Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 cùng gói hỗ trợ 62.000 tỷ nhằm hỗ trợ người dân cùng doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19, nhưng đợi mãi chẳng thấy tới lượt?
Trước những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 giai đoạn 1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 kèm theo gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân cùng doanh nghiệp khó khăn.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại phần lớn nhân dân cùng doanh nghiệp lại chưa thể tiếp cận gói gỗ trợ. Sau nhiều tháng xét duyệt các đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng đến nay, số người lao động được nhận được tiền hỗ trợ vẫn còn quá ít so với thực tế.
Theo tinh thần của Nghị quyết, việc rà soát và thống kê, tiến hành chi trả tiền hỗ trợ áp dụng cho tháng 4, tháng 5 và tháng 6. Nhưng hiện nay đã sắp hết tháng 8/2020, việc hỗ trợ cho các đối tượng là người có công với Cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo các địa hương đã gần như hoàn thành nhưng việc hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác vẫn còn rất hạn chế, phần còn lại chỉ biết chờ đợi.
Dường như việc chờ đợi quá lâu đã khiến người dân mất niềm tin vào việc có thể được tiếp cận gói hỗ trợ từ Chính phủ. Sau khi kiểm soát được giai đoạn đầu của dịch, người dân lại trở về với công việc thường ngày. Tuy nhiên trong đó có nhiều ngành nghề đặc thù vẫn chưa thể hoạt động trở lại ngay được tiêu biểu là ngành du lịch.
Người lao động gặp nhiều khó khăn trong đời sống thế nhưng việc triển khai gói hỗ trợ lại quá chậm khiến họ không muốn chờ đợi thêm nữa. Hiện những người lao động gặp khó đang mong ngóng từng ngày được nhận tiền hỗ trợ khi cuộc sống đang dần trở lại bình thường và họ bắt đầu đi tìm kiếm việc làm mới. Và đến thời điểm hiện tại dịch đã bùng phát giai đoạn 2 tại một số tỉnh thành. Nhưng tiền thì chưa thấy đâu.
Chán chường trong việc chờ đợi, anh Nguyễn Hoài Vũ - kinh doanh tại nhà (Quảng Nam) dường như không còn bạn tâm đến việc có được nhận hỗ trợ hay không nữa. Bởi lẽ, không chỉ anh mà có rất nhiều trường hợp khác cũng chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ, trong khi thời gian quy định đã qua khá lâu.
“Nếu như gói hỗ trợ đến kịp thời thì đời sống của chúng tôi đỡ được một phần khó khăn, thế nhưng chờ mãi không thấy đâu khiến chúng tôi nản lòng. Cũng chẳng còn tha thiết gì với việc được hỗ trợ nữa.” Anh Vũ thở dài.
Chính sách hỗ trợ là thực sự cần thiết và nhân văn, có thể gọi là “phao cứu sinh” tạm thời nhằm giảm bớt một phần gánh nặng, khó khăn trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, làm thế nào để số tiền này đến tận tay, đúng và đủ đối với những người thật sự cần, quan trọng là không phải chờ đợi quá lâu mới là điều quan trọng.
Thế nhưng, việc thiếu nhất quán trong công tác triển khai đã khiến người dân chán chường đến nỗi nhiều người còn dùng câu “lên ti vi mà nhận” khi được hỏi về vấn đề này. Liệu rằng việc đôn đốc của các bên liên quan có đủ quyết liệt trong vấn đề này hay chưa?
Gói hỗ trợ rất tốt, nhưng để gói hỗ trợ phát huy hết tác dụng của mình thì việc đầu tiên là phải được thực hiện một cách nhanh chóng và kịp thời. Đừng kéo dài thời gian, bắt người dân chờ đợi quá lâu vì những thủ tục rườm rà không cần thiết. Cũng đừng để xảy ra những “khe hở” để tiền hỗ trợ cho nhân dân khó khăn lại “đi lạc đường”.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động yêu cầu điều kiện quá phức tạp. Do mức vay thấp, thời gian cho vay ngắn nên đa số người sử dụng lao động sau khi nghiên cứu kỹ quy định và hồ sơ thủ tục đã xin rút lại đơn vay vốn. Nhiều doanh nghiệp đã phải than thở rằng họ không thể tiếp cận được gói hỗ trợ.
Doanh nghiệp và người lao động mong được nhà nước hỗ trợ để giải quyết những khó khăn trước mắt trong lúc dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo dự báo, số lượng người lao động ngừng việc và mất việc sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới đòi hỏi Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp kịp thời.
Ông Lê Thiên Tư - Giám đốc Công ty TNHH du lịch V.E.I Travael cũng cho rằng các điều kiện để doanh nghiệp “với” được gói hỗ trợ là quá khó, các điều kiện không gắn liền với thực tiễn đã khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vay.
“Cần lắm những sự thay đổi các điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hơn nữa dịch COVID-19 giai đoạn 2 tiếp tục khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh lao đao, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời có thể sẽ xảy ra tình trạng phá sản trên diện rộng.”
Cả doanh nghiệp cùng người dân cũng rất mong muốn gói hỗ trợ sớm đến tay người được hưởng, đảm bảo công khai, minh bạch. Đừng để một bộ phận những người khó khăn phải chờ đợi trong xót xa.
Việc đề xuất gói hỗ trợ giai đoạn 2 đã có, nhưng tiền hỗ trợ giai đoạn một chưa được hoàn thành liệu có đúng với tinh thần, mục đích của gói hỗ trợ hay không?
Có thể bạn quan tâm