Để trở thành trung tâm logistics khu vực, Hải Phòng bắt buộc phải giải rất nhiều bài toán hóc búa. Một trong số đó là bài toán về nguồn nhân lực logistics chất lượng cao.
Cùng DĐDN trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó hiệu trưởng trường đại học Hàng Hải Việt Nam để đánh giá, nhìn nhận lại thực trạng nguồn nhân lực logistics chất lượng cao tại Hải Phòng cũng như tìm kiếm các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực quan trọng này.
- Hải Phòng đang phấn đấu để trở thành trung tâm logistics khu vực. Theo đánh giá của ông, nguồn nhân lực logistics chất lượng cao của Hải Phòng đang ở ngưỡng nào của sự phát triển?
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng thời kỳ CNH-HĐH đất nước, thành phố đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thể hiện ở nhiều thành tựu đáng tự hào về kinh tế, cơ sở hạ tầng, an ninh chính trị và đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, thành phố vẫn còn những mặt tồn tại, trong đó, dù có 4 trường Đại học và 16 trường Cao đẳng nhưng Hải Phòng chưa trở thành trung tâm Khoa học công nghệ của vùng, hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) chưa mạnh, cơ sở hạ tầng cho công nghệ cao còn yếu, thị trường khoa học công nghệ mới được hình thành, còn khiêm tốn về số lượng và chất lượng các sản phẩm khoa học công nghệ.
- Ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 45-NQ/TW với các mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước, trọng điểm về dịch vụ Logistics, đặc biệt là trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế biển. Những nhiệm vụ và các giải pháp mà Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của Bộ Công Thương đã đưa ra cụ thể là gì thưa ông?
Nghị quyết đã chỉ rõ một trong số các nhiệm vụ, giải pháp là: xây dựng, phát triển hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển khoa học công nghệ của cả nước. Trong đó, nhấn mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà Hải Phòng có lợi thế như kinh tế biển, hàng hải, vận tải biển, dịch vụ logistics, đóng tàu, cơ khí.
Trước đó, năm 2017, Quyết định 200 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, trong đó, nhóm nhiệm vụ thứ 5 là Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực. Mục tiêu đặt ra là ứng dụng các công nghệ mới trong logistics, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất, thương mại của doanh nghiệp.
Đến tháng 3/2019, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 708 về việc phê duyệt Kế hoạch cải thiện chỉ số hiệu quả Logistics Việt Nam với 7 nhóm nhiệm vụ, trong đó, nhóm nhiệm vụ bổ trợ nhấn mạnh các nội dung liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực.
- Theo đánh giá của ông, Hải Phòng có thể trở thành trung tâm cung cấp nguồn nhân lực logistics chất lượng cao cho cả nước không?
Trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế, nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành logistics ngày càng trở nên cấp thiết, thành phố Hải Phòng hướng đến việc trở thành trung tâm cung cấp nguồn nhân lực logistics chất lượng cao cho cả nước.
Lực lượng lao động ngành logistics đã hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của đất nước từ thời kỳ Pháp thuộc. Đến nay nguồn nhân lực logistics trên cả nước có khoảng 1 triệu lao động, gồm 3 nhóm chính là nhóm nhân lực quản trị cao cấp, nhóm nhân lực quản trị trung gian; nhóm nhân lực tham gia trực tiếp, ước tính chỉ được đáp ứng khoảng 40%÷50% nhu cầu của ngành.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%÷25% mỗi năm của ngành logistics, việc thiếu hụt nguồn nhân lực hiện nay ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các doanh nghiệp logistics trong nước. Có tới 80,26% nhân lực được đào tạo thông qua công việc hàng ngày, 23,6% tham gia các khóa học về logistics ở trong nước, chỉ có 3,9% tham gia các khóa đào tạo về logistics ở nước ngoài và trong những người được học về logistics chỉ khoảng 10% có trình độ thông thạo tiếng Anh chuyên ngành logistics.
Tại Hải Phòng, nhu cầu về nguồn nhân lực logistics tăng mạnh từ 160.000 năm 2011 đến 400.000 năm 2015, trong khi đó, lực lượng lao động logistics chỉ đáp ứng được chưa đến một nửa, với con số ước tính 170.000 năm 2015.
Theo tổng hợp của Viện chiến lược GTVT năm 2016, cả nước có 7 trường Đại học đào tạo nhân lực logistics thì đến hết tháng 10/2020, theo số liệu tổng hợp của Ban biên tập Báo cáo Logistics Việt Nam 2020, số lượng các trường đào tạo về logistics đã tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và quy mô.
Tại Hải Phòng, chỉ duy nhất có trường Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo chương trình cử nhân logistics. Trường Cao đẳng Hàng hải 1, từ năm 2019 bắt đầu chương trình đào tạo cao đẳng logistics nhưng số lượng tuyển sinh còn thấp, khoảng 40 sinh viên khóa đầu tiên.
