Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do hiện nay nguồn năng lượng này phát triển chưa xứng với tiềm năng vốn có.
Năm 2020 với cú sốc Covid-19 đã khiến cả thế giới lao đao và chịu thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế nhưng đồng thời cũng thôi thúc sự chuyển đổi đột phá về tư duy và mô hình phát triển thích ứng. Covid-19 khiến giá dầu lao dốc, giá than giảm ở mức kỷ lục tại Úc, nhưng năng lượng tái tạo là nguồn duy nhất vẫn tăng trưởng.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành các chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió. Đồng thời, gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu trong giai đoạn tới.
Tính đến tháng 6/2020, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành đạt khoảng 5.500MW, trong đó điện mặt trời mái nhà đạt trên 42.000 dự án. Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện và Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang dẫn đầu về tăng trưởng năng lượng tái tạo trong khu vực ASEAN.
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Thứ nhất, tiềm năng các nguồn thủy điện. Theo quy hoạch bậc thang thủy điện các dòng sông lớn và quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tại các địa phương đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Việt Nam có thể phát triển hơn 1.200 dự án thủy điện với tổng công suất khoảng 26.500MW, sản lượng điện sản xuất khoảng 95 - 100 tỷ kWh.
Thứ hai là tiềm năng các nguồn điện gió. Hiện tại, các tỉnh, thành phố ven biển và các tỉnh cao nguyên của Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió. Tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 377.000MW, trong đó điện gió trên đất liền khoảng 217.000MW, trên mặt biển khoảng 160.000MW.
Thứ ba, tiềm năng các nguồn điện mặt trời. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, nguồn năng lượng mặt trời sử dụng hầu như quanh năm. Tổng tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 434.000MW. Trong đó, điện mặt trời quy mô lớn mặt đất khoảng 309.000MW, trên mặt nước khoảng 77.000MW, trên mái nhà khoảng 48.000MW và tiềm năng các nguồn năng lượng sinh khối có thể được sử dụng để phát điện với tổng công suất khoảng 8.500MW.
Dẫu vậy, bên cạnh tiềm năng to lớn, trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo các nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty IQLinks, Giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Sunseap Link Việt Nam chia sẻ: Hiện tại xuất hiện thêm nhiều việc sẽ khó giải quyết và khó khăn cho nhà đầu tư, dẫn đến các kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công thương và Ngành điện không thể thực hiện. Cụ thể, để hoàn tất thủ tục cho một dự án điện phải được chính quyền địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư. Khi đó, nhà đầu tư phải làm việc với hầu hết các sở ngành tại tỉnh, huyện, xã với thời gian kéo dài không duới 18 tháng.
Sau khi được chấp thuận của cấp có thẩm quyền, nhà đầu tư phải làm việc với nhũng hộ dân trong khu vực quy hoạch để đàm phán việc chuyển nhượng đất. Hồ sơ hoàn tất, chủ đầu tư gửi Bộ công thương thương thẩm định trước, sau đó gửi đi xin ý kiến của khoảng 12 cơ quan. Thông được hết các Bộ, ngành chức năng và chờ Thủ tướng phê duyệt, chấp thuận bổ sung và quy hoạch điện. “Hành trình này vô cùng mất thời gian và vất vả. Chỉ cần 1/12 đơn vị tham gia, cho ý kiến khác thì mặc nhiên dự án chậm lại và thời gian tiếp tục kéo dài. Tóm lại muốn triển khai được dự án phải mất từ 3-5 năm”, ông Bắc chia sẻ.
Doanh nghiệp năng lượng tái tạo cho rằng, hiện nay, các nhà đầu tư mong muốn một chính sách thông thoáng, cởi bỏ tư duy độc quyền để đa dạng hoá nguồn năng lượng. Huỷ bỏ các văn bản có tính pháp quy chồng chéo, tiền hậu bất nhất, giảm bớt các đầu mới thẩm định. Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, tiền bạc, sớm triển khai và hoàn thành xây dựng dự án. Điều này cũng giám áp lực lên ngân sách Nhà nước, của Tập đoàn điện lực Việt Nam. Mục đích cuối cùng nhằm phục vụ tốt hơn cho đời sống của nhân dân, nhà máy, hãng xưởng, các đơn vị kinh doanh sản xuất được thừa hưởng nguồn năng lượng sạch, ổn định và giá cả phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn còn nhiều điểm nghẽn, như chính sách về đầu tư phát triển, quản lý tài nguyên năng lượng, ứng dụng khoa học và công nghệ. Một số chiến lược, quy hoạch năng lượng chậm được hoàn thiện, chưa sát với tình hình thực tế, chưa thực sự gắn kết với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và một số ngành khác. Những khó khăn đó khiến không ít dự án khó triển khai, thậm chí có nguy cơ hủy bỏ.
Để làm rõ các nội dung trên và kiến nghị các giải pháp tạo điều kiện cho công tác triển khai nghị quyết, được sự chỉ đạo của Phòng g Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cùng với sự tham gia và tư vấn của Hội đồng bình chọn đến từ các Bộ, ban, ngành; Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và Môi trường Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam; Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam; Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tổ chức Diễn đàn với chủ đề: “NGHỊ QUYẾT 55-NQ/TW VÀ CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VIỆT NAM” và "CHƯƠNG TRÌNH BÌNH CHỌN DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO TIÊU BIỂU VIỆT NAM NĂM 2020".
Diễn đàn lần này góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại diễn đàn, đại diện Bộ, ban, ngành, nhà khoa học, chuyên gia và nhà đầu tư chia sẻ các nội dung liên quan tới Chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng; Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững; xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam; Thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực hoạch định chính sách phục vụ phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp ổn định hệ thống truyền tải điện năng lượng tái tạo
16:26, 07/10/2020
"Điểm nghẽn" trong phát triển dự án năng lượng tái tạo
02:00, 07/10/2020
“Cú hích” để doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo
04:01, 19/09/2020
Quy hoạch Điện VIII: Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo
03:00, 07/09/2020
EVN nỗ lực giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo
11:36, 04/09/2020
Giải pháp phát triển năng lượng tái tạo vùng biển
05:05, 04/09/2020
Gỡ “rào cản” phát triển năng lượng tái tạo
05:00, 28/08/2020
Cần đòn bẩy phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam
05:00, 04/08/2020