FTA thế hệ mới và cơ hội cho logistics Việt Nam

NGUYỄN VIỆT thực hiện 26/11/2020 11:47

Năm 2020, khi EVFTA thực thi sẽ có tác động đến triển vọng thị trường và ngành dịch vụ logistics Việt Nam, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận thị trường.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khi trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 diễn ra ngày 26/11.

Bô trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Bô trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Năm 2020 đánh dấu một thời điểm hết sức quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, và Hiệp định RCEP được ký kết. Vậy, theo Bộ trưởng, các hiệp định có tác động thế nào đến các doanh nghiệp logistics Việt Nam?

Kể từ sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, tới nay Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và 2 FTA đang đàm phán, gồm Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) và FTA Việt Nam - Israel.

Các FTA này đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Năm 2020 đánh dấu một thời điểm hết sức quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, và Hiệp định RCEP được ký kết. Hai FTA thế hệ mới này dự kiến sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường logistics của EU trong năm 2019 đạt 1,150 tỷ Euro, dự báo đến năm 2024 đạt 1,345 tỷ Euro. Ngược lại, nhập khẩu từ EU vào Việt Nam cũng tăng khi hầu hết các sản phẩm các loại được giảm thuế nhập khẩu trong bối cảnh nhu cầu và sức mua tại Việt Nam tăng.

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng 20% trong năm 2020; 42,7% năm 2025; 44,37% năm 2030, tương ứng với nhập khẩu vào Việt Nam từ EU là 15,28%, 33,06%, 36,7%.  EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Mỗi năm các cảng biển tại EU xử lý khoảng bốn tỷ tấn hàng hóa, trong đó lợi nhuận lớn nhất là từ các cảng biển lớn, vận tải chiếm tới 46% tổng giá trị thị trường logistics, kho bãi chiếm 11%, các dịch vụ logistics khác chiếm 43%.

Đối với RCEP, đây được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới bởi bao trùm một thị trường khổng lồ có quy mô 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ Đô la Mỹ tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (2019).

- Triển vọng ngành logistics Việt Nam khi tham gia Hiệp định EVFTA và RCEP mang đến không chỉ cơ hội mà cả các thách thức, thưa Bộ trưởng?

Đúng vậy. Về cơ hội, ngành logistics sẽ phát triển nhờ vào các cam kết trong hiệp định, trong đó có cả các cơ hội về nguồn cung, cầu cho dịch vụ này cũng như các điều kiện để dịch vụ này có thể thực hiện hiệu quả.

Cơ hội gia tăng quy mô thị trường, xuất phát từ nguồn cầu lớn đối với hoạt động logistics. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi EU sẽ tăng khoảng 20% vào năm 2020, khoảng 42,7% vào năm 2025 và khoảng 44,37% vào năm 2030.

Theo chiều ngược lại, mặc dù chưa có tính toán chi tiết, dự kiến tăng trưởng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sau EVFTA cũng sẽ gia tăng nhanh chóng, khi nhiều sản phẩm EU có thế mạnh sẽ được Việt Nam loại bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên càng nhộn nhịp thì thị trường đối với dịch vụ logistics càng mở rộng, đặc biệt là dịch vụ logistics quốc tế.

Đối với RCEP, tính riêng 10 tháng 2020, thương mại 2 chiều của Việt Nam với 14 thị trường trong khối thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đạt 240 tỷ USD, chiếm gần 54,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tính hết tháng 10/2020.

Cơ hội tăng hiệu quả kinh doanh từ cải cách thủ tục hành chính. Các cam kết về thể chế và hàng rào phi thuế quan trong các FTA sẽ tạo ra sức ép lớn buộc Chính phủ phải cải cách trong nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạt động logistics, đặc biệt là hải quan, kiểm tra chuyên ngành. Việc thực hiện các cam kết này sẽ giúp cải thiện đáng kể trong thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa - yếu tố có tác động trực tiếp tới hiệu quả của nhiều hoạt động logistics, kể cả vận tải và hỗ trợ vận tải.

Cơ hội giảm chi phí kinh doanh, giảm tình trạng thuê ngoài. Các cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam cho các phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động logistics từ EU là cơ hội để doanh nghiệp logistics có thể mua các sản phẩm phục vụ sản xuất với giá hợp lý. Trong khi đó, EVFTA và RCEP dự kiến sẽ giúp doanh nghiệp logistics tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực công nghệ, tăng cường năng lực tự thực hiện, giảm các dịch vụ thuê ngoài.

Cơ hội thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với đối tác nước ngoài, đặc biệt là các nước có trình độ phát triển cao về logistics như các quốc gia thuộc EU.

Cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ logistics các nước thành viên khi các nước mở cửa nhiều dịch vụ nhóm logistics cho nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam.

Thách thức đối với ngành logistics Việt Nam, đó là sự cạnh tranh với các đối thủ sẽ gay gắt hơn. EU vốn rất mạnh về logistics, với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới.

Trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Đức đứng vị trí đầu tiên, các nước EU chiếm 4 trong tốp 5 vị trí đầu bảng (Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ), chiếm 14 trong tốp 20 vị trí đầu bảng. Hiện nhiều các doanh nghiệp logistics mạnh của EU đã có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, dù mức mở cửa của Việt Nam trong logistics theo WTO còn rất hạn chế.

Sau EVFTA, các cam kết mở cửa mạnh hơn, cạnh tranh từ các doanh nghiệp này với doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa. Tuy nhiên, cạnh tranh được dự báo sẽ chỉ gia tăng chủ yếu các lĩnh vực dịch vụ logistics mới mở cửa thêm, còn với các lĩnh vực đã mở theo WTO, cạnh tranh có thể gia tăng, tuy nhiên không đáng kể.

Khả năng tiếp cận thị trường logistics của EU hạn chế. Về mặt lý thuyết, EU cũng mở cửa thị trường dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù vậy, trên thực tế, khả năng tiếp cận thị trường EU của doanh nghiệp logistics không lớn. Do đây là thị trường EU đã có sẵn các đối thủ mạnh, khách hàng EU có đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ và các ràng buộc pháp lý gián tiếp (các điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics).   

Đối với RCEP, doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện chủ yếu cung cấp dịch vụ cho các nước trong khu vực RCEP, do vậy việc tiếp cận thị trường các nước RCEP sẽ không khó khăn như EU.

- Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp logistics cần làm gì để tận dụng những lợi ích mà Hiệp định mang lại?

Để có thể tận dụng được hết những ưu đãi mà các Hiệp định FTA nói trên mang lại, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin để tận dụng các chính sách ưu đãi của Hiệp định.

Trong suốt quá trình đàm phán cho đến khi ký kết và sau khi các FTA có hiệu lực, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan chủ trì về hội nhập kinh tế quốc tế luôn tích cực phổ biến các thông tin về Hiệp định, những cơ hội và thách thức, cách thức để tận dụng những ưu đãi mà của Hiệp định mang lại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin và có những chiến lược phù hợp để tận dụng được những cơ hội từ các Hiệp định FTA này.

Toàn cảnh các doanh nghiệp và diễn giả tham gia diễn đàn.

Toàn cảnh các doanh nghiệp và diễn giả tham gia diễn đàn.

Cải thiện công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 trong các dịch vụ logistics đặc biệt, đẩy mạnh kết nối thông tin với mạng logistics toàn cầu. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, bảo đảm năng lực chuyên môn. Quá trình mở cửa, bên cạnh những cơ hội luôn đi kèm với cạnh tranh.

Doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, bước đầu là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp, bài bản, phù hợp với mội trường làm việc quốc tế.

Cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lý và phạm vi hoạt động kinh doanh, đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư quốc tế. Vì hiện nay các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, tới 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, 1% có mức vốn trên 100 tỷ đồng, 1% có mức vốn từ 50 đến 100 tỷ đồng, 3% có mức vốn từ 20 đến 50 tỷ đồng, và 5% có mức vốn từ 10 đến 20 tỷ đồng.

Có tới 50% số doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đăng ký ở loại hình Công ty TNHH một thành viên. Giờ đây, toàn cầu hóa và hội nhập đòi hỏi doanh nghiệp cần thay đổi để phù hợp với sân chơi lớn thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư quốc tế.

Chủ động tìm kiếm các kênh thích hợp để tăng liên kết với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ logistics khác nhau (hãng tàu, đại lý thương mại, bảo hiểm...).

- Để cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, theo Bộ trưởng, ngành logistics cần phải cải thiện những điểm nào?

Để năng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics ở nước ta hiện nay, cần đến sự chung tay góp sức của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp... theo đó thực hiện đồng bộ các giải pháp sau.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý logistics phù hợp xu thế phát triển hiện nay của Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Cơ chế Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN, điện tử hóa dịch vụ công, ứng dụng thương mại điện tử... nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics giảm thiểu chi phí.

Thứ hai, khẩn trương xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển và các chính sách hỗ trợ cho ngành logistics như: chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; quy hoạch các trung tâm logistics theo hướng hiện đại, chuyên sâu; chính sách phát triển vận tải quá cảnh; chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ cho các doanh nghiệp...

Thứ ba, ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng lớn của ngành logistics (hoàn thiện cảng, đường bộ, đường sắt, đường không, kho bãi, trang thiết bị và các định chế có liên quan,...).

Thứ tư, các doanh nghiệp dịch vụ logistics tăng cường kết nối các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hợp tác chia sẻ các lợi thế nhằm giảm chi phí logistics nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics.

Thứ năm, Hiệp hội, doanh nghiệp logistics chủ động liên kết với các Học viện, trường đại học, cao đẳng nghề trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của ngành logistics. 

Thứ sáu, kiện toàn công tác quản lý nhà nước về logistics ở cả Trung ương và địa phương nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Có thể bạn quan tâm

  • Ba điểm yếu cố hữu khiến chi phí logistics còn thiếu tính cạnh tranh

    Ba điểm yếu cố hữu khiến chi phí logistics còn thiếu tính cạnh tranh

    11:02, 26/11/2020

  • Viettel Post tiếp tục dẫn đầu Top 5 công ty uy tín ngành Logistics năm 2020

    Viettel Post tiếp tục dẫn đầu Top 5 công ty uy tín ngành Logistics năm 2020

    00:10, 26/11/2020

  • Bee Logistics nhận Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN lần thứ 2 liên tiếp

    Bee Logistics nhận Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN lần thứ 2 liên tiếp

    12:55, 17/11/2020

  • Ngành logistics vượt rào cản nội tại

    Ngành logistics vượt rào cản nội tại

    04:15, 13/11/2020

  • Cảng biển và chuỗi logistics hàng hải quốc tế

    Cảng biển và chuỗi logistics hàng hải quốc tế

    05:00, 01/11/2020

  • Doanh nghiệp logistics cần chuyển đổi số để bắt kịp xu thế

    Doanh nghiệp logistics cần chuyển đổi số để bắt kịp xu thế

    04:00, 16/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
FTA thế hệ mới và cơ hội cho logistics Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO