Dòng chảy thương mại Việt Nam-Nam Mỹ cần trợ lực từ logistics
Do khoảng cách địa lý xa xôi, dịch vụ logistics chưa phát triển đồng bộ và hiện đại, khiến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nam Mỹ vẫn chưa thể tăng mạnh.
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, mặc dù giá trị thương mại Việt Nam- Nam Mỹ đã tăng hơn 2,5 lần, từ 2,45 tỷ USD vào năm 2011 lên 8,68 tỷ USD vào năm 2019, nhưng chủ yếu Việt Nam vẫn nhập siêu tới 3,3 tỷ USD.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường lớn tại Nam Mỹ còn rất hạn chế. Đơn cử kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Argentina chỉ đạt khoảng 500 triệu USD, chiếm khoảng 1,4% tổng nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Argentina. Thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường Brazil cũng còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Brazil.
Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, thời gian qua, hoạt động trao đổi hàng hóa hai bên trở nên khó khăn hơn bởi một số bất cập từ COVID-19; trong đó có những bất cập về vấn đề logistics. Do vậy, sự phát triển thương mại Việt Nam – Nam Mỹ phụ thuộc rất lớn vào các nền tảng sẵn có của dịch vụ logistics.
Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý xa xôi, tuyến vận tải hành khách, hàng hóa trực tiếp còn thiếu và yếu nên chi phí logistics Việt Nam sang Nam Mỹ còn ở mức rất cao, khiến hàng hóa Việt khó cạnh tranh với các đối thủ khác tại thị trường này.
Ông Lê Hoàng Tài cũng chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 càng cho thấy rõ sự thiếu hụt cơ sở vật chất logistics gây cản trở dòng chảy thương mại hàng hóa của Việt Nam và Nam Mỹ.
Vì vậy, việc hợp tác giữa hai bên rất quan trọng để doanh nghiệp hai bên tối ưu hóa dịch vụ logistics, phục vụ tốt hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics hai bên cũng sẽ gặp một số rào cản về ngôn ngữ, khác biệt văn hóa và chưa tiếp cận thuận lợi những thông tin về thị trường nên chưa có nhiều hoạt động hợp tác, làm đại lý tại thị trường của nhau hoặc liên kết tổ chức dịch vụ. Sự yếu kém của ngành logistics khiến việc hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hai bên bị hạn chế.
Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết hiện chi phí logistics Việt Nam còn cao, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ còn thấp, năng lực nhân sự trong ngành còn yếu. Ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ sau dịch COVID- 19.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Tương, doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác bằng cách gặp mặt trực tiếp hoặc thông qua đại lý tại thị trường khác để tìm hiểu thông tin và nhu cầu của nhau.
Để tạo điều kiện cho ngành logistics trong nước phát triển và hợp tác thành công với đối tác quốc tế, ông Lê Hoàng Tài cho biết, Bộ Công thương đang tích cực rà soát các thủ tục hành chính để đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics. Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích các doanh nghiệp logistics đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, tăng tính kết nối của hệ thống phương tiện vận tải, ứng dụng số hóa các quy trình hoạt động để năng cao năng lực cạnh tranh.
Có thể bạn quan tâm
“Hạ nhiệt” chi phí logistics (Kỳ V): Phát triển logistics 4.0
05:00, 14/12/2020
“Hạ nhiệt” chi phí logistics (Kỳ IV): Cải thiện thủ tục hải quan, xã hội hoá kiểm tra chuyên ngành
05:00, 11/12/2020
Cơn “khát” nguồn nhân lực logistics chất lượng cao
11:00, 09/12/2020
Gỡ điểm nghẽn hạ tầng logistics
05:30, 28/11/2020
Ba điểm yếu cố hữu khiến chi phí logistics Việt thiếu cạnh tranh
13:02, 26/11/2020
FTA thế hệ mới và cơ hội cho logistics Việt Nam
11:47, 26/11/2020