Chiến lược biển Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chia sẻ thì cảng biển là một trong năm kết cấu hạ tầng giao thông, là cửa ngõ của hàng hóa xuất nhập khẩu và là đầu mối chuyển đổi các phương thức vận tải từ vận tải biển sang vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa. Do đó, hệ thống cảng biển và các dịch vụ logistics gắn với khai thác cảng biển luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Hiện nay, Việt Nam có 44 cảng biển và 263 bến cảng với tổng chiều dài khoảng 89km. Trong đó, cảng biển nước sâu, cảng cửa ngõ kết hợp với bến cảng trung chuyển quốc tế có thể tiếp nhận tàu 100 - 200 nghìn tấn đã được đầu tư xây dựng tại miền Bắc, miền Nam và đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư tại miền Trung. Với năng lực thông qua khoảng 550 - 570 triệu tấn/năm, hàng năm hệ thống cảng biển Việt Nam thông qua đến 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
Cảng biển được xác định là đầu mối trung tâm để triển khai giải pháp kết nối các phương thức vận tải. Quy hoạch phát triển các ICD để hỗ trợ khai thác cảng biển, góp phần cơ cấu lại thị phần vận tải của các phương thức, tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa từ cảng biển đến các trung tâm sản xuất, phân phối, tiêu thụ được xuyên suốt.
Theo dự báo tại quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, đến năm 2020, Việt Nam có nhu cầu thông qua hàng hóa bằng đường biển khoảng 640 triệu tấn và khoảng 1,1 tỷ tấn đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam ước tính khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng. Trong đó, kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển dự kiến chiếm khoảng 30 - 40% còn lại là nguồn vốn từ lĩnh vực tư nhân, bao gồm cả vốn trong nước và nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm