“5 nhà” bắt tay làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Hệ sinh thái để hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải có sự liên kết chặt chẽ từ 5 nhà: Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà Tài chính, Nhà nông và Nhà Doanh nghiệp.
Diễn đàn “Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức “nóng” suốt hơn 3 giờ đồng hồ bởi những ý kiến trao đổi từ phía các doanh nghiệp và bộ ngành liên quan.
Theo, ông Hà Văn Thắng – Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đến nay cả nước mới có 46 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó một nửa là các doanh nghiệp thủy sản và 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận.
Rào cản lớn
Ông Đặng Vũ Trân – Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp, Bộ NN &PTNT cho rằng, Đầu tư vào nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một loại hình đầu tư rất đặc biệt, tiềm ẩn rủi ro cao, nhưng cũng hứa hẹn mang lại nguồn lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung chính là điều các doanh nghiệp “đau đầu” nhất.
Nhưng không chỉ có đất, sau 5 năm làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Hiền Lê cho biết, bản thân đã mất “nhiều trăm tỷ đồng” vào nông nghiệp, doanh nghiệp này hiện đang bù lỗ mức 1,5 - 3 tỷ/tháng nhưng khi thế chấp những máy móc công nghệ để vay vốn thì lại… không được phép theo quy định của các tổ chức tín dụng.
Điều này Báo cáo của Viện Chiến lược Chính sách Phát triển Nông nghiệp, nông thôn khẳng định khi có đến 70% doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp “kêu” khó tiếp cận tín dụng. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu tài sản bảo đảm tiền vay.
Trong khi đó, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng nhà nước cho biết, ngành ngân hàng cũng rất khó… giải ngân khi hiện nay số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận chưa nhiều... Bên cạnh đó, là việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đặc biệt là các tài sản từ dự án nông nghiệp công nghệ cao... tại các địa phương còn chậm.
Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định; bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhân lực còn hạn chế… là những rào cản cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời gian qua. Và điều đó cũng khiến nhiều doanh nghiệp… ngại đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Hệ sinh thái 5 nhà” cùng bắt tay phát triển
Rõ ràng, hệ sinh thái để hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải có sự liên kết chặt chẽ từ 5 nhà: Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà Tài chính, Nhà nông và Nhà Doanh nghiệp. Và thực sự để hệ sinh thái này mạnh mẽ hơn nữa, các đại biểu, doanh nghiệp đã có những đề xuất, kiến nghị:
Bổ sung doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào đối tượng được hưởng các biện pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất.
Bên cạnh đó, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là một loại hình đầu tư rất đặc biệt, tiềm ẩn rủi ro cao. Do đó, nên nghiên cứu phương án lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, phát triển nông nghiệp công nghệ cao không thể dựa vào nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Do vậy, tích tụ ruộng đất, là một chủ trương nhận được sự đồng thuận cao và cần được triển khai rộng.
Cần nhân rộng mô hình trung tâm/vườn ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, biến những ý tưởng công nghệ khả thi thành sản phẩm định hình. Điều này rất cần các nhà khoa học vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.
Cần đưa các viện nghiên cứu, các trường đại học tham gia vào Chương trình phát triển nhân lực chất lượng cao theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp...
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: Đảng, Nhà nước là “bệ đỡ”
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, Chính phủ cũng dành nhiều nguồn lực tạo điều kiện cho nghiên cứu, chuyên giao công nghệ năng suất chất lượng nông sản; tạo điều kiện cho tích tụ và tập trung đất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường để hình thành nền nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt là những nỗ lực lớn trong công tác tổ chức và phát triển thị trường ở cả trong và ngoài nước. Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cho thấy sự tích cực của Nhà nước trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam. Nông sản Việt Nam từng bước xâm nhập vào những thị trường có sức mua lớn, đòi hỏi cao về chất lượng như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Australia...
Có thể bạn quan tâm
Năm đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
04:50, 18/12/2020
Định hướng đào tạo nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp
17:04, 17/12/2020
Giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam
16:58, 17/12/2020
CEO Nguyễn Thị Bảo Hiền: "Dù khó khăn tôi vẫn chọn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao"
16:24, 17/12/2020
Cần hệ sinh thái cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
15:30, 17/12/2020
Gỡ nút thắt cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
15:29, 17/12/2020