IMF khuyến nghị giải pháp trọng tâm phục hồi kinh tế hậu COVID-19
Tính toán cho thấy, việc tăng đầu tư công ở mức 1% GDP có thể kéo theo đầu tư tư nhân tăng 10%, việc làm tăng 1,2% và GDP tăng 2,7%.
Nhận định mới nhất được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trước thềm các cuộc họp mùa Thu của tổ chức này cho rằng, đầu tư công nên đóng vai trò trung tâm trong giai đoạn phục hồi ở các nền kinh tế mới nổi và phát triển sau thời gian suy giảm vì tác động của đại dịch COVID-19.
Theo IMF, việc đẩy mạnh những khoản chi tiêu với mức lãi suất thấp trên toàn cầu có thể giúp tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp trong ngắn hạn và hàng triệu việc làm gián tiếp khác trong dài hạn.
Tính toán cho thấy, việc tăng đầu tư công ở mức 1% GDP có thể kéo theo đầu tư tư nhân tăng 10%, việc làm tăng 1,2% và GDP tăng 2,7%. Cùng với đó là niềm tin chung vào khả năng phục hồi cũng sẽ cải thiện.
Đại dịch COVID-19 đã khiến kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh nhưng IMF đánh giá kể cả trước khi đại dịch xuất hiện, đầu tư công cũng "yếu kém" trong khoảng hơn 1 thập kỷ qua, bất chấp thực tế rằng ở một số quốc gia phát triển vẫn có những đoạn đường, những cây cầu cũ nát hay nhiều quốc gia nghèo hơn vẫn cần đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng giao thông, nước sạch và các hệ thống vệ sinh công cộng.
Các quan chức IMF cho rằng đây chính là lúc để tăng cường đầu tư công, khi nhiều quốc gia vẫn đang tiếp tục chống dịch và nhiều người dân đã mất việc làm vì cuộc khủng hoảng do đại dịch nay muốn đi tìm việc làm mới.
IMF ước tính cứ 1 triệu USD chi cho cơ sở hạ tầng truyền thống sẽ giúp tạo ra 2 - 8 việc làm, trong khi cùng số tiền đó chi cho nghiên cứu, phát triển và công nghệ xanh sẽ tạo ra 5 - 14 việc làm.
IMF khuyến khích các quốc gia vừa bảo trì những cơ sở hạ tầng hiện có, vừa xem xét kỹ hơn các dự án đã bị đình trệ trong thời gian qua và vạch ra những dự án mới với trọng tâm là những nhu cầu phát sinh sau khi dịch bệnh qua đi.
Lãi suất thấp trên toàn cầu cũng báo hiệu đây là thời điểm thích hợp để đầu tư, mặc dù trước đó IMF cũng thường cảnh báo về sự tích tụ lớn nợ công ở các nước đang phát triển.
Một số quốc gia có điều kiện tài chính thắt chặt hơn sẽ phải thực hiện cách tiếp cận dần dần để mở rộng quy mô phát triển cơ sở hạ tầng, triển vọng tăng trưởng sẽ được cải thiện nếu các dự án được quản lý tốt và tạo tiền đề cho tăng trưởng trong tương lai.
“Đầu tư hiện đang được yêu cầu cấp thiết trong các lĩnh vực quan trọng để kiểm soát đại dịch, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe, trường học, tòa nhà an toàn, giao thông an toàn và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số”, IMF cho biết trong báo cáo.
IMF cũng cho biết, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng là khả thi và có thể được chuyển giao nhanh chóng nếu các chính phủ đầu tư vào việc bảo trì cơ sở hạ tầng, xem xét và khởi động lại các dự án đã bị gác lại khi bắt đầu đại dịch, tăng tốc các dự án đang trong quá trình thực hiện và lập kế hoạch ngay lập tức cho hậu đại dịch của các khoản đầu tư.
Tại Việt Nam, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, ngay từ khi dịch COVID-19 xảy ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), ông Dương Mạnh Hùng, trong bối cảnh đầu tư của khu vực tư nhân tăng trưởng chậm, muốn thúc đẩy đầu tư toàn xã hội - động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế - buộc phải đẩy mạnh đầu tư công. Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 với những quy định mới, nhiều thủ tục đã đơn giản hơn, tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn.
3/4 thời gian năm 2020 đã trôi qua, giải ngân mới đạt 57% kế hoạch, dù không đạt như kỳ vọng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng kết quả này hết sức ấn tượng vì cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm thay vì phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn là phấn đấu giải ngân càng nhiều càng tốt, không chạy theo thành tích nếu công trình, dự án chưa bảo đảm đầy đủ thủ tục đầu tư. Vấn đề là phải tập trung giải ngân vốn cho các dự án có ảnh hưởng lan toả, dự án lớn, dự án tác động đến nhiều địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ngãi: Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công
05:12, 05/10/2020
Ngành thép "bắt sóng" đầu tư công
04:00, 28/09/2020
Quảng Ngãi: Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
00:44, 28/09/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 17/9: Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
18:00, 17/09/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 16/9: Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025
21:00, 16/09/2020
VNDIRECT: Đầu tư công và xuất khẩu sẽ là động lực tăng trưởng những tháng cuối năm
11:00, 10/09/2020
Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư: Điều chỉnh Luật Đầu tư công
15:00, 27/08/2020
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ngãi: Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công
05:12, 05/10/2020
Ngành thép "bắt sóng" đầu tư công
04:00, 28/09/2020
Quảng Ngãi: Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
00:44, 28/09/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 17/9: Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
18:00, 17/09/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 16/9: Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025
21:00, 16/09/2020
VNDIRECT: Đầu tư công và xuất khẩu sẽ là động lực tăng trưởng những tháng cuối năm
11:00, 10/09/2020
Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư: Điều chỉnh Luật Đầu tư công
15:00, 27/08/2020