Cơ hội từ những dịch chuyển trong các chuỗi giá trị (Kỳ III): Lợi ích và chi phí của vốn FDI
Dòng vốn FDI mang lại những lợi ích quan trọng, trong đó có khả năng tiếp cận đến chuỗi giá trị, nhưng cũng làm phát sinh chi phí
FDI đã đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập kỷ qua. Mối quan hệ nhân quả giữa FDI và tăng trưởng vận động theo cả hai hướng. FDI kích thích tăng trưởng bằng cách cung cấp khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu, công nghệ, sản phẩm và quy trình mới và gia tăng vốn đầu tư.
Nhưng tăng trưởng cũng tạo ra FDI, khi các công ty đa quốc gia chuyển đến để phục vụ các ngành công nghiệp đang phát triển và thị trường tiêu dùng. Do đó, tỷ lệ hấp thụ FDI cao của Việt Nam cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là nguyên nhân và kết quả của tốc độ tăng trưởng cao trong nước.
Trong giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn. Điều này phản ánh các xu hướng tương tự trong khu vực và giữa các quốc gia đang phát triển trên toàn cầu.
Tăng trưởng FDI chậm hơn là dấu hiệu cho thấy những thay đổi trong chính sách đầu tư ở các nước nhận đầu tư, ví dụ như sự trỗi dậy về chủ nghĩa dân tộc tài nguyên trong các nhà xuất khẩu năng lượng và khoáng sản. Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển ngày càng tập trung vào một số ít nền kinh tế, trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Nhu cầu yếu ở các nước tiên tiến đã kìm hãm mọi hình thức đầu tư ở các nước đang phát triển, bao gồm cả vốn FDI (UNCTAD 2019).
Dòng vốn FDI thường được coi là động lực chính đối với việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), và vì vậy các nước đang phát triển được khuyến khích dành ưu tiên cao cho việc thu hút vốn FDI. Các bước được đề xuất để thu hút FDI bao gồm thực thi hợp đồng, bảo vệ quyền sở hữu trong đó có sở hữu trí tuệ, đơn giản hoá các quy định nhằm giảm chi phí kinh doanh, tự do hóa thương mại, nới lỏng bảo vệ lao động, phá giá tỷ giá hối đoái và một số chính sách xúc tiến đầu tư, bao gồm các chính sách ưu đãi tài chính. Các chính sách công nghiệp nhằm nâng cao năng lực trong nước như yêu cầu về hàm lượng nội địa hoá không được khuyến khích vì chúng làm bóp méo thị trường (Ngân hàng Thế giới, 2020).
Dòng vốn FDI mang lại những lợi ích quan trọng, trong đó có khả năng tiếp cận đến GVC, nhưng cũng làm phát sinh chi phí. Như đã nêu ở phần trên, sản xuất theo mô-đun đã tạo ra một kênh để các nước đang phát triển thâm nhập thị trường xuất khẩu và tạo ra việc làm ổn định trong khu vực chính thức cho người lao động dịch chuyển từ ngành nông nghiệp và khu vực dịch vụ truyền thống có năng suất thấp.
Tuy nhiên, hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI lại thâm dụng nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở Việt Nam, nơi giá trị gia tăng nhập khẩu trong hàng xuất khẩu cao hơn Thái Lan và Malaysia trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Do đó, tác động đến cán cân thanh toán tích cực, nhưng giá trị gia tăng trong nước của một số mặt hàng lại nhỏ. FDI cung cấp vốn đầu tư phát triển, nhưng chi phí đắt hơn so với các nguồn khác, với tỷ lệ hoàn vốn từ lợi nhuận chuyển về cao hơn lãi suất vay ngân hàng. Lợi nhuận chuyển về là một khoản nợ tương đương với nợ nước ngoài cần được có nguồn để chi trả giống như tất cả các khoản nợ khác.
Chuyển giá cũng là một vấn đề ở Việt Nam thể hiện qua những sai sót và thiếu sót lớn trong cán cân thanh toán. Các nhà đầu tư nước ngoài thường yêu cầu chính quyền trung ương và địa phương miễn thuế, điều này làm giảm tác động tích cực của đầu tư nước ngoài đến nguồn thu của chính phủ.
Hiệu ứng liên kết xuôi và ngược là một lợi ích quan trọng của vốn FDI. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua hàng hóa và dịch vụ từ các công ty trong nước, làm tăng nhu cầu và có khả năng kích thích sản xuất các sản phẩm mà trước đây phải nhập khẩu. Các công ty trong nước cũng mua đầu vào từ các doanh nghiệp FDI, mà một số trong số các hàng hoá đầu vào này có thể trước đây đã được nhập khẩu. Những mối quan hệ này có thể thúc đẩy sự phát triển công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước đến mức họ có được công nghệ và kỹ năng mới để phục vụ khách hàng doanh nghiệp đa quốc gia. Bằng chứng về “liên kết ngang” như chia sẻ kỹ năng, xảy ra khi người lao động được đào tạo trong doanh nghiệp FDI chuyển đến các công ty trong nước, còn nhiều hạn chế. Hiệu ứng liên kết của tất cả các loại bị hạn chế nhất khi FDI tập trung vào các phân khúc thâm dụng lao động của chuỗi cung ứng.
