngân khoảng 11.600 tỉ đồng để hỗ trợ 11,5 triệu người và 9.400 hộ kinh doanh. Nhìn chung, công tác chi trả về cơ bản đã đảm bảo đúng đối tượng song tiến độ còn rất chậm.
Thứ tư là các gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 26.000 tỷ đồng (0,43% GDP), bao gồm gói hỗ trợ giảm 10% giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trị giá 10.900 tỷ đồng và gói hỗ trợ giảm giá dịch vụ viễn thông trị giá trị 15.000 tỷ đồng.
Đến hết ngày 30/6/2020, EVN đã giảm giá, giảm tiền điện cho 26,79 triệu khách hàng với tổng số tiền 6.800 tỷ đồng (62,4%). Đối với gói giảm giá dịch vụ viễn thông, hiện chưa có thông tin công bố kết quả thực hiện cụ thể.
Như vậy, có thể thấy, trong 4 gói hỗ trợ, thì gói tiền tệ - tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, còn lại rất chậm và còn vướng mắc, cần sớm khắc phục. Do đó, trong thời gian tới, việc đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại là cần thiết. Theo đó, đối với gói tài khóa, cần sớm quyết định cho phép gia hạn thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất (trước mắt là hết năm 2020 hoặc hết quý II/2021) để doanh nghiệp đỡ khó khăn về thanh toán chi phí. Trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn vào kỳ họp tháng 10/2020. Đồng thời, rà soát để tiếp tục miễn, giảm một số khoản phí khác.
Đối với gói tiền tệ - tín dụng, cần sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ và gia hạn thời gian giãn, hoãn nợ, cân nhắc thời điểm phải chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho các tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến….
Đối với gói an sinh xã hội, cần sớm sửa đổi Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, nhất là gói cho vay hỗ trợ trả lương, cần nới điều kiện và thời hạn cho vay nên dài hơn, từ 6-12 tháng. Đồng thời, xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ sang cả lao động phi chính thức.
Kỳ II: Cần có gói hỗ trợ giai đoạn 2 khoảng 150.000 tỉ đồng?
Có thể bạn quan tâm
Tiếp cận gói hỗ trợ dịch COVID-19: Thủ tục "bó chân" doanh nghiệp
07:00, 28/08/2020
Gói hỗ trợ lần 2: Đề xuất chọn lọc ngành kinh tế trọng điểm để ưu tiên
05:00, 28/08/2020
Tránh cào bằng gói hỗ trợ lần 2
06:00, 27/08/2020
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ: Bao giờ tới lượt?
11:00, 26/08/2020
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ: Bao giờ tới lượt ?
06:12, 25/08/2020