Logistics miền Trung - nhìn từ sân bay, cảng biển (Bài 1)
Sự manh mún trong quy hoạch xây dựng hạ tầng giao thông đã xé lẻ sức mạnh của miền Trung - mỗi tỉnh thành giống như một nền kinh tế riêng biệt!
Logistics là một lĩnh vực phức tạp bao gồm dịch vụ khách hàng, kiểm soát lưu kho, vận chuyển nguyên vật liệu, thu gom hàng hóa, đóng gói xếp dỡ,…như vậy, logistics đóng vai trò “mạch máu” của nền kinh tế.
Vai trò của quy hoạch
Hiểu một cách đơn giản, quy hoạch là sắp xếp bố trí hiện trạng sau quá trình tính toán dự báo, thông thường chức năng của quy hoạch là đón lỏng tương lai sao cho vừa khớp với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tại miền Trung, tất cả các tỉnh thành đều có đường bờ biển, nên vận tải biển - cảng biển là một trong những nhân tố cấu thành không thể thiếu của logistics. Nhưng phải chăng, hễ có bờ biển là phải có cảng biển? Tỉnh bạn có sân bay, tình mình cũng phải xây?
Cảng Cửa Việt (Gio Linh - Quảng Trị) là điểm đầu trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar đã được quy hoạch mở rộng, nhưng 15 năm nay không triển khai khiến hàng chục hộ dân điêu đứng!
Quy hoạch lớn nhưng hiệu suất sử dụng nhỏ giọt là vấn đề lớn nhất ở con cảng này. Trước đây từng giao cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), khi tập đoàn này đổ bể đã trả lại cho UBND tỉnh tiếp tục tìm nhà đầu tư.
Công ty Hợp Thịnh tiếp quản, ngỏ ý bỏ vốn đầu tư mở rộng, UBND tỉnh đã đề xuất dành 5,2 ha đất mặt bằng để giải tỏa gần 70 hộ dân sống gần cảng. Nhưng đề án rơi vào bất định, do thiếu vốn và nhiều thứ khác, trong khi đó doanh nghiệp chỉ sử dụng một phần rất nhỏ sát mép nước!
Cảng lớn chưa biết khi nào có, cảng nhỏ hoạt động cầm chừng và nghịch cảnh của hàng chục hộ dân hơn 15 năm không được làm đường, chia tách đất đai, làm sổ đỏ, xây nhà kiên cố do vướng quy hoạch!
Đối diện với cảng Cửa Việt về phía Nam là dự án cảng nước sâu Mỹ Thủy trị giá hơn 14.000 tỷ đồng mới khởi công đầu năm nay. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 2.143 tỷ đồng, vốn huy động từ nguồn khác là 12.091 tỷ đồng. Có quy mô 685 ha, bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn!
Con đường Việt-Lào (xuyên Á) nối cửa khẩu Lao Bảo và khu vực hành lang kinh tế Đông-Tây (nơi tọa lạc của cảng nước sâu) chưa bao giờ nhộn nhịp, chủ yếu phục vụ dân sinh và một lượng nhỏ xe vận tải gỗ dăm về cảng Cửa Việt để xuất bán sang Trung Quốc.
Dọc con đường này cũng không có khu công nghiệp nào thực sự có quy mô, bên kia cửa khẩu Lao Bảo - trung phần nước bạn Lào không phải là khu vực phát triển mức độ cao. Vậy, cảng nước sâu liệu có hoạt động hết công suất? Các nhà quy hoạch có lưu tâm đến vấn đề này?
Dự án cảng hàng không Quảng Trị đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, bên ủng hộ cho rằng, nên có sân bay để hoàn thiện hạ tầng giao thông, kích thích phát triển; phía phản đối đặt vấn đề hiệu quả khai thác trong bối cảnh hai địa phương lân cận cự ly chưa tới 100km đều có sân bay, Phú Bài (Thừa Thiên Huế) và Đồng Hới (Quảng Bình).
Nếu xem cảng biển là một thành phần của logistics thì phải trả lời mấy câu hỏi: Khách hàng là ai? Nguồn hàng ở đâu để vận chuyển? Đối với sân bay cũng tương tự.
Giẫm chân nhau
Có một chuyên gia nói rằng, miền Trung không thể mạnh lên nếu như tỉnh nào quy hoạch riêng tỉnh đó. Nhận định này hoàn toàn đúng bởi vì tiềm lực của mỗi địa phương nếu xé lẻ sẽ không bằng các địa phương miền Bắc và miền Nam.
Tư duy phát triển hạ tầng giao thông hiện nay ở miền Trung có xu hướng phong trào. Bản đồ phân bố cảng biển ở miền Trung ngày một dày hơn, mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 cảng biển, cách nhau dưới 100km, trừ cảng Đà Nẵng còn lại đều là cảng nhỏ.
Đà Nẵng đang nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu Liên Chiểu. Theo kỹ sư Phan Văn Chương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng, cảng này không phải phục vụ cho riêng Đà Nẵng mà còn phục vụ cho khu vực miền Trung, cho hành làng kinh tế Đông Tây.
Nếu cảng Liên Chiểu được xây dựng thì có nghĩa trong vòng 200km từ Quảng Trị trở vào sẽ có 3 cảng nước sâu (Mỹ Thủy, Tiên Sa và Liên Chiểu) có thể đón tàu trọng tải lớn. Xen giữa là cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế).
Dọc bờ biển phía bắc thuộc Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là đại công trường xây cảng Sơn Dương quy mô lớn với tổng cộng hơn 30 cầu cảng. Tham vọng trở thành trung tâm logistics cho Bắc Trung Bộ, gần đó tại Nghệ An, Thanh Hóa cũng có không ít cảng biển.
Nếu các địa phương không nhìn về Đà Nẵng - “anh cả” của toàn miền để quy hoạch xây dựng sao cho hợp lý thì mức độ manh mún ngày càng nhiều!
Còn tiếp…
Có thể bạn quan tâm
Rà soát lại quy hoạch cảng biển
11:03, 03/09/2020
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, rà soát phản ánh của DĐDN về quy hoạch, quản lý cảng biển
14:06, 31/08/2020
Dịch vụ cảng biển và hệ lụy từ quy hoạch: Kết nối và cạnh tranh
04:30, 22/08/2020
Dịch vụ cảng biển và hệ lụy từ quy hoạch: Xây dựng khung giá hợp lý
14:00, 21/08/2020
Dịch vụ cảng biển và hệ lụy từ quy hoạch: Dừng “cuộc đua xuống đáy”
15:00, 20/08/2020