Năng suất và các chuỗi giá trị toàn cầu động lực cuối cùng của tăng trưởng và thu nhập là tăng năng suất lao động. Do đó, cần tìm hiểu mối quan hệ giữa GVC với tăng năng suất ở các nước đang phát triển và vai trò của FDI trong mối quan hệ này. Hình 4 minh họa mối quan hệ này đối với các nước đang phát triển lớn tham gia tích cực vào GVC.
Sự tham gia vào GVC trong trường hợp này được đo lường như một chỉ số kết hợp giá trị gia tăng của nước ngoài trong xuất khẩu của mỗi quốc gia cùng với giá trị gia tăng được tạo ra ở mỗi quốc gia thể hiện trong xuất khẩu của các đối tác thương mại của họ. Hình này cho thấy mối quan hệ tích cực tồn tại giữa việc tham gia vào GVC và tăng năng suất lao động. Các quốc gia như Trung Quốc, Philippines và Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu đã ghi nhận tốc độ tăng năng suất cao hơn các quốc gia tham gia ít tích cực hơn. Tuy nhiên, không có mối quan hệ giữa tỷ trọng FDI trong sản lượng quốc gia và tăng năng suất. Mặc dù Việt Nam đạt tốc độ tăng năng suất lao động cao trong giai đoạn này, nhưng các điểm đến FDI được ưa chuộng khác như Mexico, Chile và Colombia thì không.
Xem xét kỹ hơn hình trên cho thấy mối quan hệ giữa sự tham gia vào GVC và tăng năng suất được định hình bởi các động lực kinh tế khu vực. Ba nhóm khu vực nổi bật là Trung Quốc và Đông Nam Á, ghi nhận cả sự tham gia tích cực vào GVC và tốc độ tăng năng suất cao; Nam Á, có tốc độ tăng năng suất cũng cao nhưng sự tham gia vào GVC ít tích cực hơn; và Châu Mỹ Latinh, ghi nhận cả tốc độ tăng năng suất thấp bất kể mức độ tham gia vào GVC như thế nào.
Lý do mà Trung Quốc và Đông Nam Á đã ghi nhận tốc độ tăng năng suất cao hơn đã được đề cập trong bài báo này. Việc tham gia vào GVC có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các nước dư thừa lao động vì GVC cho phép họ tận dụng lợi thế so sánh của mình về nguồn lao động dồi dào, dịch chuyển người lao động từ ngành nông nghiệp năng suất thấp và các dịch vụ truyền thống sang những việc làm chính thức, ổn định trong các ngành thâm dụng lao động. Mặc dù việc phân bổ lại lao động giữa các vùng cũng diễn ra ở Mỹ Latinh, mức lương phổ biến ở các nước này vẫn cao hơn nhiều so với Đông Nam Á.6
Điều còn quan trọng hơn là tốc độ tăng năng suất trong khu vực công nghiệp. Lý do tạo nên sự khác biệt giữa Mỹ Latinh với châu Á là năng lực của châu Á (với một số ngoại lệ) để đạt được mức tăng trưởng ổn định về năng suất trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Hình 5 cho thấy tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm trong ngành công nghiệp của một số quốc gia Châu Á và Châu Mỹ Latinh trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu (2010- 2019). Ngay cả ở những nước mà FDI đóng vai trò quan trọng, các nước Mỹ Latinh đã ghi nhận tốc độ tăng năng suất thấp hoặc thậm chí âm, trong khi các nước Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á duy trì tốc độ tăng trưởng cao ngay cả trong thời kỳ nhu cầu toàn cầu yếu hiện nay.
Như chúng ta đã thấy, mối quan hệ giữa quy mô vốn FDI và tăng năng suất còn yếu. Tuy nhiên, tăng năng suất ở cấp ngành và cấp quốc gia có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ đầu tư. Tốc độ tăng năng suất chậm của Mỹ Latinh so với châu Á được giải thích là do tỷ lệ đầu tư trên mỗi lao động vào lĩnh vực sản xuất còn thấp (Palma 2010). Mặc dù các số liệu thống kê liên quan không có sẵn cho các quốc gia được xem xét ở đây, chúng tôi sử dụng một chỉ số đại diện cho việc hình thành tổng vốn cố định ở cấp quốc gia (thay vì cấp ngành). Ngay cả những con số này cũng cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa Châu Mỹ Latinh và Châu Á (Hình 6).
Một điểm khác biệt quan trọng nữa giữa châu Mỹ Latinh và châu Á là tốc độ tăng năng suất lao động trong nông nghiệp đã đóng góp lớn vào tăng năng suất quốc gia ở Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Nhìn chung, tăng năng suất trong nông nghiệp ở châu Mỹ Latinh thấp hơn châu Á trong những năm gần đây, ngoại trừ Brazil. Giống như trong ngành công nghiệp, các quốc gia duy trì tỷ lệ đầu tư cao hơn trong lĩnh vực này đã có kết quả tốt hơn về tăng năng suất, mặc dù trong trường hợp này, sự phân chia theo khu vực ít rõ ràng hơn so với ngành công nghiệp.
Kỳ IV: Duy trì đầu tư và tăng năng suất
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam vẫn hấp dẫn các công ty đa quốc gia
11:18, 29/09/2020
Đề xuất xây dựng trung tâm chuyển đổi số tại mỗi vùng kinh tế trọng điểm
04:45, 30/09/2020
Phát triển nhân sự số “nền tảng” cho chuyển đổi số bao trùm
20:00, 29/09/2020
Tác động của COVID-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam
11:00, 30/09/2020