Hưng Yên vừa đề xuất một dự án đầy tham vọng, xây dựng cảng biển lớn tại khu vực Diêm Điền, có khả năng tiếp nhận tàu hàng trọng tải lên đến 200.000 tấn.
Với quy mô này, cảng biển khu vực Diêm Điền có thể sánh ngang với các cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Động thái này không chỉ mở ra không gian phát triển kinh tế hướng biển cho Hưng Yên mà còn hứa hẹn tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho cả vùng và cả nước.
Tham vọng cảng biển 200.000 tấn
Với mục tiêu khai thác tối đa thế mạnh từ vùng biển hiện có và hình thành các trục kinh tế trọng điểm phía Đông Nam, UBND tỉnh Hưng Yên đã có buổi làm việc với Bộ Xây dựng. Tại cuộc họp, Bộ Xây dựng đã đồng thuận với đề xuất táo bạo của Hưng Yên về việc xây dựng một cảng biển có thể tiếp nhận những siêu tàu hàng 200.000 tấn.
Ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, mục tiêu chiến lược của tỉnh là mở rộng không gian kinh tế hướng biển, với trọng tâm là xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình (cũ) trở thành cụm phát triển kinh tế đa ngành. Đây được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng then chốt không chỉ cho riêng Hưng Yên mà còn cho sự phát triển chung của cả nước.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Hưng Yên nhận thức rõ sự cần thiết của các cơ chế chính sách nổi trội, hạ tầng giao thông thông minh, kết nối đồng bộ và tạo điểm nhấn để phát triển các ngành kinh tế trọng điểm. Tỉnh bày tỏ mong muốn Bộ Xây dựng tiếp tục ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Hưng Yên biến các mục tiêu trên thành hiện thực. Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để cụ thể hóa quy hoạch và đặc biệt là đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tham gia triển khai các dự án liên quan.
Hiện tại, khu vực Diêm Điền đã có một cảng biển, song quy mô còn khá khiêm tốn. Theo quy hoạch chi tiết, khu bến Diêm Điền hiện có một số cầu cảng tổng hợp, rời với tổng chiều dài 149m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 3.000 tấn và đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa khoảng 0,25 triệu tấn/năm. Ngoài ra, khu vực này còn có một bến cảng xăng dầu Hải Hà dài 110m, tiếp nhận tàu trọng tải tương đương. Các khu neo chờ, tránh, trú bão tại khu vực cửa sông Diêm Hộ có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 60.000 tấn, và luồng hàng hải Diêm Điền hiện tại cũng chỉ ưu tiên nâng cấp để đón tàu có tải trọng đến 5.000 tấn.
Có thể thấy, năng lực hiện có của cảng Diêm Điền còn rất hạn chế so với tiềm năng và tầm nhìn phát triển kinh tế biển của khu vực. Thị trấn Diêm Điền, vốn là một làng nghề làm muối và cảng cá nhỏ, dù đã có những bước chuyển mình và trở thành khu vực phát triển năng động của Khu kinh tế Thái Bình (cũ), nhưng vẫn cần một cú hích mạnh mẽ về hạ tầng cảng biển để khai thác tối đa lợi thế vị trí địa lý. Việc đề xuất xây dựng cảng 200.000 tấn không chỉ là nâng cấp đơn thuần mà là một cuộc "lột xác" toàn diện, biến Diêm Điền từ một cảng nhỏ thành một trung tâm logistics quốc tế, mở ra cánh cửa thực sự cho Hưng Yên và các tỉnh lân cận vươn ra biển lớn.
Bức tranh về một trung tâm logistics mới
Trước đó, trong thông báo kết luận số 243 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với tỉnh Thái Bình (cũ), Bộ Xây dựng đã được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu hỗ trợ đầu tư xây dựng khu bến Cảng biển Diêm Điền để có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 tấn.
Theo quy hoạch, vùng cảng biển Thái Bình bao gồm các khu bến Diêm Điền, Trà Lý, Ba Lạt, các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão. Mục tiêu đến năm 2030, cảng biển Thái Bình được quy hoạch đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua đạt từ 6,8 triệu tấn đến gần 8 triệu tấn, trong đó hàng container đạt khoảng 0,02 triệu TEU. Riêng hệ thống cảng dự kiến sẽ có từ 10 - 11 bến cảng, với từ 12 - 13 cầu cảng, tổng chiều dài cầu cảng gần 2.500m.
Một điểm đáng chú ý trong quy hoạch là tuyến luồng hàng hải Diêm Điền sẽ được ưu tiên nâng cấp để đón tàu có tải trọng đến 5.000 tấn. Bên cạnh đó, khu bến Trà Lý được quy hoạch ưu tiên đầu tư bến cảng hàng lỏng/khí phục vụ Nhà máy điện khí LNG Thái Bình, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Đáng kể, nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống cảng biển Thái Bình (cũ) đến năm 2030 ước tính hơn 11.200 tỷ đồng, trong đó gần 8.000 tỷ đồng dành cho hạ tầng hàng hải công cộng và hơn 3.300 tỷ đồng cho đầu tư bến cảng.
Thay mặt Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao tầm nhìn và định hướng của tỉnh Hưng Yên trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là việc chú trọng phát triển Khu kinh tế biển Thái Bình và mục tiêu đưa khu kinh tế này trở thành trọng điểm kinh tế của vùng.
Trước các ý kiến, đề xuất của tỉnh Hưng Yên, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đã giao các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng, trong đó có Cục Hàng hải, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án khả thi để báo cáo lãnh đạo Bộ và trình Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Bộ Xây dựng hoàn toàn ủng hộ kiến nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng khu bến Cảng biển Diêm Điền có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 tấn của tỉnh Hưng Yên, cũng như quy hoạch phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thái Bình trong tương lai.
Ông Trần Văn Dũng – Giám đốc Công ty TNHH logistics Dũng Vân cho biết: Hiện tại ở Việt Nam, ngoài cảng Cái Mép (Vũng Tàu) có khả năng tiếp nhận tàu đến 214.000 tấn, các cảng biển khác chỉ tiếp nhận được tàu tối đa khoảng 150.000 tấn (như cảng Lạch Huyện – Hải Phòng tiếp nhận tàu đến 145.000 tấn; cảng Vũng Tàu tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn; cảng Nghi Sơn – Thanh Hóa tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn).
So sánh với các cảng biển lớn trong khu vực Đông Nam Á, một cảng 200.000 tấn tại Diêm Điền sẽ thực sự nổi bật: cảng Bangkok (Thái Lan) tiếp nhận tàu đến 120.000 tấn; cảng Manila (Philippines) tiếp nhận tàu đến 150.000 tấn; cảng Kuantan (Malaysia) tiếp nhận tàu đến 40.000 tấn. Mặc dù vẫn còn một khoảng cách so với cảng Singapore (tiếp nhận tàu đến 400.000 tấn), nhưng một cảng 200.000 tấn tại Diêm Điền sẽ khẳng định vị thế và năng lực cạnh tranh vượt trội cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.