Tác động của COVID-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam

Diendandoanhnghiep.vn Covid-19 dự kiến sẽ có tác động lâu dài đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch có thể mang đến cơ hội và các quốc gia sẽ cần tính đến khi xây dựng các chiến lược phát triển.

Trên bình diện toàn cầu, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã có tác động tiêu cực chưa từng có đối với đời sống y tế, kinh tế và xã hội của chúng ta. Tuy nhiên, tác động này khác nhau đáng kể giữa các quốc gia, phần lớn do hiệu lực ứng phó của các chính phủ.

Việt Nam đã làm đặc biệt tốt trong việc nhanh chóng ngăn chặn đại dịch và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Nhân cơ hội này, tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam về thành tựu quan trọng này.

gsd

TS. Victoria Kwakwa

Những cơn gió ngược mạnh

Đại dịch này đã tạo ra sự kết hợp giữa các cú sốc cung và cầu trong nước với sự lan tỏa qua biên giới thông qua du lịch, thương mại, tài chính, thị trường hàng hóa và niềm tin của nhà đầu tư. Sự đứt gãy này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các trung tâm chủ yếu về thương mại, FDI và các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), vì các quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất là các nút sống còn trong các mạng toàn cầu này.

Vẫn còn quá sớm để hiểu được tác động đầy đủ của vi-rút này đối với nền kinh tế toàn cầu. Các ước tính sơ bộ của các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới cho thấy một cuộc suy thoái toàn cầu sâu hơn nhiều so với cuộc Đại suy thoái trước đây. Dòng vốn FDI toàn cầu và thương mại toàn cầu về hàng hóa trung gian và dịch vụ sẽ cần thời gian để phục hồi sau cú sốc COVID-19 này.

Hậu quả trước mắt của đại dịch là các nước đang phát triển đối mặt với những cơn gió ngược mạnh. Tôi muốn quý vị lưu tâm đến năm kênh chính sau đây về tác động đối với nền kinh tế toàn cầu.

Thứ nhất, Covid-19 làm gia tăng các xu thế chậm lại hiện hành về tăng trưởng thương mại, GDP và năng suất kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu giai đoạn 2007-2009. Tác động đối với sản lượng và thương mại toàn cầu được dự báo là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Dự báo cơ sở của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) cho thấy GDP toàn cầu giảm đi 5,2% trong năm 2020 - mức suy thoái toàn cầu sâu nhất trong tám thập kỷ. Trong số 14 đợt suy thoái toàn cầu trong vòng 150 năm qua, đợt suy thoái này đứng thứ tư về độ sâu (sau hai cuộc Chiến tranh Thế giới và cuộc Đại suy thoái năm 1930-1932. Thương mại hàng hóa thế giới có thể giảm đi từ 13% đến 32% trong năm 2020, tùy thuộc vào việc chúng ta có một kịch bản lạc quan hay bi quan. Đối với năm 2020, thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ giảm đi ở khoảng 93% các quốc gia, tỷ lệ lớn nhất trong một thế kỷ rưỡi. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới về năng suất toàn cầu cho thấy bốn dịch bệnh kể từ năm 2000 (SARS, MERS, Ebola và Zika) đã có tác động tiêu cực lớn và dai dẳng đến năng suất, làm giảm năng suất đi 4% sau ba năm. Đại dịch COVID-19 có thể tồi tệ hơn nhiều so với hầu hết các thảm họa trước đây do phạm vi ảnh hưởng có tính toàn cầu của nó và do việc đưa vào áp dụng các biện pháp giãn cách và cách ly xã hội chưa từng có trong lịch sử.

Thứ hai, các nguồn vốn chủ yếu cho phát triển: FDI, đầu tư gián tiếp và kiều hối đều giảm nghiêm trọng. Việc ồ ạt tháo chạy nhằm bảo toàn vốn đã gây ra sụt giảm đột ngột trong định giá tài sản và làm tăng mức biến động của thị trường tài chính trên khắp thế giới. Các dòng tài chính tư nhân bên ngoài vào các nền kinh tế đang phát triển có thể giảm đi 700 tỷ USD vào năm 2020 so với mức năm 2019, vượt quá tác động tức thì của Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 tới 60%. Các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ giảm đi 21,4% trong năm 2020, và tất cả các khu vực sẽ bị suy giảm về FDI, từ 5,2% ở châu Phi tiểu Xa-ha-ra đến 36% ở Trung Đông và Bắc Phi.

