Miền Trung - đồng bộ logistics để liên kết vùng: đừng “nhà ai nấy về”

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 12/09/2020 06:00

Bài toán xây dựng hệ thống logictics tại miền Trung hiện nay có liên quan mật thiết đến cơ chế liên kết vùng.

LTS: Tại miền Trung, tất cả các tỉnh thành đều có đường bờ biển, nên vận tải biển - cảng biển là một trong những nhân tố cấu thành không thể thiếu của logistics. Nhưng phải chăng, hễ có bờ biển là phải có cảng biển? Tỉnh bạn có sân bay, tỉnh mình cũng phải xây?

 Tỷ trọng lao động làm việc theo các loại hình dịch vụ logistics trên cả nước 2019. Nguồn: Nhóm nghiên cứu Trường đại học Thương mại phân tích dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê.

Tỷ trọng lao động làm việc theo các loại hình dịch vụ logistics trên cả nước 2019. Nguồn: Nhóm nghiên cứu Trường đại học Thương mại phân tích dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê.

Bởi đa phần các tỉnh miền Trung đều nhỏ về diện tích và yếu về kinh tế, làm đường lớn, cảng nước sâu, sân bay hiện đại… tất cả phải dựa trên khảo cứu đánh giá nhu cầu thị trường, cụ thể ở đây là bài toán lỗ, lãi.

Nhiều cảng...

Tư duy phát triển hạ tầng giao thông hiện nay ở miền Trung có xu hướng phong trào. Bản đồ phân bố cảng biển ở miền Trung ngày một dày hơn, mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 cảng biển, cách nhau dưới 100km, trừ cảng Đà Nẵng còn lại đều là cảng nhỏ. Ví dụ, cảng nước sâu Mỹ Thủy (Quảng Trị) có năng lực đón tàu 100.000 tấn, đi kèm là nhà máy nhiệt điện khí. Cảng này được thiết kế 10 bến tàu, giả sử khi hoàn thành, hoạt động vừa công suất có thể cùng lúc đón hoặc xuất 1 triệu tấn hàng! Đây là con số không tưởng. Chưa kể, để đảm đương nhiệm vụ đón, xuất hàng triệu tấn hàng mỗi năm cần thêm hệ thống kho, bãi, phương tiện, năng lực vận chuyển, bốc dỡ, quản lý điều hành.

Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) thuộc loại lớn nhất miền Trung, phục vụ cho nền kinh tế năng động, phát triển mạnh nhất nước, công suất thiết kế 12 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, nhưng chỉ lấp đầy 8 triệu tấn do bị cạnh tranh quyết liệt từ nhiều cảng lân cận như Dung Quất, Chu Lai, Chân Mây.

Đà Nẵng cũng đang nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu Liên Chiểu. Theo kỹ sư Phan Văn Chương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng, cảng này không phải phục vụ cho riêng Đà Nẵng mà còn phục vụ cho khu vực miền Trung. Nếu cảng Liên Chiểu được xây dựng thì có nghĩa trong vòng 200km từ Quảng Trị trở vào sẽ có 3 cảng nước sâu (Mỹ Thủy, Tiên Sa và Liên Chiểu) có thể đón tàu trọng tải lớn.

Dọc bờ biển phía bắc thuộc Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là đại công trường xây cảng Sơn Dương quy mô lớn với tổng cộng hơn 30 cầu cảng. Tham vọng trở thành trung tâm logistics cho Bắc Trung Bộ, gần đó tại Nghệ An, Thanh Hóa cũng có không ít cảng biển.

Cuộc đua âm thầm giữa các cảng biển ở miền Trung không chỉ làm cuộc cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày một gay gắt, mà còn khiến ngành công nghiệp logistics không có cơ hội để phát triển.

Manh mún logistics

Có chuyên gia nói rằng, miền Trung không thể mạnh lên nếu như tỉnh nào quy hoạch riêng tỉnh đó. Logistics không chỉ là phép cộng của... các cảng biển. Nhận định này hoàn toàn đúng bởi vì tiềm lực của mỗi địa phương nếu xé lẻ sẽ không bằng các địa phương miền Bắc và miền Nam.

Có hàng chục lĩnh vực liên quan đi kèm với logictics, trong đó hạ tầng giao thông vận tải đóng vai trò chủ đạo, nên gắn việc xây dựng hạ tầng giao thông trong không gian của dịch vụ logictics chứ không chỉ là mục đích “thay đổi bộ mặt địa phương” và nặng tính biểu tượng, thành tích.

Đối với hạ tầng giao thông, nếu muốn “đi trước một bước” phải có nghiên cứu khoa học, tính toán tốc độ phát triển RGDP hàng năm của từng địa phương, gắn với các biến động trong trước và quốc tế, thêm tham chiếu là xu hướng, tốc độ tăng dân số, tốc độ đô thị hóa.

Ví dụ, nếu RGDP tăng 1% thì nên tái đầu tư bao nhiêu phần trăm vào hạ tầng logictics, và ngược lại. Nguyên tắc là hạ tầng đi trước, kinh tế theo sau, nhưng không phải nơi nào cũng cần cảng lớn, đường rộng.

Nói như vậy không phải cho rằng, miền Trung không cần công trình quy mô, nhưng cốt lõi là bố trí công trình đó ở đâu mới là việc đáng bàn. Lại nói về cơ chế liên kết vùng, một vị lãnh đạo Đà Nẵng trước đây kể, ông nhiều lần gọi điện hối thúc lãnh đạo các tỉnh cùng miền, họ cũng đến, cũng gặp gỡ giao lưu rồi… nhà ai nấy về!

Quy hoạch hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định vùng miền Trung - Tây Nguyên hình thành và phát triển 6 trung tâm logistics hạng I, hạng II và 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng nông sản Việt Nam khó vươn ra thế giới vì chi phí logistics

    Hàng nông sản Việt Nam khó vươn ra thế giới vì chi phí logistics

    05:02, 10/09/2020

  • Logistics miền Trung - nhìn từ sân bay, cảng biển (Bài 1)

    Logistics miền Trung - nhìn từ sân bay, cảng biển (Bài 1)

    05:30, 09/09/2020

  • Cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Logistics

    Cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Logistics

    19:00, 07/09/2020

  • Phát triển logistics ở miền Trung thiếu cả hạ tầng “mềm” lẫn “kết cấu cứng”

    Phát triển logistics ở miền Trung thiếu cả hạ tầng “mềm” lẫn “kết cấu cứng”

    03:07, 31/08/2020

  • Doanh nghiệp logistics nội: Có mãi chịu cảnh…“đi sau”?

    Doanh nghiệp logistics nội: Có mãi chịu cảnh…“đi sau”?

    11:00, 16/08/2020

TRƯƠNG KHẮC TRÀ