Đến 2030, nhu cầu nhân lực logistics của Việt Nam lên đến 2,2 triệu người. Tuy nhiên, quy mô đào tạo nhân lực còn quá thấp.
Mất cân đối cung- cầu
Theo số liệu công bố trong Sách Trắng Logistics của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) năm 2018, nếu như năm 2016, số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam là 22.366 thì đến năm 2018, con số này tương ứng khoảng 30.971 doanh nghiệp, tăng 30%. Trên cơ sở số liệu thống kê này có thể ước tính quy mô nhân lực trung bình tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam khoảng 20 người/doanh nghiệp.
Nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2030 sẽ là khoảng 1,6 triệu người. Nhu cầu lao động logistics cần đào tạo trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng ở mức gần 600 ngàn người, và cả nước do đó, đến năm 2030 có nhu cầu nhân lực logistics là 2,2 triệu người.
Nhu cầu về nhân lực rất lớn như vậy, nhưng quy mô về đào tạo nhân lực logistics lại còn quá thấp. Trên toàn quốc, hiện có 30 trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành hoặc chuyên ngành logistics với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 là khoảng 3.000. Bên cạnh đó là 32 trường cao đẳng có các chương trình đào tạo logistics và gần với logistics với quy mô hàng năm từ 800 đến 1.000 người học.Tại Hải Phòng, chỉ có duy nhất Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo cử nhân chuyên ngành logistics với năng lực khoảng 300 sinh viên một năm và khoảng 1.000 sinh viên các chuyên ngành gần như Kinh tế vận tải biển, Kinh tế vận tải thủy, Kinh tế Ngoại thương,.. Ngoài các trường Đại học, Cao đẳng, người học cũng có thể được đào tạo qua các chương trình ngắn hạn tại các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ. Trung tâm Đào tạo Logistics Tiểu vùng sông Mekong – Nhật Bản tại Việt Nam là một cơ sở như thế của nhà trường, với khả năng cung cấp những khoá học mang tính thực tiễn cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng nhân lực, thậm chí thiết kế riêng chương trình đào tạo ngắn hạn theo yêu cầu đặc thù của mỗi doanh nghiệp.
Nguồn cung “chắp vá”
Ngoài vấn đề về số lượng các cơ sở đào tạo và quy mô đào tạo, khó khăn chung của các trường Đại học và Cao đẳng là phải tự túc toàn bộ nên cần nguồn lực lớn để phát triển quy mô. Giảng viên phần lớn là kiêm nhiệm công việc giảng dạy nên mặc dù có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nhưng thường hạn chế về phương pháp sư phạm và trình độ chuyên môn.
Tự đào tạo vẫn là hình thức phổ biến trong năm qua tại các doanh nghiệp. Do khó tìm được nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thực tế nên phần lớn các doanh nghiệp phải tự đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng cho nhân viên theo điều kiện hiện có. Các hình thức tự đào tạo phổ biến tại doanh nghiệp Việt Nam hiện nay bao gồm: đào tạo qua công việc do nhân viên có kinh nghiệm hướng dẫn nhân viên mới, các chương trình đào tạo nội bộ do doanh nghiệp tự xây dựng và mời chuyên gia về đào tạo tại doanh nghiệp.
Phát triển nhân lực chất lượng cao, khó cũng phải làm!
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và phát triển một đội ngũ nhân lực logistics có chất lượng cho Hải Phòng trong thời gian tới thì giải pháp trước mắt vẫn cần sự kết hợp chặt chẽ giữa các Sở, Ban, ngành các doanh nghiệp logistics và người lao động thông qua các khóa, trường lớp đào tạo, sử dụng kết hợp nhiều nguồn tài chính và phương thức đào tạo với giáo án tiên tiến nhằm đáp ứng tốt đòi hỏi trong thực tiễn.
Để cạnh tranh được với các doanh nghiệp đến từ những hãng vận tải lớn của nước ngoài, đòi hỏi phải có lực lượng lao động logistics chất lượng cao. Muốn vậy, giáo dục không chỉ đi trước một bước, mà cần đi trước nhiều bước.
Theo ông Dương, các trường đại học cần thay đổi về phương thức, nội dung, chương trình đào tạo. Trước mắt, thành phố Hải Phòng cần đẩy mạnh đầu tư nhằm phát huy vai trò của các chương trình đào tạo trung và ngắn hạn được thực hiện bởi các viện, trung tâm, hiệp hội và các công ty đào tạo. Các khóa học ngắn hạn này tập trung vào các mảng nghiệp vụ hoặc tác nghiệp chuyên biệt, phục vụ cho một nhiệm vụ cụ thể; cập nhật những kiến thức luật pháp trong nước và quốc tế về vận tải đa phương thức, các hoạt động chính của logistics và kỹ năng vận hành dịch vụ logistics cho nguồn nhân lực hiện có.
Chúng ta cần phải có chiến lược đào tạo nhân lực cho ngành logistics một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó là việc kết hợp với đối tác nước ngoài để quy hoạch một cách bài bản hệ thống hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng thể chế đồng bộ đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển cho ngành logistics.
Nội dung, chương trình đào tạo cần nghiên cứu chương trình của những nước thành công trong hoạt động logistics để sàng lọc, bổ sung và chuẩn hóa chương trình của Việt Nam cho các cấp độ, chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, nhất là chuyên ngành. Bên cạnh đó các doanh nghiệp trong ngành logistics cũng nên áp dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy tăng năng suất lao động, tạo động lực cho người lao động để giữ chân và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao thời gian tới.
Hiệu quả trong hoạt động logistics được coi như chìa khóa cho khả năng cạnh tranh và mở ra thành công cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Trước bối cảnh đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ là những yêu cầu trở nên bức thiết.
Có thể bạn quan tâm
“Hạ nhiệt” chi phí logistics (Kỳ III): Cần quản lý việc tăng phí và phụ phí
05:00, 09/12/2020
VIMC vào top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2020
15:03, 08/12/2020
“Hạ nhiệt” chi phí logistics (Kỳ II): Liên kết doanh nghiệp một cách chủ động
05:00, 08/12/2020
“Hạ nhiệt” chi phí logistics (Kỳ I): Mấu chốt là phát triển kết cấu hạ tầng
05:30, 07/12/2020
Hải Phòng cần làm gì để phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao?
13:05, 02/12/2020
Gỡ điểm nghẽn hạ tầng logistics
05:30, 28/11/2020
Ba điểm yếu cố hữu khiến chi phí logistics Việt thiếu cạnh tranh
13:02, 26/11/2020