Thứ ba, với dòng người, thương mại và vốn chậm hơn, đại dịch này cũng làm trầm trọng thêm xu thế chủ nghĩa bảo hộ hiện hành và kéo theo khuynh hướng thiên về tự lực và tái cân bằng về phía nền kinh tế trong nước. Đại dịch đã làm tăng chi phí giao dịch quốc tế do chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và hạn chế di chuyển qua biên giới, khiến cho thị trường nội địa sẽ được quan tâm nhiều hơn. Mức độ nghiêm trọng trong tác động của đại dịch và việc cách ly xã hội và đóng cửa đến việc dịch chuyển con người có thể được minh họa bằng một con số thống kê của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về thay đổi số lượng hành khách hàng tháng so với năm 2019. Vào tháng 4 năm 2020, số lượng hành khách bay chỉ bằng chưa đầy 1/7 con số vào tháng 4 năm 2019.

Thứ tư, mạng sản xuất toàn cầu đang bị đứt gãy trên quy mô chưa từng thấy trước đây. Một mặt, việc giảm đột ngột sự dịch chuyển vốn, hàng hóa, nhân lực và dịch vụ đề cập ở trên góp phần vào làm đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Mặt khác, Trung Quốc, cùng với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, tạo nên chính phần cốt lõi của mạng sản xuất toàn cầu. Một cách ngẫu nhiên, tất cả những trung tâm quan trọng nhất của mạng lưới toàn cầu này đều bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vi-rút đó. Ngoài ra, các chuỗi cung ứng này tập trung quá mức tại các vùng có dịch, nhất là Trung Quốc. Bản đồ chuỗi cung ứng cho thấy 1.000 công ty hay nhà cung ứng lớn nhất trên thế giới sở hữu hơn 12.000 cơ sở (nhà máy, nhà kho và các hoạt động khác) tại các khu vực phải cách ly do Covid-19, hầu hết ở Trung Quốc. Mức tập trung cao về chuỗi cung ứng này giải thích cho mức độ nghiêm trọng của đứt gãy mà đến lượt nó dẫn đến suy giảm thương mại quốc tế, do các GVC chiếm trên 50% thương mại quốc tế.

Cuối cùng, tự động hóa gia tăng và việc thế giới rút lui khỏi các chuỗi giá trị toàn cầu có thể khiến chiến lược theo định hướng sử dụng công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu nhằm gia tăng hơn nữa mức tăng năng suất không còn thực sự hiệu quả với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế phát triển.

Covid-19 cũng có thể mang lại cơ hội

Nhưng đồng thời, Covid-19 cũng có thể mang lại cơ hội trên phạm vi toàn cầu và khu vực:

Một điều may mắn khả dĩ có lẽ là những thay đổi về hành vi do đại dịch gây ra sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa sản xuất, đặc biệt là trong ngành chế biến chế tạo, cũng như đưa vào áp dụng các công nghệ kỹ thuật số một cách rộng rãi hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tốc độ đổi mới khoa học. Đại dịch COVID-19 có thể khởi phát những thay đổi lâu dài về tổ chức và công nghệ đối với cách thức hoạt động của các doanh nghiệp, loại bỏ các công ty kém hiệu quả nhất và khuyến khích ứng dụng các công nghệ sản xuất hiệu quả hơn.

Một cơ hội nữa cho các nước đang phát triển là việc tái phân bổ các cơ sở sản xuất kinh doanh của các công ty đa quốc gia muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm hiện có của mình và hình thành các liên minh kinh tế mới. Đối với các quốc gia có môi trường kinh doanh và quản trị vững chắc hoặc đang được cải thiện một cách đáng tin cậy, đây có thể là cơ hội mới để tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cuối cùng, các quốc gia cũng có thể nắm bắt các cơ hội này để đẩy nhanh chương trình cải cách của mình, hoặc tạo dựng sự đồng thuận cần thiết để thực hiện những cải cách khó khăn.

Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam lần thứ 3 năm 2020

Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam lần thứ 3 năm 2020

Hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Với những thách thức và cơ hội này do đại dịch tạo ra, hàm ý chính sách đối với Việt Nam là gì? Trước tiên, tôi muốn quý vị lưu tâm đến các điều kiện phát triển hiện tại của Việt Nam.

