“Cú hích” để doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo
Việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020” vào ngày 17/9/2020 tại Hà Nội.
Khuyến khích phát triển Năng lượng tái tạo
Trong nhiều năm trở lại đây nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm về tốc độ. Trong khi đó nhiên liệu hóa thạch là nguồn năng lượng không tái tạo. Điều này đặt ra sức ép lớn trong việc bảo đảm nhu cầu năng lượng cũng như an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, vấn đề bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển bền vững cần phải dành được sự quan tâm rất lớn của các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp.
Thị trường điện năng lượng tái tạo(NLTT) tại Việt Nam còn mới mẻ, chi phí phát triển nguồn điện NLTT cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, để thúc đẩy phát triển thị trường điện NLTT, Việt Nam áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cố định (FIT) là công cụ chính sách phổ biến được sử dụng bởi hầu hết các nước trên thế giới. Thực tế đã chứng minh cơ chế giá FIT là công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển nhanh nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt đối với những thị trường mới như Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công thương, thông qua chính sách FIT, hiện đã có khoảng gần 6.000 MW điện NLTT vào vận hành phát điện, góp phần cung cấp điện kịp thời cho nền kinh tế, giảm lượng điện chạy dầu giá cao và chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Việc phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo cũng đã góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và dịch vụ về điện mặt trời; khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp; thu hút được lượng vốn xã hội lớn đầu tư vào hạ tầng ngành điện.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững thì cần tập trung vào các nội dung chính: chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện. Về chính sách các dự án năng lượng tái tạo sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện NLTT thấp nhất. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện NLTT và lưới truyền tải.
[ Theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW cần tách bạch đầu tư xây dựng với độc quyền nhà nước (quản lý, vận hành) truyền tải điện. Ngoài ra, để đảm bảo về an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng cần phải xác định phạm vi đầu tư lưới điện truyền tải nào được thực hiện theo PPP... ]
Doanh nghiệp tư nhân nhanh chóng tham gia cuộc chơi
Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều các dự án nhà máy điện tại Việt Nam có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài. Tỷ lệ nguồn điện được đầu tư theo hình thức BOT và IPP trong cơ cấu nguồn điện toàn quốc đã tăng lên đáng kể, từ 14,41% (tương đương 4.344 MW) vào năm 2010 đã tăng lên 27,29% (tương đương 15.591 MW) vào năm 2019 (chưa kể đến các dự án điện gió, điện mặt trời đã đưa vào vận hành và đang xây dựng năm 2020).
Đối với nguồn điện NLTT, tính tới thời điểm tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất là 5.053 MW. Hiện cũng có 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất là 429 MW và 325 MW điện sinh khối, điện chất thải rắn gần 10 MW. Như vậy, tổng công suất điện gió và mặt trời đã là 5.482 MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn đặt của hệ thống. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 31 ngày 8 năm 2020 đã có trên 47.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.128 MWp.
Như vậy, nguồn điện NLTT đã đóng góp đáng kể để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Thông thường đối với các dự án điện than, điện khí đầu tư theo hình thức BOT, hay các dự án điện khí đang đề nghị đầu tư thường yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai dự án. Tuy nhiên, hiện nay các dự án điện mặt trời, điện gió triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ.
Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện. Doanh nghiệp tư nhân không chỉ đầu tư mà còn tích cực tham gia thực hiện dự án: Tư vấn thiết kế, quản lý dự án; Sản xuất thiết bị, cung cấp vật tư; Xây dựng, lắp đặt và vận hành. Bên cạnh việc đầu tư nguồn điện, các doanh nghiệp tư nhân còn tích cực đầu tư các dự án lưới điện như: trạm biến áp và đường dây phục vụ đấu nối.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch Điện VIII: Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo
03:00, 07/09/2020
EVN nỗ lực giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo
11:36, 04/09/2020
Giải pháp phát triển năng lượng tái tạo vùng biển
05:05, 04/09/2020
Gỡ “rào cản” phát triển năng lượng tái tạo
05:00, 28/08/2020
Cần đòn bẩy phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam
05:00, 04/08/2020
ĐIỂM BÁO DOANH NHÂN THÁNG 7: "Thắp sáng năng lượng tái tạo"
04:30, 01/08/2020
"THẮP SÁNG" NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Chính sách kiến tạo thành công
11:00, 29/07/2020