Hành trình Thanh niên Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020 chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và tận dụng thời cơ để bứt phá từ đại dịch”....
Hành trình Thanh niên Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020 chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và tận dụng thời cơ để bứt phá từ đại dịch” có nhiều điểm mới như tọa đàm, hoạt động kêu gọi vốn đầu tư; triển lãm "Con đường nông sản"; vở nhạc kịch "Cô gái và chiếc xe máy".
Tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư phát động chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Hành trình Thanh niên Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 với chủ đề:“Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và tận dụng thời cơ để bứt phá từ đại dịch”.
Đổi mới sáng tạo bứt phá từ đại dịch
Anh Nguyễn Tường Lâm - Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam cho biết: Hành trình nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong hội viên, thanh niên đã và đang có nhu cầu khởi nghiệp; giúp các nhà khởi nghiệp tham gia hành trình có được kỹ năng, kiến thức và sự kết nối cần thiết để trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công; nâng cao nhận thức về khởi nghiệp sáng tạo với lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn suy thoái kinh tế, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đang tác động lên toàn cầu.
Hành trình thanh niên khởi nghiệp là chuỗi các hoạt động về khởi nghiệp lớn trên toàn quốc với sự phối hợp hiệu quả của các chương trình của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng và chương trình đào tạo hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước.
Ngoài ra, hành trình cũng hướng đến mục tiêu huy động, kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển và mở rộng mạng lưới khởi nghiệp tại địa phương.
Hành trình cấp tỉnh tổ chức tại Cao Bằng, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp. Hành trình cấp khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam tổ chức tại Thái Nguyên, Nghệ An, Lâm Đồng.
Hành trình tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ trong khâu tổ chức thực hiện; kết hợp phương thức truyền thống và trực tuyến... Gắn với chủ đề xuyên suốt là kinh tế nông nghiệp, hành trình có những điều chỉnh phù hợp với từng địa phương để giúp thanh niên hiểu rõ tương lai của nền nông nghiệp tại địa phương và hành động, làm kinh tế phù hợp.
Anh Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp cho biết: Trên cơ sở khảo sát thực tế tại 9 địa phương diễn ra hành trình, chúng tôi phân tích đánh giá những điểm còn thiếu, yếu và cần để kết nối với các chuyên gia, nhà đầu tư tư vấn, hỗ trợ giúp rút ngắn quá trình nghiên cứu chuyển đổi số; giảm chi phí cơ hội xuống thấp nhất có thể cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Triển lãm "Con đường nông sản"
Hành trình năm nay có nhiều điểm mới nhằm mang đến nhiều giá trị hơn cho những nhà khởi nghiệp trực tiếp tham gia hành trình cũng như địa phương nơi Hành trình đi qua.
Ngoài những buổi tọa đàm, hành trình kết hợp các buổi tham quan mô hình khởi nghiệp tại địa phương; cùng với sự tham gia của các lãnh đạo địa phương với mục tiêu lắng nghe những khó khăn và giúp đỡ Startup nông nghiệp còn non trẻ, giúp họ tập huấn nâng cao năng lực quản trị và làm kinh tế. Hành trình cấp khu vực, các nhà khởi nghiệp, chủ của các dự án nông nghiệp gọi vốn trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng, sẵn sàng đồng hành cùng các dự án chất lượng cao.
Hành trình có triển lãm "Con đường nông sản" dành riêng cho các Startup, quy tụ những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao từ khắp cả nước. Cùng với giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của các mô hình kinh tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, của các doanh nghiệp do thanh niên làm chủ, triển lãm còn có hoạt động giao lưu, quảng bá, ghi nhận các ý kiến đánh giá hoàn thiện sản phẩm
Triển lãm trưng bày sản phẩm nông nghiệp của các mô hình kinh tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, của các doanh nghiệp do thanh niên làm chủ.
"Cô gái và chiếc xe máy"
Dự chương trình phát động, NSƯT Nguyễn Xuân Bắc - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam đã chia sẻ về vở kịch "Cô gái và chiếc xe máy" - một trong những điểm mới của Hành trình.
Theo đó, “Cô gái và chiếc xe máy” kể nhiều câu chuyện liên quan đến thanh niên ở nông thôn, thành phố loay hoay không biết bắt đầu sự nghiệp thế nào. Vở kịch không nói đến một thanh niên cụ thể mà nói đến suy nghĩ, quyết tâm, niềm tin đối với xã hội và sự nghiệp cuộc sống của mình.
"Khởi nghiệp không có nghĩa là phải làm điều gì ghê gớm mà bắt đầu từ đam mê, hiểu biết về những điều đang theo đuổi và bắt đầu làm. Vở kịch muốn chuyển thông điệp ngay từ khi trẻ ngồi trên ghế nhà trường, rồi học đại học hay không học đại học thì việc trang bị kiến thức, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm, nhận thức là bắt đầu chuẩn bị cho lập nghiệp, khởi nghiệp.
Tôi tin rằng, vở kịch là nguồn động lực lớn cho thanh niên. Ai còn e rè thì sẽ có thêm niềm tin động lực; ai gặp khó khăn thử thách thì sẽ thêm quyết tâm, nỗ lực vượt qua", NSƯT Xuân Bắc chia sẻ.