Với kết quả phát triển xuất sắc trong ba thập kỷ vừa qua, Việt Nam được coi là câu chuyện thành công về phát triển. Và Việt Nam tiếp tục phát triển tốt trong bối cảnh đại dịch trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại, tăng trưởng và phát triển vốn con người.

Tuy nhiên, vẫn còn dư địa đáng kể để tiếp tục cải thiện về phát triển GVC nhằm thực hiện mục tiêu phát triển dài hạn đầy tham vọng của Việt Nam là trở thành 12 nước thu nhập cao vào năm 2045 và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế tiến tiến.

Tôi muốn nhấn mạnh hai thực tế sau: Thứ nhất, mức độ tham gia của Việt Nam vào các GVC toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế, mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Mức độ tham gia của Việt Nam vào các GVC vẫn thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN (Xin-ga-po, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Phi-líppin). Năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các GVC, xếp thứ 55 trên tổng số 174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Phi-líp-pin với 84,8 tỷ USD và xếp thứ 34.

Thứ hai, mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp. Theo Báo cáo Phát triển Thế giới (WDR) năm 2020, mức độ tham gia của Việt Nam là chế biến chế tạo mức hạn chế, và cần tiến lên trong GVC để nâng cao năng suất. Hai cấp độ tinh vi phức tạp tiếp theo trong sự tham gia vào GVC là chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến, và các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Một số quốc gia khác trong ASEAN, như Ma-lai-xi-a, Thái Lan và Phi-líp-pin, hiện ở trình độ chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến. WDR năm 2020 ước tính rằng cứ 1% tăng lên trong sự tham gia GVC sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1% - nhiều hơn khoảng hai lần so với thương mại truyền thống, do vậy tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào GVC sẽ là quan trọng để Việt Nam thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng.

Tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề Việt Nam làm thế nào có thể chuẩn bị tốt cho việc phục hồi mạnh mẽ và tận dụng các cơ hội mới xuất hiện.

Trong tầm ngắn hạn việc đa dạng hóa của các công ty đa quốc gia (MNC) phụ thuộc vào triển vọng phục hồi của các cơ sở sản xuất thay thế. Việt Nam đã làm tốt cho đến nay nhưng cần tiếp tục ngăn chặn vi rút và củng cố các hoạt động có thể đẩy nhanh việc phục hồi mạnh mẽ. Việt Nam cần chống lại sự cám dỗ trở nên bảo hộ hơn - trên thực tế, hoàn toàn ngược lại, chúng tôi tin rằng Việt Nam nên tiếp tục giảm bớt các hạn chế đối với dòng vốn FDI vào và lĩnh vực kinh doanh của FDI.

Trong tầm trung hạn, việc chuẩn bị tốt cho 'tình trạng bình thường mới' của các GVC là điều quan trọng. Không thể thiết lập chuỗi cung ứng trong một sớm một chiều và các công ty vẫn phải vượt qua quá trình di dời tốn kém và tốn thời gian. Để làm được điều này, Việt Nam có thể xem xét một loạt các biện pháp, bao gồm:

Việt Nam có thể cân nhắc xây dựng các chiến lược để chủ động hướng vào và thu hút các nhà đầu tư từ Trung Quốc (sử dụng các Hiệp định xúc tiến và bảo hộ đầu tư và các biện pháp khuyến khích đặc biệt).

Cải thiện đòn bẩy FDI, thực hiện các biện pháp tăng cường liên kết chặt chẽ hơn giữa FDI và doanh nghiệp trong nước. Hai loại biện pháp này có thể đem lại về mặt này, đó là hình thành hệ thống chứng nhận chất lượng mà thường được yêu cầu tham gia vào các chuỗi cung ứng của các công ty nước ngoài và cải tiến cơ sở hạ tầng số cho phép các công ty hoạt động từ xa cả dọc theo chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra thị trường nước ngoài.