Hải Phòng, với vị trí đặc thù, có nhiều thuận lợi cho công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao như: là thành phố có cảng biển đóng vai trò cửa ngõ phía Bắc, là trung tâm kết nối các phương thức vận tải, lượng hàng hóa thông qua đặc biệt là hàng container có tốc độ tăng trưởng nhanh trong nhiều năm, là nơi diễn ra nhiều hoạt động dịch vụ logistics như kho bãi, giao nhận, thủ tục hải quan...
Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics cũng đồng thời phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Số lượng giảng viên được đào tạo bài bản về chuyên ngành logistics còn rất hạn chế và thường là còn ít kinh nghiệm do tuổi đời còn trẻ, chưa có nhiều năm công tác. Thời gian đào tạo giảng viên từ bậc thạc sỹ đến tiến sỹ để đáp ứng yêu cầu giảng dạy kéo dài, thường mất từ 5 đến 6 năm, nên không thể có kết quả trong ngày một, ngày hai.
Trong nước, hiện chưa có nhiều các chương trình đào tạo bậc thạc sỹ, tiến sỹ về chuyên ngành logistics nên kinh phí cho giảng viên đào tạo tại nước ngoài luôn ở mức cao hơn rất nhiều. Giảng viên trong quá trình giảng dạy cần liên tục cập nhật các vấn đề thực tế thông qua kết nối doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học nhưng cũng vấp phải khó khăn do lịch giảng dạy căng thẳng và mức độ liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn hạn chế nhất định.
Các giảng viên có kinh nghiệm, thâm niên công tác lớn thì hạn chế về mặt ngoại ngữ nên khó tiếp cận với các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh hay các chương trình cấp các chứng chỉ quốc tế. Mức thu nhập của giảng viên chưa thực sự hấp dẫn để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tài liệu, sách tham khảo, chuyên khảo về chuyên ngành logistics chủ yếu bằng tiếng Anh và rất ít được viết bằng tiếng Việt hay đã được dịch sang tiếng Việt nên mức độ sử dụng của học viên (sinh viên và nhân viên từ các doanh nghiệp) chưa cao.
Các cơ sở vật chất hiện có như trung tâm logistics tiểu vùng sông Mekong, các phòng mô phỏng, trang thiết bị kho hàng, ... thường cố định tại một địa điểm, không linh hoạt di chuyển, cũng như công suất phục vụ số lượng học viên vẫn thấp hơn nhu cầu, kinh phí lắp đặt, xây dựng, bảo trì đắt đỏ.
Do chưa có bộ tiêu chí cụ thể về kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết cho nhân lực làm trong lĩnh vực logistics nên các chương trình đào tạo của các trường còn nhiều điểm khác biệt, chưa đồng nhất, liên kết với doanh nghiệp để tăng mức độ thực hành, thực tế cho sinh viên còn hạn chế. Nhu cầu học tập cũng như nền tảng, xuất phát điểm của học viên rất khác biệt và không đồng nhất nên việc xây dựng chương trình đòi hỏi công sức rất lớn.
- Xuất phát từ yêu cầu thực tế cũng như các thuận lợi, khó khăn như ông đã trình bày ở trên, theo ông, Hải Phòng cần xác định các phương hướng nào để nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics của thành phố?
Theo tôi, Hải Phòng cần phải kiên trì phát triển nguồn nhân lực giảng viên giảng dạy về logistics, thu hút các chuyên gia về logistics trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy, đào tạo. Cần phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, thực hành, thực tập; Thường xuyên xây dựng và tổ chức các chương trình Hội thảo, Tọa đàm, Cuộc thi về Logistics thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên nhằm khơi dậy niềm đam mê về nghề nghiệp.
Hải Phòng cũng cần đầu tư, khuyến khích mở các chương trình đào tạo logistics từ các khóa ngắn hạn, cao đẳng, cử nhân, sau đại học, cấp các chứng chỉ quốc tế, đồng thời tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyên giao công nghệ phục vụ phát triển dịch vụ logistics.
- Xin cảm ơn ông!
Dự kiến, ngày 18/12 tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và UBND TP Hải Phòng sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn Logistics Hải Phòng với chủ đề “Liên kết phát triển ngành logistics Hải Phòng”. Chương trình có sự tham gia phối hợp của Hiệp Hội Logistics Việt Nam và Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam. Diễn đàn kỳ vọng sẽ thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp logistics, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Hải Phòng và các tỉnh lân cận, cùng đóng góp những kiến nghị đề xuất giúp chính quyền thành phố xây dựng chính sách phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm logistics khu vực trong thời gian không xa. |
Có thể bạn quan tâm
05:30, 28/11/2020
13:02, 26/11/2020
11:47, 26/11/2020
04:15, 13/11/2020
05:00, 01/11/2020
04:00, 16/10/2020
06:00, 26/09/2020