Tìm cách giảm chi phí logistics cho nông sản
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu phản ánh của DĐDN về đề xuất lập hãng hàng không với đội bay chuyên chở hàng hoá riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp.
Trao đổi với DĐDN, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, việc thành lập hãng hàng không riêng biệt cho nông sản về ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ phải xác định rủi ro thua lỗ. Do đó, doanh nghiệp cần những ưu đãi về thuế, vốn… để có thể “dấn thân” cho khoản đầu tư dài hạn này.
-Thưa ông, nhiều doanh nghiệp phản ánh, chi phí logistics đắt đỏ khiến nông sản Việt kém cạnh tranh, trong khi chúng ta chưa có một kênh vận chuyển chủ đạo?
Niên giám thống kê vận tải và logistics của Ngân hàng Thế giới và Bộ GTVT năm 2018 vừa công bố vào tháng 5/2020 cho thấy, chi phí logistics trung bình chiếm 8,69% với các doanh nghiệp sản xuất và 9,7% doanh nghiệp phân phối, bình quân là 9,37% với các doanh nghiệp sản xuất và phân phối. Trong khi đó, chi phí logistics với mặt hàng cà phê, hải sản là khoảng 9,5-12%. Tuy nhiên, với mặt hàng như rau củ, gạo… chi phí logistics được ước tính chiếm gần 30%.
-Vậy đề xuất thành lập một hãng hàng không với đội bay riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp thì sao, thưa ông?
Đề xuất thành lập hãng hàng không hàng hoá riêng biệt là rất hay. Bởi thực tế hàng không hiện nay chiếm tỷ trọng nhỏ trong vận chuyển hàng hoá nhưng giá trị lại chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá. Điều này cho thấy hàng không chủ yếu phục vụ cho mặt hàng giá trị cao, cung chở hàng đang hướng vào các mặt hàng không không phải nông sản.
Do đó, khi tổ chức được các chuyến bay riêng biệt cho nông sản hướng vào các thị trường tiềm năng, sẽ hỗ trợ hoàn hảo cho xuất khẩu nông sản. Mặc dù cần nhưng phải nói là khó.
Phải nói rằng bàn tay thị trường rất thông minh. Những chỗ có lợi có thể khai thác sẽ được tập trung vào ngay. Hiện tại nếu thực hiện được ngay phải là hãng hàng không quốc gia, đơn vị này có đủ năng lực nhân sự và phương tiện. Nhưng để vận tải hàng hoá này thì phải xác định rủi ro thua lỗ giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp tư nhân phải nhận được ưu đãi thực sự mới có thể “dấn thân”. Và trước tiên nên bay gần trong khu vực nội Á và kết nối được với các hãng hàng không trong khu vực để giải được bài toán hai chiều, tỷ lệ lấp đầy lượt về mức 70-80% khu vực nội Á là chúng ta có thể tiến hành.
-Trong khi chưa có hãng hàng không chuyên biệt, giải pháp nào cần được thực hiện ngay, thưa ông?
Khi vấn đề về hạ tầng đang được nhà nước khắc phục, phải cải thiện năng lực doanh nghiệp. Trước hết, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cần đẩy mạnh phát triển vận tải đa phương thức kết nối các loại hình vận tải thiết kế riêng cho từng loại mặt hàng hoá, giúp giảm chi phí logistics. Chúng ta phải làm việc với các ngành hàng để hiểu vấn đề của từng mặt hàng, đưa ra phương án kết hợp loại hình đường bộ, đường sông và đường sắt… phù hợp.
Trong khi đó doanh nghiệp sử dụng dich vụ logistics phải cải thiện được vấn đề công nghệ sau thu hoạch vì chi phí hàng hư hỏng cũng được tính vào chi phí logistics. Ở Việt Nam đồ hỏng sau thu hoạch chiếm đến 40-50%. Do đó, ngành nông nghiệp cần tăng thời gian bảo quản, giảm lượng hư hỏng.
Đặc biệt, vấn đề trung tâm lưu trữ, bảo quản ví dụ như chuỗi lạnh bảo quản thông quan hàng nông sản cần chiến lược ưu tiên phát triển “chuỗi lạnh” bao gồm nhà khô, hệ thống bảo quản… Để xây dựng được những chuỗi lạnh ở các nguồn cung cấp sản phẩm và khu hạ tầng cảng biển thì Nhà nước cần ưu tiên để thu hút doanh nghiệp thông qua về hỗ trợ vốn, quỹ đất, thuế, chi phí vận hành (giá điện)...
-Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Duy Minh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội logistics Việt Nam (VLA):
Hiện nay, chi phí logistics của hải sản chiếm 12,2%, gạo chiếm 19,8%, cà phê 9,5% và rau quả chiếm 29,5% tổng chi phí. Đáng kể nhất là hạng mục chi phí vận tải với 61% trong tổng chi phí logistics, tiếp theo là chi phí xếp dỡ với gần 20% tổng chi phí. Thời gian lưu trữ cũng hạn chế bởi vì rất nhiều loại rau quả trong chuỗi cung ứng là hàng hóa tươi dễ bị hư hỏng. Các yếu tố làm tăng chi phí logistics gồm: phí BOT, phí không chính thức khác, xe rỗng một chiều; phụ phí và phí địa phương cao do các hãng vận tải nước ngoài áp...
Ông Võ Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An:
Năm 2019, Công ty xuất khẩu khoảng 14.000 tấn chuối đi Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, trong đó, chi phí logistics chiếm khoảng 30% chi phí sau thu hoạch. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, chi phí logistics tăng tới 45%, trong đó cước tàu biển tăng tới 40% do những tác động của dịch COVID-19. Cắt giảm chi phí Logistics chính là chìa khóa thành công của toàn ngành nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
'Con đường nông sản', 'cô gái và chiếc xe máy' trong Hành trình thanh niên khởi nghiệp
05:15, 11/09/2020
Cần phương án vận chuyển đa phương thức cho nông sản Việt
03:00, 11/09/2020
Nâng cấp vận chuyển đa phương thức cho Nông sản Việt
01:00, 11/09/2020
Hàng nông sản Việt Nam khó vươn ra thế giới vì chi phí logistics
05:02, 10/09/2020
Thành công nhờ sản xuất nông sản sạch
04:23, 07/09/2020
Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT nghiên cứu phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp
14:32, 03/09/2020