Chính phủ cũng có thể xem xét lại chiến lược Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của mình. Việc hỗ trợ đang diễn ra thiên về đổi mới sáng tạo dựa trên R&D ứng dụng do các tổ chức của trường đại học và các tổ chức nghiên cứu và các công ty FDI thực hiện, đó là những nỗ lực nhằm “thúc đẩy giới hạn về công nghệ”.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này, phần lớn kết quả tăng năng suất ở Việt Nam có lẽ là nhờ nâng cấp trình độ quản lý, sản xuất và ứng dụng các công nghệ hiện có. Vì vậy, việc tái cân bằng các nguồn lực và công cụ chính sách để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhằm giúp họ “tiến tới giới hạn năng suất hiện tại” thông qua việc ứng dụng và phổ biến công nghệ sẵn có nên là một trụ cột ưu tiên chính trong Chiến lược Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Trong tầm dài hạn, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách về năng suất và tiến tới giới hạn về năng suất. Tính trung bình, năng suất lao động trong các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển (EMDE) chưa bằng 1/5 mức ở các nền kinh tế tiên tiến, và kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng chỉ những nền kinh tế với những đặc điểm như chất lượng thể chế hoặc trình độ học vấn cao mới có thể tiếp cận được giới hạn này.

Đối với Việt Nam, cần nhấn mạnh vào phát triển kỹ năng và xây dựng năng lực R&D, cũng như thực hiện hữu hiệu đột phá của Việt Nam về cải cách thể chế. Phát triển kỹ năng là quan trọng để nâng cao mức độ tham gia vào GVC, từ mức chế biến chế tạo hạn chế, như Việt Nam hiện nay, lên mức chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến. Đồng thời, Việt Nam cũng có thể cần quan tâm đúng mức đến năng lực R&D và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT) để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi dần dần sang mức độ cuối cùng của sự tham gia vào GVC: các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Để tiếp tục đảm bảo phát triển bao trùm, Việt Nam cần quản lý tốt những gián đoạn trên thị trường lao động, một hệ quả của phát triển công nghệ, gắn với các xu hướng tự động hóa và số hóa đang nổi lên. Ví dụ, các công nghệ mới có thể dẫn đến việc bố trí công việc không an toàn và bấp bênh hơn, vì vậy sẽ cần cải cách về pháp lý và thuế hoặc cải cách hệ thống an sinh xã hội truyền thống để tăng cường quyền của người lao động. Việc thay đổi công nghệ nhanh chóng cũng có thể góp phần làm tăng bất bình đẳng về tiền lương giữa người lao động, cũng như giữa người lao động và chủ doanh nghiệp và có thể sử dụng các chính sách thuế lũy tiến để đảm bảo rằng những lợi ích thu được từ các công nghệ mới, chẳng hạn như AI, được chia sẻ rộng rãi hơn.

Covid-19 dự kiến sẽ có tác động lâu dài đến nền kinh tế toàn cầu, để lại những vết sẹo lâu dài thông qua nhiều kênh, bao gồm đầu tư thấp hơn, xói mòn vốn nhân lực do thất nghiệp và thất học và có thể gây ra việc rút lui khỏi thương mại và các liên kết cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch có thể mang đến cơ hội và các quốc gia sẽ cần tính đến điều này khi xây dựng các chiến lược phát triển của mình.

Tiếp tục hợp tác quốc tế để duy trì một hệ thống thương mại mở và dựa trên các quy tắc luật pháp sẽ là điều kiện thiết yếu để phục hồi và phát triển bền vững và bao trùm. Các quốc gia mà vẫn hội nhập toàn cầu sẽ ở vị thế tốt nhất để ứng phó hữu hiệu trong tầm ngắn hạn và phục hồi nhanh hơn trong tầm trung và dài hạn. Hợp tác thương mại toàn cầu mạnh mẽ hơn và duy trì các thị trường mở là nhu cầu cấp thiết.

Công thức bánh (P.I.E) Trung thu cho thành công của Việt Nam

Việt Nam cần chuẩn bị cho sự dịch chuyển tương lai trong các GVC và giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm ẩn của việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ đối với thị trường lao động.

Do chúng ta gần đến Tết Trung thu truyền thống, nên tôi muốn đưa ra một công thức bánh (P.I.E) Trung thu cho thành công, trong đó P là chữ viết tắt của Khu vực tư nhân, một khu vực sôi động và sáng tạo có mối liên kết chặt chẽ với FDI, I là chữ viết tắt của các Thể chế hữu hiệu và E là chữ viết tắt của giáo dục có chất lượng. Và chúng tôi sẽ muốn bảo đảm rằng tất cả mọi người đều nhận được phần bánh Tết Trung thu tương xứng.

Việt Nam đã làm rất tốt trong quá khứ và hiện tại, và tôi tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam có thể làm tốt như vậy hoặc thậm chí tốt hơn trong tương lai.

  

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tác động của COVID-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714076279 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714076279 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10