Tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế: Nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực
Để chuẩn bị cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu chiến lược của ngành giáo dục và đào tạo cần điều chỉnh theo mục tiêu phát triển để nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực.
Đầu tư hay chi tiêu cho giáo dục và hạ tầng nếu làm đúng, sẽ không bao giờ sợ "lỗ". Hiện cơ cấu lao động của Việt Nam: nông nghiệp: 44,3%, công nghiệp: 22,9%, dịch vụ: 32,8%. Vấn đề là Việt Nam dường như đang bỏ qua giai đoạn công nghiệp hoá, tiến tới nền kinh tế dịch vụ hoá, nhưng là dịch vụ cấp thấp. Như vậy, về lâu dài sẽ là trở lực gia tăng năng suất lao động. Trong đó, hơn 18 triệu lao động có việc làm phi chính thức trên tổng số 55 triệu lao động.
Như vậy, việc cải thiện nguồn vốn con người phải tương xứng với tích luỹ nguồn vốn vật chất và nâng cấp công nghiệp của nền kinh tế, cũng như giải quyết được bài toán nguồn vốn cho tăng trưởng, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Việc nâng cấp nguồn nhân lực phải đi trước nhu cầu đổi mới kỹ thuật, kinh doanh trong dài hạn. Nếu không thì nguồn vốn con người sẽ trở thành một hạn chế ràng buộc đối với sự phát triển kinh tế.
Như báo chí đã đưa tin, trong thời gian qua nhân sự trung cấp đến cao cấp Hàn Quốc qua Việt Nam cạnh tranh với nhân sự trong nước phản ánh sự dịch chuyển tự do toàn cầu, sau tự do thông tin và tự do dòng luân chuyển vốn.
Đây là xu hướng tất yếu. Và như vậy, nếu không có chiến lược nâng cấp nguồn nhân lực tầm quốc gia ngay từ "hôm qua", tương lai năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ bị đe doạ không chỉ bởi sự thiếu hụt tầng lớp công nhân kỹ thuật lành nghề, mà tầng lớp quản lý cấp cao cũng sẽ bị quốc tế lấn át. Bởi điều này không chỉ khiến nền kinh tế mắc kẹt ở "bẫy thu nhập trung bình", mà còn có nguy cơ kéo lùi văn hoá, đạo đức... Bởi vậy, nguồn lực lớn mạnh nhất phải đến từ bên trong.
Có thể bạn quan tâm